Vui tết đoàn viên

Đoàn viên không chỉ là lúc quay về, mà chính là cách mỗi người biết nghĩ về gia đình nhiều hơn. Có một ý kiến khiến nhiều người phải suy ngẫm: Chính trong mùa dịch, bữa cơm nhà nhiều hơn và đủ mặt thành viên hơn. 

Khi cuộc sống với bộn bề công việc, học tập và những mối quan hệ xã hội, người trẻ bị cuốn theo vòng xoáy đó và lối suy nghĩ hiện đại, không ít mùa xuân với nhiều bạn trẻ là chuyện xách ba lô lên và đi. Bởi vậy, tết đoàn viên là điều ý nghĩa nhất trong lúc này…

Nhiều bạn trẻ yêu thích truyền thống xin chữ ngày tết
Tết là đoàn viên

Hơn một năm kẹt lại Singapore vì dịch bệnh, chuyến bay về nhà trong những ngày cận kề năm mới, hành lý chỉ gọn gàng một chiếc vali, không cồng kềnh quà cáp, với Nguyễn Hải Yến: “Tết là đoàn viên, về nhà thôi!”.

Trong những ngày dịch Covid-19 bùng phát ở TPHCM, Hải Yến (31 tuổi, ngụ đường Huỳnh Tấn Phát, phường Phú Thuận, quận 7) chỉ biết gửi về nhà vài thứ thiết yếu như khẩu trang, nước sát khuẩn và những cuộc gọi video với ba mẹ…  Từng là một du học sinh, vài năm sống ở nước ngoài không có gì là áp lực với Hải Yến, nhưng hai năm dịch Covid-19 hoành hành, hai tiếng “gia đình” trong chị đã dày thêm những giá trị thiêng liêng. Yến tâm sự: “Hồi trước du học ở Anh, chúng tôi có một nhóm du học sinh Việt Nam cùng chia sẻ và hỗ trợ nhau. Lúc kẹt lại Singapore cũng vậy, tôi có kết nối với cộng đồng người Việt thông qua mạng xã hội, nhưng cảm giác nhớ nhà vẫn không nguôi. Lúc du học, có những năm vì mê lễ hội ở nước ngoài, tôi và nhóm bạn ở lại chơi không về nhà đón tết, còn bây giờ thì khác, dịch bệnh là một tác động làm mình thấy gia đình thiêng liêng hơn, ngày tết chỉ muốn đoàn viên với người thân, ăn bữa cơm nhà, kể vài ba chuyện với nhau cũng đủ hạnh phúc rồi”.

Hai năm ảnh hưởng của dịch Covid-19 trên toàn cầu, một ngoại lực đủ mạnh để người ta ngẫm nghĩ và trân trọng hơn hai tiếng “đoàn viên”. Điều quan trọng nhất vẫn là cách người trẻ biết nhìn nhận những giá trị tốt đẹp của gia đình để giữ gìn. Chương trình thực tập hoàn tất sau Tết Nguyên đán một tháng, vé máy bay đã đặt sẵn, Nguyễn Thị Thùy Dương (25 tuổi, du học sinh Việt Nam tại TP Osaka, Nhật Bản) chia sẻ: “Đây là năm thứ 3 tôi đón tết xa nhà, nên trông từng giờ từng phút được về. Bên này, tôi có vài người thân, bạn bè và rất nhiều hoạt động, nhưng đi chơi ở đâu hay làm gì cũng không bằng nhà mình. Tôi không giỏi chuyện nấu nướng hay trang trí nhà cửa, ngày tết chỉ đơn giản phụ ba mẹ vài việc lặt vặt, hoặc quan sát cách mọi người bày mâm cơm, mâm ngũ quả để cúng ông bà. Tôi hay kể với vài người bạn quốc tế về tục lệ thờ cúng tổ tiên ở quê mình, tôi nghĩ đây là nét văn hóa hay mà người trẻ cần biết và học hỏi”.

