Tình trạng khai thác thiếc trái phép tại Thung lũng Tình yêu (TP Đà Lạt) hết sức “nóng”, khác hẳn với khung cảnh yên ắng, thanh bình ở đây. Thậm chí, “thiếc tặc” lập một hệ thống đường hầm dài hàng trăm mét để vào “rút ruột” khoáng sản trong lòng danh thắng cấp quốc gia này.
Coi thường pháp luật
Từ trung tâm khu du lịch Thung lũng Tình yêu ngược lên phía thượng nguồn hồ Đa Thiện khoảng 1km là đến đồi thông thuộc tiểu khu 144B. Người dẫn đường cho biết, trong lòng ngọn đồi này chính là địa bàn hoạt động của “thiếc tặc” với hệ thống “địa đạo” quy mô lớn. Nhưng miệng địa đạo lại không nằm ở Thung lũng Tình yêu mà hướng ra lưng chừng ngọn đồi ở cuối khu Đất Mới (lâm phần do Ban quản lý rừng Lâm Viên quản lý, hiện đã giao cho Công ty TNHH Thùy Dương nhận khoán bảo vệ rừng).
Địa đạo cao khoảng 1,5m, rộng 1m, được kè chắn kiên cố bằng gỗ thông, đường kính từ 10 - 20cm. Qua miệng hầm chừng 20m là một cánh cửa sắt, ngay bên ngoài cửa là một bảng điện, có cầu dao và đường dây cỡ lớn để thắp sáng hàng loạt bóng đèn tròn và quạt thông gió phục vụ hoạt động đào, đãi thiếc.
Do cửa sắt không khóa nên chúng tôi vào sâu được bên trong, khoảng 150m thì đụng “thiếc tặc”. Đó là một nhóm khoảng 4 - 5 người đang đẩy xe rùa (xe cút kít) vận chuyển đất đến khu vực đãi thiếc. Phát hiện ánh đèn pin, nhóm “thiếc tặc” lập tức ra tín hiệu thông báo cho nhau rồi đồng loạt bỏ xe rùa rút vào trong (ảnh).
Tình trạng khai thác thiếc trái phép trong khu vực rừng Thung lũng Tình yêu đã xảy ra từ nhiều năm trước, rộ lên vào năm 2007 với việc “thiếc tặc” chặt hạ thông hàng loạt để kè chắn hầm thiếc. Sau khi bãi thiếc này bị ngành chức năng đánh sập, “thiếc tặc” dùng chiêu đào địa đạo xuyên đồi để khai thác dưới lòng đất. Để đào được hệ thống địa đạo hàng trăm mét, các đối tượng này phải dùng chất nổ phá đá và hiện vẫn còn nhiều kíp nổ trong hầm.
Theo tìm hiểu, sau khi đào đãi xong ngay trong địa đạo, họ dùng xe rùa đẩy quặng ra miệng hầm, cho lên máy cày, ngụy trang giống chở rau để đưa thiếc đến giao hàng tại một địa điểm ở khu vực nghĩa trang Thánh Mẫu. Cứ khoảng 3 ngày thì họ giao hàng một đợt với trên dưới 3 tạ thiếc, giá trên 300.000 đồng/kg. Thời điểm giao hàng khoảng 4 đến 5 giờ sáng hàng ngày. Lượng thiếc này sẽ được các đầu nậu vận chuyển về xuôi tiêu thụ.
Hạt Kiểm lâm Đà Lạt xác định đây là trường hợp vi phạm có tổ chức và coi thường pháp luật, có tính chất tinh vi, chuyên nghiệp, có sự tham gia, tiếp tay của nhiều người (chứa chấp, cung cấp nguồn điện, phương tiện kỹ thuật và vật liệu nổ cho các đối tượng đào đường hầm).
Nổ mìn đánh sập hầm thiếc
Ông Phan Khắc Cử, Phó Giám đốc Công ty CP du lịch Thung lũng Tình yêu, cho biết, ngay khi biết thông tin “thiếc tặc” đào đường hầm vào khai thác thiếc dưới lòng Thung lũng Tình yêu, lãnh đạo khu du lịch đã báo cáo vụ việc cho ngành chức năng để tổ chức giải tỏa. “Đường hầm này nằm dưới bãi thiếc trước đây, là khu vực đất bồi nên có thể xảy ra sụt lở đất, nguy hiểm đến tính mạng con người. Việc đào hầm về lâu dài cũng ảnh hưởng đến địa tầng và cây cối trong khu du lịch” – ông Phan Khắc Cử lo lắng.
Ông Phan Văn Thi, Phó Chủ tịch UBND phường 8 (TP Đà Lạt), cho biết, các đối tượng khai thác thiếc trái phép chủ yếu hoạt động vào ban đêm và rất chai lỳ. Phường đã nhiều lần tổ chức giải tỏa, thu giữ phương tiện như: máy bơm, xe rùa, quạt gió, máy khoan bê tông, dây điện… và san lấp hầm thiếc. Nhưng sau khi lực lượng rút lui thì “thiếc tặc” tiếp tục hoạt động trở lại. Không những thế, một số cán bộ tham gia đoàn giải tỏa còn bị “thiếc tặc” nhắn tin đe dọa. Chúng còn dùng nhiều thủ đoạn để cản trở hoạt động kiểm tra của ngành chức năng, trong đó có chiêu đổ thuốc trừ sâu vào miệng hầm.
Ngày 17-5, ông Trần Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND TP Đà Lạt, cho biết do hệ thống đường hầm này đã đào sâu trong lòng đồi và gia cố chắc chắn nên việc san lấp là không khả thi. Vì vậy, UBND TP đã giao cho Ban Chỉ huy Quân sự TP Đà Lạt lập kế hoạch, phương án nổ mìn đánh sập, phá hủy hoàn toàn hệ thống hầm thiếc này.
| |
Nam Viên
| |
| |