Phúc thẩm vụ Công ty Địa ốc Gò Môn : Vụ án đã bị cắt khúc, cắt ngọn

Những lời khai đầy mâu thuẫn
  • Tạm hoãn phiên tòa để triệu tập thêm nhân chứng

Ngày 6-7, phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ mua bán đất trái phép xảy ra tại Công ty Xây dựng Gò Vấp (viết tắt là CTXDGV, nay là Công ty Địa ốc Gò Môn) bước sang ngày làm việc thứ hai. Khi thẩm vấn các bị cáo, chủ tọa phiên tòa-thẩm phán Huỳnh Lập Thành đã nhận xét: “Vụ án này đã bị cắt khúc, cắt ngọn…”.

Những lời khai đầy mâu thuẫn

Trong phi vụ mua bán đất trái phép giữa “cò đất” Phạm Thị Tuyết Lan với CTXDGV, Trần Kim Long (nguyên Chủ tịch UBND quận Gò Vấp) đóng vai trò rất quan trọng. Chính Long đã nhiều lần gọi điện thoại yêu cầu Lê Minh Châu (nguyên Giám đốc CTXDGV) mua đất của bị cáo Lan; đồng thời phê duyệt ba công văn chấp thuận cho CTXDGV được chuyển nhượng hơn 11 ha đất từ Lan. Đổi lại, sau hợp đồng chuyển nhượng lần đầu hơn 8 ha đất, Long được chia 400 triệu đồng.

Theo lời khai của Dương Công Hiệp (nguyên Phó phòng Quản lý đô thị quận Gò Vấp), Lan từng nói rõ đây là số tiền hoa hồng mà Long được hưởng theo “đơn giá” 5.000 đồng/m². Tuy nhiên, tại phiên tòa, Long một mực khẳng định không hề biết khoản này và không hề nhận tiền hoa hồng. Chủ tọa phiên tòa cho biết HĐXX sẽ xem xét chi tiết này vì dù Long không thừa nhận nhưng lời khai của các bị cáo khác đã quá rõ.

Về nguồn gốc số tiền 840 triệu đồng mà Long dùng để mua 3.000m² đất của Công ty TNHH Hướng Dương thông qua CTXDGV, lời khai của các bị cáo hoàn toàn mâu thuẫn nhau. Lúc thì Long khai đây là số tiền của ba mình, lúc khác lại nói rằng một phần tiền trong đó mượn từ Châu. Trong khi đó, tại cơ quan điều tra, Châu khai rằng số tiền này được Lan nhờ mình chia cho Long sau khi thực hiện xong hợp đồng thứ hai chuyển nhượng gần 3 ha đất.

Được gọi lên đối chất, Hồ Tùng Lâm (nguyên Phó Giám đốc CTXDGV) cũng khẳng định chính Châu chứ không phải Long đưa cho Lâm 840 triệu đồng mua đất. Đến lúc này, chủ tọa phiên tòa phải thốt lên: “Có nhiều sự mâu thuẫn trong lời khai của các bị cáo, nhưng không hiểu vì sao các cấp không làm rõ vấn đề này!”.

Sẽ xem lại tội danh các cựu quan chức

Theo bản án sơ thẩm, trong vụ này, Nguyễn Văn Tính với vai trò là Bí thư Quận ủy kiêm Chủ tịch HĐND quận Gò Vấp đã buộc Châu và Lâm “trả ơn” 800 triệu đồng. Tại phiên tòa phúc thẩm, Tính lại khai rằng số tiền 500 triệu đồng là Châu cho để sửa nhà và 300 triệu đồng là Lâm cho mượn. Chủ tọa chất vấn: “Bị cáo Châu làm giám đốc cho một công ty nhà nước, lương mỗi tháng chỉ hơn 6 triệu đồng thì lấy đâu ra số tiền lớn như vậy để cho bị cáo? Hoàn cảnh gia đình bị cáo Lâm rất khó khăn, tiền đâu mà cho bị cáo mượn. Bị cáo đã lợi dụng người ta trong hoàn cảnh ngặt nghèo để buộc phải đưa tiền. Tòa sẽ xem lại tội danh đối với các cựu quan chức”.

Trả lời thẩm vấn, bị cáo Lan phủ nhận tất cả những lời đã khai tại cơ quan điều tra; đồng thời tiếp tục có những biểu hiện bất thường về mặt tâm thần. Được HĐXX hỏi ý kiến, hai luật sư bào chữa cho bị cáo Lan xin cho giám định pháp y tâm thần đối với bị cáo. Sau khi hội ý, HĐXX tuyên hoãn phiên tòa để triệu tập thêm nhân chứng nhằm làm rõ một số vấn đề. Thời gian mở lại phiên tòa sẽ thông báo sau.

