(SGGPO).- “Nhiều vùng bảo tồn đất ngập nước như Tràm Chim, U Minh Thượng, Láng Sen, Trà Sư, Vồ Dơi, Bãi Bồi, Đất Mũi… sẽ bị đe dọa, sự bền vững trở nên mong manh trong bối cảnh biến đổi khí hậu. Diện tích canh tác lúa, màu, cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản sẽ bị thu hẹp, năng suất và sản lượng sẽ suy giảm” - đây là nhận định của GS.TS Lê Quang Trí, Viện Nghiên cứu Biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ) đưa ra tại hội nghị khoa học “Nông nghiệp xanh”, tổ chức ngày 18-11, tại Trường ĐH Cần Thơ.
Loài cò ốc (trong Sách đỏ Việt Nam) đã về Láng Sen sinh sản.
Tại hội nghị, các nhà khoa học đã bày tỏ sự lo lắng về những hậu quả của biến đổi khí hậu (BĐKH) đang diễn ra ngày càng khốc liệt. Hiện tại diện tích đất nhiễm mặn của ĐBSCL khoảng 300.000 ha, nhưng nếu hạn hán trầm trọng thì sẽ tăng lên gấp đôi, chiếm 20% diện tích đồng bằng. Trong đó, diện tích trồng lúa sẽ bị ảnh hưởng nặng. Chính vì vậy, việc tìm ra nhiều phương cách khác nhau để thích nghi với BĐKH, giảm thiểu thiệt hại cho cộng đồng là rất quan trọng.
Các nhà khoa học cũng đã phân tích, đề xuất các giải pháp quan trọng để xây dựng và phát triển chuỗi ngành hàng sản phẩm nông nghiệp, thích ứng với BĐKH và hội nhập quốc tế. Chủ yếu tập trung đề xuất tìm giống cây trồng, vật nuôi có khả năng chịu đựng ngưỡng thời tiết, khí hậu khắc nghiệt hơn. Đồng thời, triển khai nhanh việc bảo tồn, lưu giữ các nguồn gen có khả năng thích ứng với BĐKH….
Cao Phong