(SGGP). – Ngày 26-6, Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố vỡ đập thủy điện Ia Krêl 2 (xã Ia Dom, huyện Đức Cơ, tỉnh Gia Lai) vào rạng sáng 12-6-2013, không phải là xe có trọng tải nặng chạy trên thân đập hay là việc sử dụng công nghệ của Trung Quốc mà do chủ đầu tư thiếu hiểu biết, không thuê đơn vị có kinh nghiệm để tư vấn và thi công ẩu. Mặt khác, có nhiều cấu kiện, hạng mục của công trình đã bị chủ đầu tư tự ý cắt xén, thay đổi thiết kế, sử dụng vật liệu khác không phù hợp khi thi công công trình.
Cống dẫn dòng được thiết kế 7 đoạn đã bị chủ công trình lược bớt một phần. Phần chống thấm bằng đất sét xung quanh cống dày 50cm cũng bị bỏ qua, các mối nối giữa các đoạn được thay thế bằng các chất liệu không bảo đảm. Phần mái thượng thi công không đảm bảo, dẫn đến bị thấm nước, ảnh hưởng thân đập… Mặt khác, chủ đầu tư (Công ty CP Công nghiệp và Thủy điện Bảo Long - Gia Lai) đã bỏ qua khâu nghiệm thu của các đơn vị chức năng về thẩm định chất lượng công trình, mà chủ động cho tích nước với dung tích 5 triệu mét khối, bằng 1/2 dung tích tối đa theo thiết kế.
Chính hàng loạt lý do trên đã khiến cho thân đập Ia Krêl 2 bị vỡ, gây thiệt hại gần 200ha hoa màu của người dân, 122 hộ dân bị ảnh hưởng. Số tiền thiệt hại được xác định hơn 5 tỷ đồng.
Nhận định về sự cố này, Đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh Gia Lai khẳng định phần lỗi thuộc về chủ đầu tư và các đơn vị thi công. Đoàn kiểm tra liên ngành đã kiến nghị với UBND tỉnh Gia Lai xử lý những sai phạm. Cụ thể: Xử phạt hành chính đối với chủ đầu tư; tiếp tục cho xây dựng lại công trình với điều kiện là bỏ đập cũ và phải làm mới hoàn toàn thân đập, bởi toàn bộ phần thân đập còn lại hiện nay đều bị rạn nứt sau khi sự cố xảy ra. Đồng thời, chủ đầu tư đền bù thỏa đáng cho người dân trong vùng bị ảnh hưởng.
°UBND tỉnh Gia Lai cũng có công văn chỉ đạo Công an huyện Ia Grai (tỉnh Gia Lai) phối hợp với Công an huyện Sa Thầy (tỉnh Kon Tum) điều tra, làm rõ các đối tượng khai thác, vận chuyển gỗ trái phép trên tuyến đường thủy của sông Pô Kô (Báo SGGP ra ngày 9-6-2013 đã đưa tin). Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND huyện Ia Grai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan của UBND xã Ia Khai (huyện Ia Grai) trong việc để “lâm tặc” sử dụng địa bàn làm điểm tập kết, vận chuyển gỗ lậu nhưng chính quyền xã không biết; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh Gia Lai tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan của Hạt Kiểm lâm huyện Ia Grai, Kiểm lâm địa bàn trong vụ việc nói trên và báo cáo kết quả thực hiện về UBND tỉnh trước ngày 5-7-2013.
ĐỨC TRUNG