Vụ “Khuất tất đấu thầu thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy”: Giá thuốc cao là... khách quan?

Ngay sau khi Báo SGGP đăng bài “Bệnh viện Chợ Rẫy - Khuất tất đấu thầu thuốc”, ngày 7-10, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã phản hồi cho rằng công tác đấu thầu thuốc là đúng quy định! Mặt khác việc chênh lệch giá thuốc so với các đơn vị khác là… khách quan. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định đấu thầu thuốc theo Thông tư 01/2012/TTLT/BYT-BTC (Thông tư 01) về đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế công lập do liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành 2012 thì kết quả đấu thầu thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy có những bất thường.

Ngay sau khi Báo SGGP đăng bài “Bệnh viện Chợ Rẫy - Khuất tất đấu thầu thuốc”, ngày 7-10, lãnh đạo Bệnh viện Chợ Rẫy đã phản hồi cho rằng công tác đấu thầu thuốc là đúng quy định! Mặt khác việc chênh lệch giá thuốc so với các đơn vị khác là… khách quan. Tuy nhiên, đối chiếu với quy định đấu thầu thuốc theo Thông tư 01/2012/TTLT/BYT-BTC (Thông tư 01) về đấu thầu thuốc trong các cơ sở y tế công lập do liên Bộ Tài chính và Bộ Y tế ban hành 2012 thì kết quả đấu thầu thuốc tại Bệnh viện Chợ Rẫy có những bất thường.

Bệnh viện... chống chế

Về việc một số thuốc trúng thầu có cùng hoạt chất, hàm lượng, quy cách, nhà cung cấp nhưng có giá trúng thầu lại chênh lệch cao hơn giá trúng thầu vào các bệnh viện khác, ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng khoa Dược Bệnh viện Chợ Rẫy lý giải: Khi hội đồng đấu thầu khác nhau thì sẽ khác nhau về chủ đầu tư, khác về hồ sơ mời thầu, quy mô gói thầu, thời điểm tổ chức đấu thầu… là những yếu tố làm cho giá trúng thầu của một loại thuốc giữa các hội đồng đấu thầu khác nhau, không phải là một giá”. Theo ông Bình thì chỉ khi nào đấu thầu tập trung thì kết quả trúng thầu mới có giá đồng nhất!

Tuy nhiên, khi dẫn chứng cụ thể vì sao có những loại thuốc chênh lệch cao hơn hẳn như vậy, ông Bình đưa ra báo cáo cho rằng cùng một loại thuốc trúng thầu các bệnh viện có các mức giá khác nhau. Như thuốc chứa hoạt chất Naloxone 0,4mg/ml trúng thầu 4 mức giá khác nhau ở các bệnh viện tuyến trung ương, nhưng trúng thầu ở Bệnh viện Chợ Rẫy có giá cao đứng thứ hai.

Trong khi ông Bình cho rằng nếu gói thầu với số lượng lớn thì có thể giá giảm nhưng ngay cả Bệnh viện Chợ Rẫy trúng thầu 1.000 ống mà giá tới 39.900 đồng/ống, trong khi Bệnh viện Mắt Trung ương mua 150 ống thì trúng thầu giá chỉ 38.325 đồng/ống.
 
Theo lý giải của ông Bình thì đáng lẽ Bệnh viện Chợ Rẫy mua số lượng nhiều hơn, giá phải rẻ hơn thì thực tế ngược lại! Tương tự, thuốc chứa hoạt chất Cytarabine 1g (Cytarabine-Belmed 1.000mg), giá trúng thầu Bệnh viện Chợ Rẫy là 315.000 đồng/lọ, trong khi các bệnh viện khác giá trúng thầu chỉ 300.000 đồng/lọ nhưng ông Bình vẫn chống chế rằng “tại bệnh viện mua ít” với 500 lọ, còn Bệnh viện Bạch Mai mua 2.000 lọ. Liệu có hợp lý khi chênh nhau số lượng không nhiều mà chênh lệch giá lên tới 15.000 đồng/lọ.

Trong khi đó, Bệnh viện Chợ Rẫy trúng thầu có giá chênh lệch rất lớn so với các bệnh viện tuyến tỉnh khác thì ông Bình “né” như thuốc Esomeprazole Sodium 40mg của Ấn Độ trúng thầu giá gần gấp đôi trúng thầu ở Sở Y tế Quảng Ninh; thuốc Ciprpfloxaci trúng thầu giá gấp 3 lần ở Đồng Nai… Chẳng lẽ sự chênh lệch giá cả như vậy là… khách quan?
 
Yêu cầu thương lượng lại giá

Trao đổi với phóng viên Báo SGGP ngày 7-10 xung quanh việc trúng thầu thuốc giá cao của Bệnh viện Chợ Rẫy, ông Vũ Xuân Hiển, Trưởng ban Dược và vật tư y tế Bảo hiểm xã hội Việt Nam (BHXHVN), cho biết trách nhiệm đấu thầu thuốc là của ngành y tế. “Khi ngành y tế đã phê duyệt kết quả đấu thầu, đúng quy định mà có kết quả giá cao hơn ở nơi khác thì BHXHVN yêu cầu căn cứ vào kết quả trúng thầu của các đơn vị khác để rà soát. Nếu phát hiện loại thuốc nào trúng thầu có giá cao hơn thì BHXHVN kiến nghị cơ sở y tế thương thảo với các nhà thầu để điều chỉnh lại giá”, ông Vũ Xuân Hiển nói.
 
Theo ông Vũ Xuân Hiển thì Bệnh viện Chợ Rẫy thực hiện đấu thầu thuốc theo Thông tư 01 là “chọn thuốc có giá đánh giá thấp nhất”, nhưng thực tế một số thuốc có kết quả trúng thầu vẫn cao so với một số tỉnh khác cũng có kết quả đấu thầu theo Thông tư  01.

Ông Vũ Xuân Hiển cho rằng BHXHVN không can thiệp sâu vào việc mua thuốc vì trách nhiệm là của ngành y tế. Bộ Y tế cũng đã có Chỉ thị 06 yêu cầu kết quả trúng thầu có giá cao thì phải thương thảo lại với nhà thầu.

“Một số nơi cũng từng phát hiện có giá trúng thầu cao và đã yêu cầu thương thảo với doanh nghiệp dược trúng thầu để có giá hợp lý. Nếu không điều chỉnh giảm được thì BHXHVN xem xét chỉ thanh toán với giá bằng các đơn vị trúng thầu thấp khác”, ông Vũ Xuân Hiển nhấn mạnh.

TƯỜNG LÂM

Tin cùng chuyên mục