Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước - Đề nghị mời chuyên gia tư vấn độc lập

Ngày 20-3, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi các ngành chức năng Trung ương và tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị liên quan đề nghị mời chuyên gia của các đơn vị tư vấn độc lập phối hợp khảo sát để đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng rò rỉ nước trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh).
Vụ đập thủy điện Sông Tranh 2 rò rỉ nước - Đề nghị mời chuyên gia tư vấn độc lập

Ngày 20-3, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam có văn bản gửi các ngành chức năng Trung ương và tỉnh Quảng Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cùng các đơn vị liên quan đề nghị mời chuyên gia của các đơn vị tư vấn độc lập phối hợp khảo sát để đưa ra kết luận cuối cùng về tình trạng rò rỉ nước trên thân đập thủy điện Sông Tranh 2 (ảnh).

Trong khi đó, hàng chục ngàn hộ dân Bắc Trà My và lưu vực sông Thu Bồn đang lo lắng về độ an toàn của con đập khi các đợt rung chấn địa chất mạnh vẫn còn xảy ra…

Sáng 20-3, Ban quản lý dự án Thủy điện 3 đã có buổi làm việc với UBND huyện Bắc Trà My và một mực khẳng định, công trình vẫn an toàn và “nằm trong tầm kiểm soát” nhưng huyện vẫn chưa tin tưởng nên có văn bản đề nghị tỉnh và các ngành chức năng khẩn trương khảo sát, kết luận công khai.

Người dân càng thêm lo lắng khi gần đây, nhất là trưa 4-3, tại Bắc Trà My lại xuất hiện đợt rung chấn mạnh và đặt nghi vấn liệu có mối liên hệ nào giữa hiện tượng nứt và rò rỉ nước ở đập Sông Tranh 2 với động đất nơi đây?

Công văn của Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam đề nghị Công ty Thủy điện Sông Tranh mời các chuyên gia của các đơn vị tư vấn độc lập phối hợp với đơn vị tư vấn thiết kế công trình, đơn vị thi công khẩn trương tổ chức kiểm tra, khảo sát và quan trắc bằng các thiết bị hiện đại đối với hạng mục đập chính, qua đó đưa ra chính xác nguyên nhân và các giải pháp kỹ thuật khắc phục về tình trạng rò rỉ nước qua đập chính của hồ thủy điện Sông Tranh 2.

Sau khi có kết luận cuối cùng của các chuyên gia và đơn vị tư vấn, công ty có trách nhiệm tổ chức cuộc họp, báo cáo kết quả với UBND tỉnh Quảng Nam và các cơ quan chức năng của tỉnh; đồng thời khẩn trương tiến hành công tác xử lý, khắc phục, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình và nhân dân vùng hạ du.

Ông Nguyễn Minh Tuấn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh văn phòng Ban chỉ huy phòng chống lụt bão tỉnh Quảng Nam cho biết, ngày 19-3 ông đã có chuyến kiểm tra thực tế việc rò rỉ nước tại đập thủy điện Sông Tranh 2. Sau khi khảo sát và xem bản vẽ hoàn công công trình, ông Trần Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Tranh cho biết, hiện tượng trên bắt đầu xuất hiện từ ngày 5-2 sau khi Tổng Công ty Xây dựng thủy lợi 4 (đơn vị thi công công trình) tiến hành trám bịt các dòng thấm chảy vào đường hầm kiểm tra nằm trong thân đập.

Đập thủy điện Sông Tranh 2 là đập bê tông trọng lực, trên thân đập được thiết kế và thi công 30 khe nhiệt (tương ứng với 20m chiều dài đập, bố trí một khe nhiệt) nhằm triệt tiêu ứng suất nhiệt, không gây phá vỡ kết cấu bê tông sau khi thi công, vận hành công trình. Các dòng thấm này chảy ra phía hạ lưu qua các khe nhiệt, chứ không phải chảy qua các khe nứt phát sinh trên thân đập.

Ông Trần Văn Hải khẳng định việc rò rỉ này là qua thân đập thủy điện Sông Tranh 2 không ảnh hưởng đến an toàn công trình. 

NGUYÊN KHÔI

  • Chuyên gia thủy lợi Lê Trí Tập, nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam: Nói không ảnh hưởng đến sự an toàn của đập là không thuyết phục

Để nhận định chính xác nguyên nhân rò rỉ nước ở thân đập Sông Tranh 2 cần phải khảo sát kỹ hiện trường bằng thiết bị hiện đại. Việc đánh giá này cần phải khách quan dựa trên tài liệu nhật ký công trình, nghiệm thu cũng như hồ sơ thiết kế.

