Vùng đất mới chuyển mình

Đi lên từ khó khăn
Vùng đất mới chuyển mình

Từ một tỉnh miền núi khó khăn về mọi mặt, sau 6 năm thành lập, Đắc Nông đã không ngừng nỗ lực, phát triển và trở thành một trong những cửa ngõ quan trọng về kinh tế - xã hội của khu vực Tây Nguyên.

Khu đô thị mới Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông). Ảnh: Đ.Tr.

Khu đô thị mới Gia Nghĩa (thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắc Nông). Ảnh: Đ.Tr.

Đi lên từ khó khăn

Ngày 1-1-2004, Đắc Nông được thành lập trên cơ sở 6 huyện nghèo phía Nam của tỉnh Đắc Lắc được tách ra gồm: Đắc Nông, Cư Jút, Đắc Song, Krông Nô, Đắc R’Lấp và Đắc G’Long. Mới thành lập tỉnh gặp khó khăn về mọi mặt: Cơ sở hạ tầng, kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần, giáo dục, y tế đều yếu kém. Với tinh thần đoàn kết và vượt khó, Đảng bộ và nhân dân trong tỉnh đã vượt qua bao khó khăn, đến nay đã đạt được những thành tựu quan trọng.

Đó là trong 6 năm qua, kinh tế của tỉnh liên tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao, năm sau cao hơn năm trước. Tốc độ tăng trưởng kinh tế giai đoạn 2004-2009 bình quân đạt khoảng 14%, trong đó riêng giai đoạn 2006-2008 đạt 15,4%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng công nghiệp, dịch vụ. Tổng vốn đầu tư xã hội tăng bình quân hàng năm 54%, thu ngân sách tăng hơn 36%. Năm 2009, mặc dù phải đối mặt với cuộc khủng hoảng kinh tế trong nước và thế giới, nền kinh tế của tỉnh vẫn giữ được tốc độ tăng trưởng khá, tăng 14,6% so với năm 2008, tổng thu ngân sách đạt hơn 623 tỷ đồng. Đi đôi với những bước phát triển vượt bậc về kinh tế, các lĩnh vực văn hóa - xã hội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hiện nay, toàn tỉnh có hơn 98% thôn, buôn và 88% số hộ dân được sử dụng điện lưới quốc gia, tỷ lệ hộ nghèo còn khoảng 17%, đời sống nhân dân các dân tộc trong tỉnh được cải thiện và thu nhập ngày càng tăng. Đó là nền tảng quan trọng để Đắc Nông tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa.

Trong những năm qua, tỉnh đã huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng như: đường giao thông, thủy lợi, trường học, trạm y tế… cho các huyện, thị và cả những vùng sâu vùng xa. Thị xã Gia Nghĩa – tỉnh lỵ Đắc Nông - từ một thị trấn nhỏ bé với “chiếc áo cũ” chật chội, đã được thay vào “chiếc áo mới” rộng rãi và đẹp đẽ. Đường nội thị được làm lại khang trang, cầu Đắc Nông được xây dựng sẽ nối 2 bờ thị xã. Gia Nghĩa hôm nay là một “đại công trường” đang vận động, chạy đua với thời gian cùng 3 công trình lớn tại đây, gồm: hồ Thiên Nga, hồ trung tâm và đường Bắc – Nam giai đoạn 2 để làm nên một “Đà Lạt thứ 2” quyến rũ.

Hứa hẹn vùng đất mới

Để tạo được bước chuyển biến mạnh mẽ về kinh tế - xã hội, tỉnh Đắc Nông cũng đã cải thiện cơ chế, chính sách để thu hút đầu tư. Năm 2009, tỉnh đã quyết tâm cải thiện chỉ số cạnh tranh về môi trường đầu tư bằng cách thành lập Trung tâm Xúc tiến Đầu tư; tham gia diễn đàn xúc tiến đầu tư vào Tây Nguyên; tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư vào Đắc Nông; thành lập Ban Chỉ đạo nâng cao năng lực cạnh tranh và mở rộng hợp tác đầu tư… Cũng trong năm 2009, đã có 19 dự án đăng ký đầu tư vào tỉnh với tổng vốn 3.047 tỷ đồng. Trong vòng 6 năm qua, tỉnh đã thu hút được hơn 100 dự án đầu tư, với tổng nguồn vốn trên 31.000 tỷ đồng, ở nhiều lĩnh vực, trong đó công nghiệp chiếm 95%.

Theo ông Lê Diễn, Chủ tịch UBND tỉnh Đắc Nông, bức tranh phát triển năm 2010 và những năm tiếp theo của tỉnh có thể khái lược: Ổn định chính trị - an dân; kiên trì mở ba mũi đột phá về công nghiệp khai khoáng (bôxít) và năng lượng; công nghiệp chế biến các sản phẩm từ nông nghiệp; phấn đấu phát triển nhanh các lợi thế của sản xuất nông nghiệp (vùng ba-zan Nam Tây Nguyên) với hàm lượng khoa học – công nghệ - kỹ thuật cao, giá trị lớn, gắn kết để tạo hiệu quả tổng hợp giữa nông nghiệp – công nghiệp, thương mại – dịch vụ và du lịch. Đồng thời, tỉnh Đắc Nông cũng chú trọng chăm lo cải thiện đời sống cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, tạo điều kiện cho mọi người dân, doanh nghiệp phát triển kinh tế, làm giàu.

Đắc Nông - vùng đất mới đang chuyển mình với nhiều hứa hẹn tương lai.

Trung Hoan

Tin cùng chuyên mục