Trong đó, cơ khí có thế mạnh tập trung chủ yếu ở 3 phân ngành: xe máy, phụ tùng xe máy; cơ khí gia dụng và dụng cụ; ô tô và phụ tùng ô tô, chiếm gần 70% tổng giá trị sản lượng cơ khí cả nước. Điểm đáng chú ý là mặc dù đã sản xuất và xuất khẩu được một số sản phẩm nhưng ngay tại thị trường trong nước, các doanh nghiệp cơ khí rất khó tham gia vào các dự án đầu tư lắp đặt trang thiết bị trong các ngành thép, hóa chất, năng lượng. Nguyên nhân được xác định do thiếu hệ thống kiểm định chất lượng sản phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế. Và các doanh nghiệp trong nước chưa xây dựng được thương hiệu để nhiều khách hàng biết đến.
Trên thực tế, sau 20 năm phát triển, đến nay trình độ công nghệ, thiết bị sản xuất cơ khí của Việt Nam vẫn còn quá lạc hậu so với thế giới. Phần lớn việc tổ chức doanh nghiệp, quản lý sản xuất cũng như nghiên cứu phát triển mới ở trình độ công nghệ thời 2.0, dẫn đến các sản phẩm cơ khí, nguồn nhân lực thua kém nhiều nước trong khu vực. Bên cạnh đó, năng lực sản xuất sản phẩm cơ khí còn thấp, số lượng doanh nghiệp quá ít so với tổng số doanh nghiệp cả nước, nhập siêu các sản phẩm cơ khí còn lớn, chưa chủ động được về nguyên vật liệu, vẫn phụ thuộc lớn vào nhập khẩu. Liên kết giữa các doanh nghiệp trong ngành còn kém và khả năng hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp trong nước chưa cao.
Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy phát triển ngành cơ khí, mới đây Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển ngành cơ khí Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035. Theo đó, mục tiêu tổng quát đến năm 2035, ngành cơ khí Việt Nam được phát triển với đa số các chuyên ngành có công nghệ tiên tiến, chất lượng sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế, tham gia sâu hơn nữa vào chuỗi giá trị toàn cầu. Về xuất khẩu: giai đoạn đến năm 2020, sản lượng xuất khẩu đạt 35% tổng sản lượng ngành cơ khí, giai đoạn đến năm 2030 đạt 40%, đến năm 2035 đạt 45% tổng sản lượng ngành cơ khí.
Để hiện thực hóa mục tiêu trên, theo các chuyên gia kinh tế, trước mắt Việt Nam cần lựa chọn một số ngành hàng có thể cạnh tranh với sản phẩm nước ngoài, như sản xuất, lắp ráp ô tô tải, xe buýt; chế tạo thiết bị phi tiêu chuẩn, kết cấu thép... Nhà nước cần tính toán và có chính sách để doanh nghiệp trong nước có nhiều đơn hàng, thị trường để đầu tư phát triển, giúp vực dậy ngành cơ khí. Nhanh chóng hoàn thiện cơ sở dữ liệu về cơ khí nhằm hỗ trợ doanh nghiệp thu thập thông tin liên quan, thúc đẩy kết nối kinh doanh giữa các doanh nghiệp cơ khí và hỗ trợ nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong ngành cơ khí. Những giải pháp này cần phải được triển khai càng sớm càng tốt nhằm tạo môi trường đầu tư, điều kiện kinh doanh tốt nhất cho các doanh nghiệp cơ khí. Đối với bản thân mỗi doanh nghiệp trong ngành cũng cần cố gắng, quyết tâm hơn nữa trong việc không ngừng đổi mới sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, trình độ quản lý để từng bước đáp ứng các yêu cầu ngày càng khắt khe của các tập đoàn đa quốc gia trên thế giới.