Trong những công trình bê tông toàn khối như thủy điện Sông Tranh 2, người ta thường tạo ra những khe nhiệt để khi bê tông co ngót, lún không bị đứt gãy khối bê tông. Đối với cột nước cao cả trăm mét như thủy điện Sông Tranh 2 thì khi nước thấm qua khe nhiệt rồi tuôn chảy về phía hạ lưu có thể gây thủy hóa bê tông, gây mất an toàn cho công trình. Khi thiết kế khe nhiệt người ta không bao giờ để hở khiến nước có thể thấm chảy qua mà phải có kết cấu mềm để chống thấm cho công trình, nên việc Ban quản lý dự án Thủy điện 3 khẳng định “các dòng thấm chảy ra phía hạ lưu đập và toàn bộ lưu lượng thấm qua đập được xác định 30 lít/giây không ảnh hưởng đến an toàn, ổn định đập” là không thuyết phục. Khe nhiệt mà chảy nước rồi dùng giấy nhét, khoan bơm hóa chất… vào thì tôi không hiểu được. Nếu nói rằng tổng lượng nước thấm chảy như hiện nay là đạt yêu cầu kỹ thuật, đảm bảo chất lượng công trình theo nghiệm thu cấp quốc gia, cấp tập đoàn EVN… thì cần gì phải khắc phục, sửa chữa như hiện nay?

Vì vậy, tôi đề nghị các nhà khoa học, các nhà quản lý khẩn trương khảo sát bằng máy móc hiện đại để đưa ra kết luận nhanh nhất, chính xác nhất và phải có trách nhiệm trước dân về kết luận của mình, vì đây không chỉ là việc đe dọa đối với sự an toàn của công trình mà còn là mối đe dọa đối với tính mạng hàng vạn người dân vùng hạ du.

  • GS Lê Kim Truyền, Phó Chủ tịch Hội Đập lớn và Phát triển nguồn nước Việt Nam: Cần phải khắc phục ngay

Không thể để nước từ thượng lưu đập thủy điện rò rỉ xuống như vậy được. Nếu để lâu dài mà không khắc phục kịp thời sẽ làm ảnh hưởng tới chất lượng của công trình, đe dọa an toàn của đập.

Về nguyên tắc thì ngay cả khe nhiệt cũng không cho phép để rò rỉ nước như thế được, mà từ quá trình thi công phải có các giải pháp kỹ thuật (như lót lá đồng) để nước không bị rò rỉ, thấm qua thân đập. Nói tóm lại, trong thiết kế và thi công đập thủy điện, để nước chảy xuống như thế là gây nguy hiểm cho an toàn đập cũng như hạ lưu, cần phải xử lý ngay. Nếu các khe nứt chỉ rò thấm nước và lan tỏa đều trên đập thì không nguy hiểm, nhưng ở đây nước lòng hồ lại chảy khá mạnh thì rõ ràng gây ảnh hưởng tới chất lượng các khối bê tông, có thể làm cho vết nứt ngày càng lan rộng.

Sự cố ở đập thủy điện Sông Tranh 2 cũng không quá lo ngại, bởi chúng ta có đủ giải pháp kỹ thuật để gia cố, khắc phục khe nứt. Vấn đề quan trọng là các cơ quan chức năng và chủ dự án thủy điện cần phải tổ chức kiểm tra thực tế hiện trường để đánh giá một cách toàn diện, chính xác nguyên nhân gây nứt cũng như mức độ sự cố mới có thể áp dụng đúng phương pháp khắc phục. Và việc gia cố, khắc phục đối với các khe nứt đập thủy điện cũng khá tốn kém, cần phải làm nghiêm túc.

Khu vực miền Trung có mức độ động đất không mạnh bằng miền Bắc, đồng thời hiện nay kỹ thuật và trình độ xây dựng đập của nước ta khá tốt, nên vẫn có thể đảm bảo an toàn cho các hồ đập thủy điện khi có động đất xảy ra.

  • GS Cao Đình Triều, chuyên gia thuộc Viện Vật lý địa cầu: Nếu để lâu ngày sẽ gây hiểm họa khó lường

Thủy điện Sông Tranh 2 nằm trên đới đứt gãy đang hoạt động mạnh, do đó cần phải khẩn cấp thăm dò, đo đạc mức độ nguy hiểm của vết nứt để có giải pháp khắc phục, đảm bảo an toàn cho hạ lưu. Nếu để lâu ngày, vết nứt lan rộng, thân đập bị đứt gãy thì hàng trăm triệu mét khối nước treo ở độ cao 100m so với vùng hạ lưu ào xuống sẽ gây hiểm họa khó lường.

N.KHÔI - P.HẬU (ghi)

Tin cùng chuyên mục