Ngày 21-11, các quan chức sáu cường quốc Anh, Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga và Mỹ nhóm họp tại Brussels, Bỉ nhằm thảo luận kế hoạch mở vòng đàm phán hạt nhân mới với Iran. Sáu cường quốc sẽ họp bàn về việc xem xét lại chiến lược của họ sau khi không đạt được kết quả nào trong 3 vòng đàm phán trước đó.
Một trong những lựa chọn đang được xem xét là các nước sẽ yêu cầu Iran nhượng bộ nhiều hơn. Quyết định trên là nỗ lực mới nhất để giải quyết tranh cãi kéo dài hơn một thập kỷ về chương trình hạt nhân của Iran và ngăn chặn nguy cơ xảy ra cuộc xung đột quân sự.
Hãng Reuters nhận định, Tổng thống Mỹ tái đắc cử Barack Obama và các nước phương Tây đều để ngỏ khả năng cho vòng đàm phán mới nhưng những lời đe dọa tấn công các cơ sở hạt nhân của Iran từ phía Israel đang làm thu hẹp cơ hội này. Israrel vẫn đang tìm cách thuyết phục đồng minh thân cận là Mỹ ủng hộ kế hoạch trên nhưng Washington tỏ ra rất thận trọng. Một phần bởi Mỹ đã nhận ra những cái giá rất đắt cho mỗi cuộc chiến tranh là lòng tin người dân sụt giảm, điều này gây trở ngại rất lớn cho những chính sách phục hồi kinh tế của chính phủ. Phương Tây lại càng không muốn tham gia vì kinh tế đang suy thoái.
Hiệp hội các nhà khoa học Mỹ (FAS) vừa công bố báo cáo cho rằng kinh tế Mỹ và thế giới nói chung sẽ bị thiệt hại vô cùng lớn nếu Mỹ mở cuộc tấn công quân sự vào Iran nhằm chặn đứng chương trình hạt nhân của nước này. Theo tính toán của FAS, một cuộc tấn công nhằm vào Iran sẽ tiêu tốn khoảng 1.200 tỷ USD, cộng thêm 700 tỷ USD nữa để xóa sổ các cơ sở hạt nhân sâu dưới lòng đất ở nước này.
Mỹ và các nước phương Tây đặt nhiều hy vọng vào việc siết chặt lệnh cấm vận nhằm vào Iran từ giữa năm nay sẽ khiến nước này buộc phải từ bỏ chương trình hạt nhân nhưng những gì đang diễn ra tại Teheran cho thấy họ vẫn đang trụ vững dù phải chịu những thiệt hại không nhỏ. Không chỉ Iran, Mỹ và phương Tây cũng phải gánh những hậu quả. FAS cho rằng cấm vận kinh tế đối với Teheran cũng đang gây thiệt hại đáng kể cho cả nền kinh tế Iran lẫn thế giới, còn nếu mở cuộc tấn công quân sự vào Iran thì mức độ thiệt hại sẽ rất lớn.
Vì thế, theo FAS, phương án “rẻ nhất” để giải quyết vấn đề hạt nhân gây tranh cãi dai dẳng của Iran là các bên trở lại bàn đàm phán để tìm ra giải pháp cùng chấp nhận được.
Lệnh cấm vận không làm Iran từ bỏ chương trình hạt nhân vì những dấu hiệu gần đây cho thấy nước này đang làm giàu uranium tại cơ sở ngầm Fordow. Uy tín của Iran trên chính trường thế giới được củng cố sau khi nước này tổ chức thành công hội nghị phong trào không liên kết (NAM) vào tháng 9 năm nay và đưa ra bằng chứng chứng minh chương trình hạt nhân của Teheran là minh bạch.
Theo chuyên gia về Trung Đông Cliff Kupchan: “Điều quan trọng là trình tự các bước. Đó cũng là những gì sáu cường quốc sẽ thảo luận tại Brussels”. Các nhà phân tích khác thì cho rằng các bên sẽ không đi tới một thỏa thuận nào giống như những vòng đàm phán trước nếu Mỹ và phương Tây còn tiếp tục dùng biện pháp áp đặt, không hướng tới sự bình đẳng trong các cuộc thương lượng và không tôn trọng quyền tự do của một quốc gia từng nhiều lần khẳng định chỉ sử dụng hạt nhân vì mục đích hòa bình.
THANH HẰNG