Sau vụ việc 6 tàu cá của tỉnh Kiên Giang bị lực lượng lạ tấn công trên biển ngày 11-9 làm 1 người tử vong tại chỗ và 2 người khác bị thương, nhiều tàu đánh bắt xa bờ lo lắng về an toàn trên biển. Ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đang vào cuộc điều tra vụ việc và đề ra giải pháp bảo vệ ngư dân…
Chiều 15-9, phóng viên Báo SGGP đã tiếp xúc với các thuyền viên, đa số họ vẫn còn hoang mang về vụ nổ súng kinh hoàng trên biển. Anh Huỳnh Văn Tửng (tài công tàu KG 94005) nhớ lại: “Sau khi tàu KG 94005 cùng với 19 thuyền viên bị nhóm người lạ bắt giữ, trong đó có thuyền viên Trần Văn Sang trúng đạn bị thương ở đùi trái, lỗ đạn 10mm. Lực lượng này đã để lại 5 người khống chế tàu, 5 người còn lại dẫn tôi quay lại tìm kiếm các tàu khác. Chạy hơn một giờ thì phát hiện 2 cặp tàu KG 94811 - KG 94812 và KG 94058 - KG 94059, chúng chẳng nói chẳng rằng, dùng súng bắn xối xả vào các tàu cá trên khiến anh Nguyễn Hùng Cường (tài công tàu KG 94811) bị thương nặng và anh Ngô Văn Sinh (tài công tàu KG 94059) tử vong tại chỗ. Chứng kiến cảnh hãi hùng như thế, tôi không thể tin nổi bọn này quá hung hãn, manh động, mất hết tính người. Nhưng cũng may, khi thấy một người chết và người bị thương nên chúng quay lại thả tôi về tàu, chứ chở đi luôn thì không biết tính mạng tôi bây giờ ra sao nữa”.
Tài công Huỳnh Văn Tửng kể lại sự việc
Ông Trương Văn Ngữ, Chủ tịch Hội nghề cá TP Rạch Giá, bày tỏ sự lo ngại trước hành động sai trái và cho rằng, việc đánh bắt ngoài khơi xa, khu vực chồng lấn, nhiều ngư dân chưa nắm hết, nên khả năng gặp rủi ro bị bắt bớ, xử phạt, đòi tiền chuộc… có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đây là vấn đề mà các tàu thuyền cần phải cảnh giác. “Việc các tàu cá bị tấn công vừa qua cũng do một trong những nguyên nhân trên”- ông Ngữ nói.
Theo Đại tá Phạm Văn Sáng, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Biên Phòng Kiên Giang, những năm gần đây, lực lượng Biên phòng luôn tuyên truyền để ngư dân nắm rõ vùng biển giữa nước ta với các nước trong khu vực. Qua đó, ngư dân biết vùng nào được đánh bắt, khu vực nào không, nhằm tránh xảy ra những vụ việc đáng tiếc. Bên cạnh đó, khuyến khích ngư dân mua sắm đầy đủ trang thiết bị đánh bắt hải sản, trong đó đặc biệt quan tâm đến thiết bị định vị để xác định chính xác tàu đánh bắt trên biển đang ở vị trí nào, để không vi phạm vùng biển giữa các nước… “Cùng với tuyên truyền chủ trương quản lý biển, lực lượng Biên phòng Kiên Giang còn thường xuyên nhắc nhở bà con ngư dân chủ động đảm bảo an toàn trên biển; khuyến cáo khi ra khơi phải trang bị đầy đủ các thiết bị thông tin liên lạc trên biển; đồng thời hướng dẫn ngư dân về cách kết nối thông tin liên lạc vô tuyến, các dịch vụ gọi, liên lạc, điện thoại về bờ; hệ thống thông tin duyên hải tại Kiên Giang”- Đại tá Phạm Văn Sáng nói.
Với gần 10.000 tàu đánh cá, Kiên Giang là địa phương có số lượng tàu thuyền lớn nhất ĐBSCL
Ông Nguyễn Văn Tâm, Giám đốc Sở NN-PTNT Kiên Giang cho biết thêm: “Toàn tỉnh hiện có khoảng 6.000 tàu đánh bắt xa bờ và hơn 4.000 tàu đánh bắt gần bờ; tất cả các tàu khi ra khơi khai thác đều trang bị đầy đủ các phương tiện theo đúng quy định. Thời gian qua các ngành chức năng đã triển khai rộng rãi cho từng hộ khai thác đánh bắt cá trên biển hiểu rõ các quy định về khai thác trên biển, về cơ bản các tàu nắm rõ việc này. Tuy nhiên, sau khi sự việc ngư dân Kiên Giang bị tấn công trên biển xảy ra thì UBND tỉnh Kiên Giang đã giao cho Sở NN-PTNT phối hợp cùng các ngành liên quan rà soát lại việc khai thác cá trên biển của các tàu thuyền hiện nay, ai chưa tuân thủ thì nhắc nhở. Bên cạnh đó, đẩy mạnh việc tuyên truyền để bà con ý thức, đề phòng; mặt khác ngành chức năng tăng cường các biện pháp bảo vệ an toàn cho ngư dân trên biển. Mới đây, Sở NN-PTNT, cùng Hội Nghề cá đã tới thăm, chia buồn và hỗ trợ cho gia đình nạn nhân Ngô Văn Sinh; động viên tài công Nguyễn Hùng Cường an tâm điều trị vết thương bị bắn ở chân…”.
Theo ông Lê Khắc Ghi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang, với bờ biển dài trên 200km, ngư trường khai thác hải sản rộng hơn 63.000km²; trữ lượng hải sản trên vùng biển Kiên Giang đa dạng, khả năng khai thác trên 400.000 tấn các loại hải sản mỗi năm. Tuy nhiên, thực tế những năm qua, do còn những nguyên nhân khách quan, trong đó có một số tàu cá chưa nắm rõ vùng chủ quyền quản lý kinh tế biển, nên dẫn đến việc ngư dân đưa tàu ra khai thác ở khu vực chồng lấn, bị lực lượng chức năng các nước lân cận bắt giữ, bị kẻ xấu đòi tiền chuộc… Các vấn đề này sẽ được tuyên truyền nhiều hơn và ngành chức năng cũng phải có các biện pháp quản lý tàu thuyền chặt chẽ hơn trong thời gian tới
VĨNH THUẬN - NGUYỄN THANH