Chủ tọa phiên tòa đề nghị đại diện VKSND tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa đặc biệt lưu ý mảng “chạy án” trong vụ án này. Bị cáo Long khai rằng có nhờ một người tên Nguyễn Đỗ Hùng (là nhân viên của Văn phòng Quốc hội) giúp “chạy án” khi Đoàn Thanh tra của Chính phủ vào thanh tra việc tiêu cực xảy ra tại CTXDGV. Còn Nguyễn Minh Hoàng khai đã đưa 20 triệu đồng và 30.000 USD (nhận từ Lâm, Châu) cho một người tên Phạm Quang Thiệu (làm ở Bộ Thủy sản) nhờ “lo” giùm. Những nội dung này chưa được làm rõ ở phiên sơ thẩm.

Chủ tọa Huỳnh Lập Thành nhấn mạnh: “Phần chạy án trong vụ án này cần phải làm cho ra lẽ, chứ không thể để bị cắt khúc, cắt ngọn như thế này”.

Ái Chân

Khẩn trương điều tra vụ án tại Trường Quốc tế Hà Nội

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Quốc Toản vừa ký thông báo ý kiến kết luận của Thủ tướng Chính phủ về xử lý tình hình tại Công ty liên doanh Trường Quốc tế Hà Nội.

Thủ tướng yêu cầu Bộ GD-ĐT chỉ đạo khẩn trương thay đổi nhân sự của bên Việt Nam tham gia Hội đồng quản trị trong tháng 7; chỉ đạo kiểm điểm, xử lý nghiêm đối với các cá nhân bên Việt Nam nếu có sai phạm... Bộ Công an chỉ đạo cơ quan điều tra khẩn trương kết thúc điều tra vụ án, trao đổi với các cơ quan hữu quan sớm có kết luận về kết quả điều tra vụ án, kiến nghị các giải pháp xử lý các sai phạm, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 8.

Trước đó, như Báo SGGP đã đưa tin, ngày 22-3, cơ quan An ninh điều tra đã khởi tố vụ án cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, xảy ra tại Trường Quốc tế Hà Nội.

K.Q.

Vụ án nhận hối lộ ở Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa
Cảnh sát điều tra yêu cầu ông Lee Sang Hyeok giao nộp 60.000 USD

Theo nguồn tin từ Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm chức vụ và kinh tế Công an tỉnh Khánh Hòa (PC15), ngày 5-7, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Khánh Hòa đã triệu tập ông Lee Sang Hyeok, Giám đốc đại diện tại VN của Công ty Sky Resort (Hàn Quốc) để điều tra vụ án Phan Xuân Tùng, nguyên chuyên viên Phòng Hợp tác đầu tư, Sở KH-ĐT tỉnh Khánh Hòa nhận hối lộ của Sky Resort.

Trong cuộc làm việc, với sự có mặt của luật sư Nguyễn Hồng Hà (Đoàn Luật sư tỉnh Khánh Hòa), người bảo vệ quyền lợi của ông Lee Sang Hyeok, Cơ quan CSĐT đã tống đạt văn bản, chính thức yêu cầu ông Lee Sang Hyeok giao nộp Cơ quan Điều tra 60.000 USD (số tiền Tùng đã trả lại ông Lee Sang Hyeok vào ngày 22-5 vừa qua).

Theo thông tin chính thức, trước đó, trong cuộc làm việc với bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa (phụ trách công tác đầu tư ở khu quy hoạch du lịch Bãi Dài, Cam Ranh), ông Lee Sang Hyeok đã cáo giác với bà Hằng về việc Tùng vòi tiền nhiều lần trong quá trình thụ lý hồ sơ Sky Resort xin đầu tư vào Bãi Dài. Người phiên dịch của ông Lee Sang Hyeok đã xuất trình cho bà Hằng nghe đoạn ghi âm cuộc đối thoại giữa phía Sky Resort và Tùng trong chuyện đòi lại tiền đã đưa. Bà Hằng đã báo cáo sự việc lên ông Võ Lâm Phi, Chủ tịch UBND tỉnh.

TH.D.

Bạc Liêu: Khởi tố 3 đối tượng chuyên trộm lưới đáy

Chiều 6-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Đông Hải (Bạc Liêu) đã tống đạt quyết định khởi tố 3 đối tượng trộm lưới đáy chuyên nghiệp. Đó là Lê Văn Lớn (sinh năm 1974) ở ấp Cái Rắn, xã Phú Hưng (Cái Nước – Cà Mau), Hồng Văn Hận (1982) và Lâm Văn Phong (1968) cùng ở xã Nguyễn Huân, huyện Đầm Dơi – Cà Mau. Đây là 3 đối tượng thường xuyên sang địa bàn giáp ranh là xã Long Điền Đông, huyện Đông Hải (Bạc Liêu) để trộm lưới đáy rồi buộc ngư dân chuộc lại từ 4-7 triệu đồng/giàn lưới. Nhiều ngư dân nghèo bị nhóm người này trộm lưới đáy đã lâm vào cảnh nghèo khó nên quá bức xúc họ đã báo công an phục kích bắt gọn kẻ trộm.

H.D.

Tin cùng chuyên mục