Khi Ngọc Trinh, thường được tung hê là “Nữ hoàng nội y”, tồng ngồng đứng ở Liên hoan phim Cannes 2019 (Pháp) nhân buổi chiếu ra mắt bộ phim “Cuộc sống bí ẩn” của đạo diễn Malkin, thì nhiều nhà phê bình điện ảnh nước ngoài đã mắt tròn mắt dẹt về xuất xứ của vị khách dường như mới bước ra từ bộ phim Pretty Woman năm nào. Trong ánh mắt của họ có thể đọc thấy sự giễu cợt pha lẫn chút thương cảm trước bóng dáng một người phụ nữ đơn độc, cố giấu sự hồi hộp khi lần đầu được sải bước trên tấm thảm đỏ của một sự kiện văn hóa lớn của hành tinh.
Không thể đánh giá nội dung qua hình thức, tại LHP Cannes lần này, Ngọc Trinh không những không có hình thức (2 tấm vải thiết kế che chắn những phần nhạy cảm của cơ thể không thể gọi là áo hay váy) mà phần nội dung cũng mờ nhạt không kém. Trên thực tế, từ người mẫu đến diễn viên điện ảnh hạng A là cả khoảng cách đời người khó vượt qua, nếu không muốn nói là không thể. Còn từ hình ảnh một Ngọc Trinh tội nghiệp trên, chúng ta lại tự dằn vặt, không biết dằn vặt lần thứ mấy, về những sản phẩm văn hóa.
Bộ phim “Vợ ba” tưởng chừng lấp đi phần nào khoảng cách trống vắng đó với hàng đống giải thưởng quốc tế và được chiếu thương mại ở hàng chục nước, thì lại thất bại ngay tại thị trường nội địa, và phải ngừng chiếu chỉ vài ngày sau khi ra mắt. Nguyên nhân có nhiều, nhưng cơ bản nhất vẫn là sự trần trụi khi mô tả hiện thực xã hội Việt Nam thế kỷ thứ 19. Không ai phủ nhận giá trị nghệ thuật, chất thơ, cảnh quay đẹp, chuyên nghiệp trong dàn dựng, song bộ phim sử dụng cô bé 13 tuổi trong những cảnh nóng, kể cả cảnh quay đồng giới, đã vi phạm luật, vi phạm tiêu chuẩn chung về thuần phong mỹ tục, mang đến những liên tưởng không hay về những tiêu cực xã hội xảy ra gần đây. Trước áp lực dư luận, Bộ VH-TT-DL đã quyết định phạt ê kíp sản xuất phim 50 triệu đồng, với lý do: “bản phim chiếu tại rạp khác với bản phim đã được Cục Điện ảnh thẩm định, cấp phép và lưu chiểu”. Như thế lỗi là lỗi đơn vị sản xuất, lỗi không phải lỗi cơ quan chủ quản, đã làm đúng quy trình xét duyệt, thẩm định kịch bản…?!
Có thật là như vậy không hay trước mắt chúng ta lại tái diễn vở kịch “Vua thoát y” khi chỉ có một cậu bé phát hiện vua không mặc gì, còn tất cả không nghe, không thấy, không nhìn và nức nở khen bộ đồ vua mặc đúng là hàng hiệu. Lâu nay, các nhà làm phim thường chia phim làm đôi, phần chiếu nước ngoài là bản đầy đủ, còn chiếu nội địa thì “hương đồng gió nội bay đi ít nhiều”, với sự tự kiểm duyệt và kiểm duyệt từ Hội đồng kiểm duyệt phim quốc gia mà nòng cốt là Cục Điện ảnh thuộc Bộ VH-TT-DL. Theo thừa nhận, rất ít khi - và gần như không thể có chuyện nhà sản xuất lại dám cả gan thêm thắt, làm trái kịch bản phim đã được duyệt lần 1, lần 2… Cho nên để lọt những hạt sạn to đùng thì không thể chỉ có lỗi của đơn vị sản xuất. Nói điều này không phải để đổ trách nhiệm cho cơ quan chủ quản mà sâu xa hơn chúng tôi muốn nói đến tiêu chí kiểm duyệt hết sức cảm tính, vừa “lỏng” vừa “chặt”, mà nhiều khi có tiêu chí nhưng diễn đạt ra… lại không có tiêu chí.
Trong một cuộc gặp “nội bộ” có sự tham dự của các nhà làm phim, làm sách, làm nhạc, làm thời trang với các đại biểu Quốc hội chuyên trách mảng văn xã về phát triển công nghiệp văn hóa ở nước ta giai đoạn từ nay đến năm 2030, “đả nữ” - nhà sản xuất kiêm đạo diễn Ngô Thanh Vân thảng thốt đề cập tới nỗi sợ kiểm duyệt khi không có định nghĩa rõ ràng thế nào là “thuần phong mỹ tục” và thế nào là “nhạy cảm”. Theo lời Ngô Thanh Vân thì nhiều cảnh quay tính bằng mồ hôi, nước mắt, tiền tỷ, đã bị cắt không thương tiếc vì những quy định mơ hồ. Ông Phan Thanh Bình, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Giáo dục - Thanh thiếu niên, nhi đồng Quốc hội, đã ghi nhận ý kiến xác đáng này và nói thêm ở Hàn Quốc chỉ cần có 50% tính dân tộc là phim được phát hành, được hưởng ưu đãi, được chiếu giờ vàng để bảo vệ nền điện ảnh nội địa.
Chúng ta đang cố gắng vun đắp bản sắc dân tộc cho từng sản phẩm văn hóa nên sai lầm, vấp váp, thất bại nếu có là điều khó tránh khỏi. Cần phải có ước mơ, có niềm tin, có lòng tự trọng, có trách nhiệm mới mong thoát khỏi “vùng trũng văn hóa”…