Thời gian qua, “họa mi tóc nâu” trở thành tâm điểm của dư luận khi MV Anh thì không của cô vừa phát hành đã bị tác giả lời Việt của ca khúc nhạc Pháp này - nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng lên tiếng phê bình Mỹ Tâm vi phạm tác quyền khi sử dụng ca khúc mà không xin phép ông.
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng yêu cầu Mỹ Tâm rút bài hát Anh thì không với lời Việt chuyển ngữ của mình ra khỏi các sản phẩm, cũng như biểu diễn sân khấu và các hình thức kinh doanh khác. Mỹ Tâm sau đó lên trang facebook cá nhân đăng lời xin lỗi... khán giả và mới đây, cô đăng tải một clip nhận sai sót khi đã “quá vô tư trong việc dùng bài hát Anh thì không”, đồng thời gửi lời xin lỗi đến nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng.
Cũng trong clip này, Mỹ Tâm cho biết thêm, cô đã xin được tác quyền sử dụng bài hát gốc (Toi Jamais, sáng tác của Michel Mallory) và phần lời mới sẽ được nhạc sĩ Châu Đăng Khoa chuyển ngữ. Cả Mỹ Tâm và nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng đều xác nhận, sau khi lùm xùm xảy ra, Mỹ Tâm có hẹn gặp nhạc sĩ để trao đổi, nhưng cuộc hẹn bất thành vì nhạc sĩ có việc đột xuất phải đi vắng. Vì thế, đến thời điểm này, cả hai vẫn chưa có cuộc gặp gỡ chính thức nào.
Thế nhưng, nhìn vào toàn cảnh sự việc, vẫn có điều khiến những người quan tâm đến vụ việc này còn chút băn khoăn! Cách Mỹ Tâm đăng lời xin lỗi ai cũng nhận ra, cô phải xin lỗi là đương nhiên, nhưng đó chỉ là cách cô buộc phải xin lỗi, thay vì thật tâm nhận lỗi. Cô xin lỗi khán giả của mình, rồi chẳng đặng đừng phải quay clip để xin lỗi tác giả. Lẽ ra, theo phép ứng xử tối thiểu của người có lỗi, Mỹ Tâm vẫn phải gặp nhạc sĩ để có những lời chia sẻ chân thành. Có lẽ, việc đụng độ tác quyền với nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng trong ca khúc nhạc Pháp lời Việt - Búp bê không tình yêu trước đây, đã khiến Mỹ Tâm chưa được thoải mái?! Sau khi xin lỗi, cô cho biết, ca khúc này sẽ được người khác viết lại lời, cũng giống như kiểu “không có anh thì sẽ có người khác”. Với động thái này, rất khó để công chúng hiểu chuyện tin rằng, Mỹ Tâm thật sự nhận lỗi và sửa sai bằng thiện chí!
Ca sĩ Mỹ Tâm trong MV Anh thì không
Nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng cho biết, ông đã ủy thác tác quyền cho Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) 10 năm nay và mới đây, ông vừa gửi thêm cho trung tâm 100 ca khúc nữa. Vì vậy, bất cứ ai muốn sử dụng ca khúc của ông hoặc ca khúc nhạc ngoại lời Việt của ông, đều có thể biết địa chỉ để gửi tác quyền. Thêm nữa, trước ý kiến cho rằng, nhạc sĩ Vũ Xuân Hùng có tác quyền được viết lời Việt cho những ca khúc nước ngoài hay không, đó lại là câu chuyện khác nữa. Tuy nhiên, nhạc sĩ cũng cho biết, các tác phẩm của ông trong 3 album “Tình ca nhạc trẻ” được phát hành trước năm 1975, cùng những ca khúc được sáng tác từ năm 1980, khi ấy Việt Nam chưa tham gia Công ước Berne và chưa có Luật Bản quyền tác giả.
Việc vi phạm tác quyền âm nhạc hiện nay, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc VCPMC, vẫn diễn ra thường xuyên. “Lợi ích của các nhạc sĩ Việt Nam hiện chỉ thu được trên dưới 15% mà thôi, vẫn là con số quá ít ỏi”, nhạc sĩ cho biết thêm. Nhưng ở góc độ người tổ chức biểu diễn lại cho rằng: “Nếu phải trả tác quyền âm nhạc theo đúng tỷ lệ phần trăm mà VCPMC đưa ra như hiện nay, người tổ chức sẽ chắc chắn lỗ và phá sản”, nhà nhiếp ảnh Lê Thanh Hải đã chia sẻ như thế trong buổi họp báo ra mắt chương trình hòa nhạc “The Rainbow - Cầu Vồng” do anh và nhạc sĩ piano Lê Nhật Quang phối hợp tổ chức. Đó là lý do chính để ê kíp thực hiện chương trình này quyết định tổ chức biểu diễn miễn phí để không phải đóng tác quyền và khán giả yêu nhạc được thưởng thức một chương trình âm nhạc tử tế.
Việc thực thi tác quyền âm nhạc Việt Nam xem ra vẫn chưa thể tạo thành nền nếp, để người sử dụng thật sự có ý thức tự giác thực hiện. Thực tế hiện nay, cái khó nhất vẫn là tìm ra một tiếng nói chung và ý thức tự giác của người sử dụng tác phẩm.
TÙNG KHANH