Trước mắt, hỗ trợ DN duy trì sản xuất, ngăn chặn sự phá sản (cũng là ngăn chặn sự mất việc của người lao động); về dài hạn là tạo môi trường thuận lợi cho DN phát triển sản xuất - kinh doanh.
Hỗ trợ sản xuất, ngăn chặn phá sản
Phát biểu chỉ đạo trong phiên họp, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh điểm sáng nổi bật của TPHCM là sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã mang lại hiệu quả bước đầu tốt đẹp trong phòng chống dịch Covid-19. Liên tục 62 ngày qua, TPHCM không phát hiện ca nhiễm Covid-19 trong cộng đồng. Kết quả trên nói lên sự phấn đấu miệt mài, tinh thần khẩn trương, quyết liệt của cả TP, đặc biệt là Sở Y tế TPHCM và Bộ Tư lệnh TPHCM.
Về chương trình phục hồi kinh tế, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong chỉ rõ, có 2 giai đoạn. Giai đoạn 1, TP áp dụng các giải pháp mang tính chất tình thế để hỗ trợ DN tồn tại, bám trụ thị trường, có cơ hội phục hồi. Giai đoạn 2, phục hồi tăng trưởng kinh tế gắn với tái cơ cấu theo chiều rộng lẫn chiều sâu, đặc biệt là tái cơ cấu về thị trường. Cụ thể trước mắt, tập trung vào nhóm giải pháp trọng tâm là làm sao duy trì sản xuất kinh doanh, ngăn chặn sự phá sản của DN. Đồng chí Nguyễn Thành Phong dẫn chứng: trong 5 tháng đầu năm 2020, TPHCM có hơn 14.200 DN được cấp phép thành lập mới với tổng số vốn đăng ký 185.000 tỷ đồng. Trong khi đó, có hơn 2.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, 7.257 DN tạm ngưng hoạt động (tăng gần 40% so với cùng kỳ). “Từ tình hình trên cho thấy các giải pháp tình thế là phải duy trì hỗ trợ sản xuất, ngăn chặn sự phá sản, cũng là ngăn chặn sự mất việc của người lao động. Mặt khác, số DN nhỏ và siêu nhỏ của TP chiếm tới 98% số DN. Đặc biệt là DN nhỏ và siêu nhỏ sẽ dễ bị gãy đổ qua “cơn bão” Covid-19. Cho nên, TPHCM phải có giải pháp hết sức cụ thể với việc hỗ trợ duy trì sản xuất, ngăn chặn sự phá sản, giảm chi phí sản xuất kinh doanh cho DN, có hoạt động khuyến khích thay thế hàng nhập khẩu”, Chủ tịch UBND TPHCM nhấn mạnh.
Để hỗ trợ hiệu quả cho DN, Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong yêu cầu các ngành ngân hàng, bảo hiểm xã hội, thuế, hải quan không nói chung chung mà phải có giải pháp hỗ trợ cụ thể với DN. Đồng chí Nguyễn Thành Phong cũng lưu ý đến việc khởi nghiệp sáng tạo, đổi mới công nghệ phục vụ sản xuất. Theo đồng chí Nguyễn Thành Phong, trong lĩnh vực nghiên cứu của các trường đại học hiện nay, các trường đại học có đội ngũ trí thức rất lớn với rất nhiều ý tưởng, nhưng chỉ dừng lại công trình nghiên cứu. Vì thế, cần phải thúc đẩy quá trình thương mại hóa sản phẩm, chuyển hóa từ công trình nghiên cứu thành sản phẩm cụ thể phục vụ cuộc sống.
Đồng chí Nguyễn Thành Phong giao Sở KH-ĐT TPHCM phối hợp với các sở ngành liên quan để thảo luận và tìm giải pháp cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chỉ số cải cách hành chính và chỉ số hài lòng về sự phục vụ hành chính. Cải thiện các chỉ số này là tạo môi trường đầu tư thuận lợi cho các DN. Trong các giải pháp dài hạn, đồng chí Nguyễn Thành Phong yêu cầu tập trung: tối ưu hóa đầu tư công; thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, bảo đảm ngăn chặn sự mất việc của người lao động; khai thác chương trình chuyển đổi số, phát triển các dịch vụ trực tuyến; tạo việc làm, tăng vốn nhân lực và hỗ trợ các hoạt động DN.