Gửi yêu thương qua nét chữ

“Viết giúp tụi em chữ “An” nhé! Năm nay muốn tặng ba mẹ chữ này ạ!”, Bùi Thị Mỹ Linh (28 tuổi, ngụ quận Tân Bình, TPHCM) và em gái Mỹ Ngọc (18 tuổi) vừa kéo ghế ngồi xuống gian thư pháp, vừa nói với “thầy đồ” trẻ. Em gái thủ thỉ cạnh bên: “Nhờ ông đồ viết thêm chữ “Tri Ân” giúp em nữa. Em muốn tết ghé thăm tặng thầy chủ nhiệm ạ”. Chừng 15 phút sau, bức thư pháp thứ hai in đậm chữ “Tri Ân” kèm hai câu thơ “Thời gian dẫu bạc mái đầu/Tim trò vẫn khắc đậm câu ơn thầy” hoàn thành, trong niềm vui của Ngọc. “Đây là lần thứ ba hai chị em đến Phố ông đồ Nhà Văn hóa Thanh Niên xin chữ. Tục xin chữ - cho chữ đầu xuân là nét đẹp văn hóa xưa giờ, tụi em thấy rất hay”, Mỹ Linh chia sẻ. 

Vui tết đoàn viên ảnh 2 Thầy đồ cho chữ
Ông đồ trẻ tuổi Phạm Đoàn Minh Đức (31 tuổi) trong chiếc áo the khăn đóng truyền thống, cho hay: “Không chỉ mình mà có nhiều bạn trẻ cũng chọn công việc này, có cả các CLB thư pháp trẻ. Mỗi tết đến, tại hai phố ông đồ ở Nhà Văn hóa Thanh Niên và Cung Văn hóa Lao động TPHCM, các thầy đồ trẻ xuống phố rất đông. Mình nghĩ, nét văn hóa truyền thống cho chữ - xin chữ ngày tết cần được gìn giữ, lưu truyền không chỉ bởi những ông đồ già mà cả ở người trẻ. Và đặc biệt, thư pháp không chỉ được viết bằng chữ Hán mà còn có chữ Việt”, Minh Đức bày tỏ. 
Ông đồ trẻ Minh Đức cho biết, năm nay dù dịch bệnh nhưng các bạn trẻ đến đông hơn năm ngoái. Anh kể: “Mỗi người xin chữ đều có những ước nguyện riêng. Khá nhiều người tới xin hai chữ “Yêu thương” hay đúng một chữ “An”. Có lẽ, qua một năm biến động, họ thấu hiểu được mất, biết điều gì quan trọng”. 
Mặc áo dài cách tân đi cùng mẹ đến chợ hoa Công viên Gia Định ngày giáp tết, Nguyễn Thị Bích Vân (27 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh) rất vui vì lâu lắm hai mẹ con mới ra phố cùng nhau. Đi chợ hoa tết là điều mỗi năm Vân và mẹ yêu thích. Vân kể: “Tết ai cũng muốn sắm sửa, bày biện nhà cửa sao cho thật đẹp. Đi chợ hoa để lựa chọn hoa, cây cảnh mang về bày trí trong nhà dịp tết cổ truyền đã trở thành một thú vui không thể thiếu. Thường mình sẽ mặc áo dài đi chợ hoa tết để cùng mẹ lưu lại khoảnh khắc đẹp trước thềm xuân mới. Đi chợ hoa tết không phải chỉ để check-in sống ảo đâu, mình nghĩ đây là nét văn hóa truyền thống rất ý nghĩa. Đi chợ hoa ngày tết với mình còn là đi tìm ký ức. Mình nhớ mãi cảm giác mẹ nắm tay đi chợ hoa ngày tết từ ngày còn bé. May sao, đến giờ vẫn còn được mẹ nắm tay”.  

Trong thời khắc chuyển giao năm cũ và năm mới, các chợ hoa xuân rộn ràng, các loài hoa khoe sắc. Năm nay người bán, người mua có thể không cười nói quá rôm rả như nhiều năm trước, nhưng đi chợ hoa ngày tết với nhiều người, đặc biệt các bạn trẻ, luôn là điều thú vị.

Tin cùng chuyên mục