Nước lũ ở ĐBSCL đang lên nhanh từng ngày và đang đe dọa hàng ngàn hécta lúa thu đông (lúa vụ 3) ở Kiên Giang, Đồng Tháp do nông dân xé rào sản xuất.
Hên xui!
Giá lúa hè thu đang ở mức cao kỷ lục trên 6.500 đồng/kg là hấp lực để nông dân ĐBSCL tiếp tục mở rộng diện tích sản xuất lúa thu đông. Tuy nhiên, đây là vụ lúa ẩn chứa nhiều rủi ro. Nhiều vùng không được khuyến khích nhưng nông dân vẫn xé rào xuống giống hàng ngàn hécta lúa thu đông. Nước lũ về sớm đã làm một số tuyến đê bị vỡ gây thiệt hại cho lúa.
Nhiều địa phương như An Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Kiên Giang… đều gia tăng diện tích sản xuất vượt kế hoạch. Tại Kiên Giang có hơn 3.000ha lúa thu đông không nằm trong kế hoạch. “Biết chính quyền khuyến cáo không làm lúa thu đông, nhưng thấy giá lúa cao nên xuống giống đại. Giờ chỉ mong nước lũ lên chậm mới thu hoạch kịp”, một nông dân ở huyện Tân Hiệp – Kiên Giang cho biết.
Đây cũng là tâm trạng chung của hàng ngàn nông dân ở huyện Tân Hiệp khi “xé rào” xuống giống lúa thu đông khi vùng này chưa có đê bao kiểm soát lũ. Nói “xé rào” hay làm lúa ngoài vùng quy hoạch bởi đây là vụ sản xuất ngay thời điểm lũ tràn về ĐBSCL. Ngành chức năng chỉ khuyến cáo sản xuất ở những khu vực có đê bao chắc chắn.
Ngay các địa phương đầu nguồn lũ ở Cần Thơ như Thốt Nốt, Vĩnh Thạnh (giáp với vùng Bắc Cái Sắn) cũng chỉ có hệ thống đê bao lửng nên ngành nông nghiệp đã “xin viện trợ” kinh phí để gia cố đê bao nhằm bảo vệ diện tích lúa thu đông.
Tập tính kỷ luật
Từ lâu, các nhà khoa học đã ví von: nông dân sản xuất lúa thu đông chẳng khác nào “chơi” trò may rủi với ông trời. Nói thế bởi vụ lúa này ẩn chứa nhiều rủi ro: mưa dầm, lũ chụp, đất canh tác liên tục sẽ bạc màu. Trong 2 tuần qua, liên tiếp có mưa nên khoảng 120ha lúa thu đông ở huyện Vị Thủy – Hậu Giang bị chìm trong nước. Trong đó, hơn 10ha thiệt hại hoàn toàn, số còn lại thiệt hại từ 10%-50%.
Lúa bị thiệt hại tập trung ở các vùng không có hệ thống đê bao khép kín hoặc hệ thống đê bao chưa hoàn chỉnh thuộc xã Vị Thắng, Vị Thủy và Vĩnh Trung. Tình trạng này đòi hỏi các địa phương phải tăng cường quản lý để kiểm soát được diện tích, trong đó hạn chế diện tích gieo sạ ở những nơi thiếu đê bao.
Thực tế đang đặt ra nhiều thách thức trong vụ lúa thu đông. Tiến sĩ Phạm Văn Dư, Cục phó Cục Trồng trọt cho rằng: “Khi lúa càng có giá, nông dân càng phải tập tính kỷ luật cao, thời vụ nào ra thời vụ nấy. Không nên xé rào làm lúa thu đông ngoài vùng quy hoạch, có thể thiệt hại nặng”. Mong rằng các địa phương sẽ tuyên truyền tốt vấn đề này.
Cao Phong