Từ nhiều năm qua, ở các tỉnh miền núi phía Bắc nước ta như Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn, Yên Bái, Hòa Bình… đã xảy ra tình trạng thiếu nước phục vụ sinh hoạt và tưới tiêu. Những năm gần đây, tình hình càng thêm trầm trọng do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, thời tiết thất thường và môi trường rừng bị hủy hoại.
Nước hiếm hơn gạo
Hiện nay, tình trạng thiếu nước trầm trọng đang xảy ra tại 4 xã vùng cao biên giới của huyện Mường Khương (Lào Cai) gồm: Pha Long, Tả Ngải Chồ, Dìn Chin và Tả Gia Khâu. Trong đó, cảnh tượng ở hai xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu chẳng khác nào giữa sa mạc vì bà con phải sống trên những dãy núi đá vôi trơ trọc. Hàng ngày, việc đầu tiên cần làm của những người phụ nữ là xách can đi xa hàng chục cây số để “mót” nước. Để có được một can nước sinh hoạt (20 lít), họ phải xếp hàng cả ngày trời ở những bể nước công cộng, còn nước trong các mó (mỏ nước), đợi đến lượt hứng từng giọt rỉ từ vách đá ra long tong như từng giọt rượu.
Trên đường phóng xe máy đi chở nước, Sùng A Trá ở xã Tả Gia Khâu cho biết, cả 2 xã Dìn Chin và Tả Gia Khâu chỉ có khoảng 3-4 mó nước. Mó nào chảy mạnh cũng chỉ bằng vòi ấm tích, nhiều người không thể đợi lâu, còn phải chui xuống bể ngầm (do nhà nước đầu tư xây dựng) để vục từng gáo một. Trên bể, người dân xếp cả đống can nhựa xung quanh, nhiều người xếp hàng từ 3-4 giờ sáng để chờ đến lượt hứng nước. Tình hình hạn hán ở vùng cao Mường Khương ngày càng nóng bỏng. Hơn 1.000 người dân Dìn Chin và Tả Gia Khâu đang đối mặt với tình trạng khát nước trầm trọng, hơn 500ha ngô không thể gieo trồng do thiếu nước. Diện tích lúa nương đã ít nay lại phải giảm do không có nước. Ông Cao Sơn Phà, Phó Chủ tịch UBND xã Tả Gia Khâu cho biết, khoảng năm 2006, Tổ chức UNICEF đã tài trợ cho bà con ở đây hàng ngàn chiếc lu xi măng dùng để trữ nước mưa. Nhưng năm nay trời đỏng đảnh không chịu mưa nên lu cũng khô cong để chỏng chơ.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Lào Cai, tại các huyện như Bát Xát, Mường Khương, Simacai và Bắc Hà… từ tháng 3 đến 5 là khoảng thời gian bà con “đến hẹn lo tìm nguồn nước sinh hoạt”. Mọi người đều phải vào rừng đi tìm nguồn nước ngầm rồi dùng sào tre hoặc mua ống cao su dẫn về nhà. Nhưng vì nhiều gia đình cùng khai thác nên nước cũng chảy nhỏ giọt. Do nước còn hiếm hơn cả gạo và quý hơn vàng nên ở Lào Cai, bà con đều phải áp dụng “công thức” chung như sau: nước sạch chỉ dùng nấu cơm, đun nước uống và đánh răng (nếu có thể). Nước bẩn hơn thì dùng rửa mặt hoặc vo gạo rồi rửa rau, xong không đổ đi mà phải trút lại vào một thùng nhựa để dùng rửa chân tay. Rửa xong lại đổ vào một máng nước để dùng giặt giũ quần áo. Cuối cùng mới đem đi tưới cây. Có lẽ, chưa ở đâu có công thức tiết kiệm nước như ở vùng cao Tây Bắc vào mùa khô hiện nay.
Người dân đã khổ nhưng ở các trường học còn khổ hơn. Cô giáo Trần Thị Vân, Hiệu trưởng Trường Mầm non xã Dền Thàng (Bát Xát) cho biết, hàng ngày các cô giáo của trường cũng phải lo đi xách nước về để lo cho các cháu và bản thân mình. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện mới chỉ có xã Sà Phìn (nằm sau dinh vua Mèo) là có “hồ treo trên núi”. Nhưng khi chúng tôi có mặt, hồ cũng cạn và nước đục. Bà con kể, từ tháng 10-2013 đến nay hầu như không có trận mưa lớn nào.
Hậu quả của phá rừng và biến đổi khí hậu
Có những công trình “hồ treo trên núi” và bể trữ nước mini đã được xây dựng. Tuy nhiên, ở vùng cao, rất nhiều thôn bản vẫn chưa được tiếp cận dự án nước. Nước để đủ dùng còn chưa có đủ thì bà con cũng chưa dám mơ nước sạch!
Trong khi đó, ở nhiều nơi như Yên Bái, Hòa Bình, Sơn La, Lạng Sơn… mặc dù đã có nhiều nơi được đầu tư xây dựng công trình bể chứa nước sạch theo Chương trình 135. Nhưng hiện nay cũng có nhiều công trình không mang lại hiệu quả, bể không có nước. Chẳng hạn như tại huyện Bát Xát (Lào Cai), theo ông Sí Trung Kiên, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện, cho biết trên địa bàn vẫn còn tới 13 công trình nước sạch hư hỏng chưa được sửa chữa.
Theo ông Lưu Minh Hải, Giám đốc Trung tâm Dự báo KT-TV tỉnh Lào Cai, vào mùa khô ở khu vực Tây Bắc gồm các tỉnh Lào Cai, Điện Biên, Lai Châu không những chịu ảnh hưởng của những đợt không khí lạnh mà còn xuất hiện cả gió Ô Quy Hồ khô nóng. Sau những đợt lạnh là những đợt nắng nóng trái mùa xuất hiện. Do đó, vào thời điểm mùa khô đầu năm, nguy cơ cháy rừng xảy ra rất cao do nguồn nước suối và nước ngầm suy giảm mạnh, cây rừng chết khô, lá khô và nguồn nước sinh hoạt dành cho bà con cũng thiếu hụt rõ rệt. Nếu đẩy mạnh việc trồng rừng thì không chỉ giúp trữ nguồn nước ngọt, bảo vệ hệ thống suối ngòi mà còn ngăn lũ lụt vào mùa mưa lũ.
Vừa qua Liên đoàn Quy hoạch và điều tra tài nguyên nước miền Bắc thuộc Bộ TN-MT tìm ra 23 lỗ khoan trên cao nguyên đá Đồng Văn (Hà Giang) để hy vọng xây dựng được một hệ thống khai thác và cung cấp nguồn nước sạch cho bà con.
Mới đây, đoàn công tác Bộ TN-MT do Thứ trưởng Nguyễn Thái Lai làm trưởng đoàn đã lên làm việc với UBND tỉnh Hà Giang để bàn giải pháp giải quyết nhu cầu về nguồn nước cho bà con 4 huyện vùng cao núi đá của tỉnh Hà Giang. Theo ước tính, các mỏ khoan nếu được đầu tư sẽ khai thác được tổng lưu lượng nước khoảng 9.000 m3/ngày đêm, đủ cung cấp cho khoảng 100.000 người. Tuy nhiên, đó cũng chỉ là kế hoạch dài hơi. Còn ngay trong những tháng trước mặt, hàng ngàn người ở vùng cao vẫn đang từng ngày lo khát nước.
VĂN PHÚC - TRẦN HIẾU