Thúc đẩy công nghệ và phát triển thị trường nội địa
Trước đó, báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2020, Phó Giám đốc Sở KH-ĐT TPHCM Trần Anh Tuấn cho biết, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trong tháng 5-2020 ước đạt khoảng 94.300 tỷ đồng, giảm 11,4% so với cùng kỳ.
Tính chung trong 5 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ ước đạt 506.700 tỷ đồng, giảm 4,9% so với cùng kỳ. Chỉ số sản xuất công nghiệp của TPHCM 5 tháng đầu năm giảm 7% so với cùng kỳ. 4 ngành công nghiệp trọng yếu (cơ khí, điện tử, hóa chất - cao su - nhựa, chế biến tinh lương thực thực phẩm) ước giảm 2,7% (cùng kỳ tăng 6%). Điểm tích cực là tốc độ phát triển hạ tầng hệ thống bán lẻ đang có xu hướng đi vào ổn định. Sự tăng trưởng đáng chú ý đến từ các kênh bán lẻ hiện đại như siêu thị, đại siêu thị, siêu thị mini - nơi cung cấp sản phẩm đa dạng về chủng loại, hỗ trợ người tiêu dùng trong thời điểm dịch bệnh thông qua giao hàng tận nhà. Các DN đã quan tâm, đầu tư có chiều sâu vào phát triển công nghệ, vận hành website thương mại điện tử, cho phép người tiêu dùng đặt hàng và thanh toán trực tuyến, làm thị trường kinh doanh bán lẻ thêm sôi động.
Trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu, ngành sản xuất hàng điện tử tăng gần 12% so với cùng kỳ, là ngành có tốc độ tăng trưởng cao nhất do đơn hàng sản xuất nhiều. Ngành hóa chất - cao su - nhựa tăng 8,4% do nhu cầu về sản phẩm tẩy rửa vệ sinh gia tăng trong thời điểm phòng chống dịch Covid-19. Ngành chế biến tinh lương thực thực phẩm tăng 0,9% bởi nhiều DN của TPHCM đã điều chỉnh chiến lược kinh doanh, dồn sức cho thị trường trong nước thay vì xuất khẩu như trước. Nhìn chung, trong 4 ngành công nghiệp trọng yếu của TPHCM, ngành chế biến thực phẩm đã bắt kịp xu hướng tiêu dùng của người Việt và việc tăng tốc sản xuất, tăng doanh thu trong thời điểm hậu dịch bệnh cũng góp phần quan trọng vào hạn chế đà suy giảm của ngành công nghiệp ở TPHCM.
Tại cuộc họp, thông tin về tình hình thu chi ngân sách, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM Lê Ngọc Thùy Trang cho hay, dự toán thu ngân sách năm 2020 của TPHCM được Trung ương giao là gần 406.000 tỷ đồng, trung bình phải thu gần 1.700 tỷ đồng/ngày. Tuy nhiên, do ảnh hưởng bởi dịch bệnh, số thu ngân sách trong tháng 5 giảm mạnh, chỉ đạt 18.200 tỷ đồng, bằng 56% so với cùng kỳ. “Trong tháng 5-2020, mức thu trung bình mỗi ngày chỉ đạt 856 tỷ đồng, bằng 66% trung bình 1 ngày trong tháng 3, và bằng 56% trung bình 1 ngày của tháng 4 và bằng 52% so với mức trung bình một ngày (gần 1.700 tỷ đồng/ngày) mà TPHCM phải thu trong năm 2020”, Phó Giám đốc Sở Tài chính TPHCM so sánh.
Chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong giao Sở Tài chính, Cục Thuế, Cục Hải quan TPHCM đăng ký làm việc với Bộ Tài chính để tìm giải pháp tập trung thu ngân sách ngay trong 6 tháng đầu năm 2020, nếu không có giải pháp thì có thể không hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách năm 2020 với 406.000 tỷ đồng. Đồng chí Nguyễn Thành Phong phân tích, một ngày (không kể chủ nhật) TPHCM phải thu gần 1.700 tỷ đồng. Mà hiện nay, mỗi ngày chỉ thu bằng 57% của chỉ tiêu. Với tình hình hiện nay, TPHCM phấn đấu hoàn thành dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2020 một cách cao nhất. |