(SGGPO).- Ngày 26-10-2015, tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 4294/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn; Quyết định số 5383/QĐ-UBND ngày 22-12-2015 phê duyệt hồ sơ đề xuất Dự án không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương, thị xã Sầm Sơn, sớm đưa Sầm Sơn trở thành đô thị du lịch trọng điểm của Quốc gia.
Sau khi tổ chức đấu thầu, Tập đoàn FLC là đơn vị được tỉnh Thanh Hóa lựa chọn làm nhà thầu thi công dự án này theo hình thức BOT (xây dựng - vận hành - chuyển giao). Theo đó, toàn bộ bãi biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương (khoảng 3,5km) sẽ được giao cho Tập đoàn FLC cải tạo theo hướng hiện đại, thân thiện và hấp dẫn; các ki-ốt kinh doanh tự phát trước đây sẽ được thay thế bằng hệ thống cửa hàng hiện đại và quy củ, khu vực bến đậu của ngư dân sẽ được dịch chuyển sang vị trí khác.
Thuyền bè của ngư dân nằm chung với bãi tắm (Ảnh: Internet)
Để thực hiện dự án này, các bến đậu tàu, thuyền của ngư dân được quy hoạch cách xa những bãi đậu tàu thuyền trước đó hàng chục km, khiến ngư dân đi lại khó khăn; thêm vào đó, vì cuộc sống mưu sinh, nhiều ngư dân vẫn phải hàng ngày ra bãi biển (đã được bàn giao cho Tập đoàn FLC) để cào ngao, đánh bắt hải sản mưu sinh và tại đây đã xảy ra mâu thuẫn, thậm chí là xô sát khi nhân viên của Tập đoàn FLC xua đuổi ngư dân, khiến họ rất bức xúc. Sự việc đã được cấp ủy – chính quyền tỉnh Thanh Hóa tiếp nhận, xử lý, nhưng ngư dân cho rằng chưa thỏa đáng nên tiếp tục khiếu kiện.
Đỉnh điểm từ 26-2-2016 đến nay, mỗi ngày có hàng trăm lượt công dân của xã Quảng Cư và các phường Trung Sơn, Trường Sơn thuộc thị xã Sầm Sơn tụ tập trước Trụ sở UBND tỉnh để khiếu kiện đòi giữ lại bãi tập kết thuyền, bè đánh cá của ngư dân. Vụ việc đã gây ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn giao thông và hoạt động bình thường của một số cơ quan nhà nước và dân cư trên địa bàn Thanh Hóa. Diễn biến của sự việc ngày càng có chiều hướng phức tạp, khi người dân tràn ra đường, tập trung tại các nút giao thông huyết mạch của thành phố khiến giao thông ách tắc.
Phối cảnh một đoạn bãi biển Sầm Sơn theo quy hoạch mới (Ảnh: Internet)
Ngày 1-3-2016, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Quyết định số 705/2016/QĐ-UBND về cơ chế chính sách hỗ trợ ngư dân thị xã Sầm Sơn bị ảnh hưởng bởi dự án “Không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương”. Theo quyết định này, nếu bà con cam kết phá bỏ bè, mủng sẽ được hỗ trợ với mức 70 triệu đồng/bè, 50 triệu đồng/mủng; đồng thời hỗ trợ ngư dân ổn định đời sống trong 6 tháng với mức tương đương 30kg gạo tẻ/người/tháng. Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã quyết định hỗ trợ mua mới, đóng mới tàu cá có công suất từ 30CV trở lên với mức hỗ trợ một lần sau đầu tư (tương đương với mức lãi xuất hỗ trợ khi vay vốn ngân hàng) bằng 35% giá trị con tàu; hỗ trợ lãi xuất khi vay vốn ngân hàng với mức 7%/năm trên tổng số vốn vay trong thời hạn 5 năm; hỗ trợ tìm nghề mới cho các hộ gia đình giải với mức 12 triệu đồng/bè và 8 triệu đồng/mủng...
Tuy nhiên, một bộ phận người dân vẫn không đồng tình, ủng hộ với chính sách của tỉnh, kiến nghị để đòi lại khoảng 500m bãi biển trên diện tích 3,5km bãi biển đã giao cho Tập đoàn FLC để làm nơi tập kết bè, mủng. Việc làm này là không phù hợp với chủ trương của tỉnh, đồng thời phá vỡ cảnh quan, không gian du lịch ven biển phía Đông đường Hồ Xuân Hương như đã được phê duyệt.
Trước tình hình trên, lãnh đạo tỉnh đã tăng cường tiếp công dân tại trụ sở tiếp dân của UBND tỉnh và trụ sở tiếp công dân của UBND thị xã Sầm Sơn và tại trụ sở 4 phường, xã (Trung Sơn, Bắc Sơn, Trường Sơn, Quảng Cư) để người dân được giãi bày tâm tư, nguyện vọng, đồng thời tuyên truyền, giải thích để người dân hiểu và chấp hành chủ trương của tỉnh. Đến nay, đã có các hộ ký nhận tiền hỗ trợ theo cơ chế, chính sách của tỉnh và thống nhất di chuyển về bến mới theo quy định của tỉnh trước ngày 15-3-2016.
Mặc dù vậy, lợi dụng tình hình phức tạp, vẫn còn một số đối tượng không đại diện cho nguyện vọng của đông đảo bà con ngư dân tiếp tục lôi kéo, kích động người dân gây rối, tập trung đông người để gây sức ép với lãnh đạo tỉnh. Những việc làm trên đang làm bất lợi đối với sự lãnh đạo, chỉ đạo và điều hành, quản lý của lãnh đạo tỉnh Thanh Hóa trong việc thực hiện Dự án và đi ngược lại với nguyện vọng của nhân dân tỉnh Thanh Hóa nói chung và thị xã Sầm Sơn nói riêng, cản trở sự phát triển của tỉnh và trực tiếp là thị xã Sầm Sơn.
Đến trưa 6-3-2016, tình hình người dân tụ tập đông người đã bớt căng thẳng, nhiều người đã trở về nhà. Nhưng vẫn còn một nhóm nhỏ người dân vẫn đang tiếp tục tụ tập tại một số cơ quan của tỉnh để khiếu kiện.
Phong Hải