Hơn 30 năm sưu tầm, săn tìm, bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Cơ tu, ông Alăng Linh giờ đây đã trở thành “vua cổ vật” giữa đại ngàn Trường Sơn với gần 100 cái chum, ché, chiêng… cổ các loại.
Một đời tìm cổ vật
Chúng tôi tìm đến nhà ông Alăng Linh (thôn P’rao, thị trấn P’rao, huyện Đông Giang, Quảng Nam) trong một ngày cuối đông, trời se lạnh. Thấy khách lạ, ông vội bỏ chiếc khăn đang lau dở dang những chiếc ché, chum được bày trí cẩn trọng giữa gian nhà gỗ khang trang. “Tất cả là cuộc sống của mình đó. Mình quý nó lắm, xem như con vậy. Cả đời băng rừng, lội suối, lao động cực khổ để đưa về không quý sao được chú hỉ?” - Alăng Linh nói đầy vẻ tự hào.
Rót chén trà mời khách, những câu chuyện về một thời đi tìm mua cổ vật của người đàn ông 53 tuổi này cứ thế tuôn chảy. Alăng Linh trầm ngâm: “Những năm sau giải phóng, trên các bản làng vùng cao Quảng Nam rộ lên nạn mua bán đồ cổ khiến nhiều cổ vật quý như chum, ché, chiêng, lư… luôn bị các thương gia, giới chơi đồ cổ săn tìm. Ngày ngày chứng kiến những cổ vật của đồng bào mình bị mang đi mà đau xót tâm can. Đêm nằm cứ suy nghĩ mãi nhưng không biết cách nào giữ được. May sao, khoảng giữa năm 1980, nhờ trời cho, năm đó gia đình mình được mùa rẫy bội thu. Có thóc nhiều, mình nghĩ cách đi buôn nhằm mục đích gom tiền thu mua số cổ vật ít ỏi còn sót lại”.
Lúc đầu, ông lặn lội xuống tận đồng bằng tìm mua thuốc lá Đà Lạt, đem phân phối và đi bán, trao đổi tận các bản làng vùng cao khu 7 (các xã Ga Ry, Ch’Ơm, AXan, Tr’Hy thuộc huyện Tây Giang, Quảng Nam bây giờ). Từ những gói thuốc lá ông đã đổi lấy thóc, sau đó bán thóc mua đồng hồ đeo tay.
Cứ thế, ông đem đồng hồ lên vùng cao đổi lấy xà-lùng (váy thổ cẩm), rồi lại đổi xà lùng lấy trâu, bò và cuối cùng đổi dần sang các thứ ché, chiêng, chum cổ…Hành trình đi tìm cổ vật của ông trải dài khắp các vùng cao, biên giới cùng hàng trăm cuộc “đọ sức” với bệnh tật, thú dữ ở vùng rừng núi miền Trung. Ông nói: “Mình là đứa con của núi rừng, của muông thú nên không sợ. Mình biết cách để ẩn nấp, trốn thoát. Chỉ sợ gặp những tên cướp bóc giữa đường rừng heo hút”.
Ông Alăng Linh nhớ lại: “Hồi giữa năm 2004 mình dắt 2 con bò đi đổi chiếc ché của đồng bào ở xã Tư (cùng huyện Đông Giang). Do đường lạ, bò không chịu đi. Mình với bò cứ thế dằng qua dằng lại mãi từ 4 giờ chiều đến 9 giờ tối vẫn chưa tới nơi. Giữa đêm tối mịt mù, bất ngờ gặp 3 thanh niên chặn đường đòi cướp bò. Mình năn nỉ họ không tha, đòi đánh và giật lấy dây cột bò mà kéo. Bí quá, mình rút con dao thủ trong người ra để phòng thân, họ thấy thế mới bỏ chạy.
Còn lần thứ 2, trong lúc mang chiếc ché đổi được từ bên Nam Giang về, do đi đường mấy ngày liền nên mệt lả, nằm lăn ra đường mà ngủ. Ai ngờ, từ trong bụi có 2 thanh niên tay cầm dao, cầm gậy vọt ra đòi đánh cướp. Mình yếu thế nên van xin, năn nỉ. Lợi dụng 2 người này sơ hở mình vội vác gùi chạy băng rừng về nhà”.
Mỗi lần mua và đưa cổ vật về, ông phải cõng trên lưng với đoạn đường rừng dài có khi hàng trăm cây số. Gian khổ, hiểm nguy vậy, nhưng với những gì đang sở hữu, phải nói rằng Alăng Linh đang rất mãn nguyện và hạnh phúc khi nói đến những “đứa con tinh thần”.
Giữ hồn cho con cháu
Dẫn chúng tôi đi xem từng chiếc ché, chiêng, chum… ông kể vanh vách và nhớ rất rõ thời gian, địa điểm mua về. Chỉ lên chiếc chiêng có đường kính gần nửa mét, ông bảo: “Cái này là chiêng Kpac, mình phải mất gần nửa tháng băng rừng lội suối lên tận vùng biên giới Tây Giang đổi 2 con trâu mới mang về được đấy. Giờ có người dưới Đà Nẵng lên trả hơn 100 triệu đồng nhưng mình nhất quyết không bán”.
Rồi lần lượt ông cho xem những cổ vật khác, theo ông tuổi nó phải gấp đôi, thậm chí gấp 3 tuổi của ông bây giờ. “Tất cả đều có linh hồn cả đấy. Mỗi khi đưa được chiếc nào về mình cũng làm lễ cúng cả” - ông Alăng Linh kính cẩn bên chiếc ché màu xanh nhạt với những hoa văn tinh xảo.
Theo ông Linh, các loại cổ vật mà ông đang sở hữu có trị giá từ 10 - 150 triệu đồng/cái. Trong đó, có 4 cái ché trị giá 150 triệu đồng/cái được ông bố trí ở gian giữa bàn thờ tổ tiên. Tất cả được sắp xếp ngay ngắn, cẩn thận chẳng khác nào một bảo tàng thu nhỏ. “Sao không bán một vài cái để sửa lại cái nhà cho đẹp hơn, to hơn?” - chúng tôi hỏi.
Ông quả quyết ngay: “Không bao giờ bán. Mình còn sức làm thì mình nuôi con, sửa nhà. Tất cả những thứ này mình sẽ để lại cho con cháu sau này. Để lại cho chúng biết văn hóa của cha ông ngày xưa. Để lại cho chúng có cái mà tự hào. Nếu bán đi, uổng công sức một thời mình đi tìm lắm”.
Theo xác nhận của già làng thôn P’rao, ông Zơrâm Pốt (89 tuổi), ở khắp các vùng miền núi của huyện Đông Giang và Tây Giang này, không nhà nào có gia sản về cổ vật nhiều hơn ông Alăng Linh.
Ngoài các loại ché, chiêng, chum cổ, ông còn có hàng trăm chiếc xà lùng quý, các vật khác như chén, dĩa, lư cổ giá trị. Đặc biệt là chiếc tẩu thuốc ông vẫn đang dùng hàng ngày. Theo ông vật này “chỉ có một không hai”, vì đây là tẩu thuốc của vua nhà Nguyễn để lại.
Với những gì mà Alăng Linh đang có thì lời của già làng Zơrâm Pốt nói về ông quả không ngoa chút nào: Ông vua cổ vật của núi rừng Trường Sơn.
Nguyễn Hùng