Vùng lũ hồi sinh

Đứng dậy từ bùn
Vùng lũ hồi sinh

Những đợt lũ dồn dập ở Quảng Bình vào đầu tháng 10-2010 để lại bao tang thương mất mát. Nhưng sau nhiều tháng khắc phục hậu quả, những bờ bãi đã có lại màu xanh của rau, của ngô. Vùng lũ đang hồi sinh.

Đứng dậy từ bùn

Trở lại vùng tâm lũ Sơn Trạch, ám ảnh bởi những trận lũ kinh hoàng còn hằn sâu trong từng trí nhớ mỗi người dân ở đây. 3 anh hùng từng cứu 300 người thoát chết trong lũ gồm Hoàng Văn Ninh, Trưởng thôn Xuân Tiến; đoàn viên Lê Văn Điệp và Nguyễn Văn Phương đang từng ngày vật lộn mưu sinh.

Lũ đã cuốn mất nhà của họ nhưng Ninh, Điệp, Phương vẫn lao vào lũ lớn để cứu dân. Nhà mất, Ninh vừa phải chèo đò chở khách du lịch tham quan động Phong Nha để kiếm sống, vừa cố gắng dựng lại căn nhà cho vợ con ở tạm. Ninh nói: “Em trôi hết nhà cửa nhưng may có bà con trong Nam, ngoài Bắc thương cảm tài trợ tiền, Báo SGGP cũng hỗ trợ 25 triệu đồng, em đang cố gắng dựng lại nhà để tết này đón vợ con vào căn nhà tình nghĩa của nhiều tấm lòng giúp đỡ”.

Cứ nghĩ, Ninh, Điệp, Phương khó lòng vượt qua cảnh trắng tay, nhưng từ động viên tinh thần của nhiều người, họ đã vững tin vào cuộc sống, đứng dậy từ bùn, tiếp tục sống vì gia đình và xóm làng, bản quán.

Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) thu hoạch rau vụ đông sau lũ.

Người dân xã Tân Hóa (Minh Hóa) thu hoạch rau vụ đông sau lũ.

Tân Hóa lửa ấm hơi làng

Tân Hóa trong lũ là điểm ngập nặng chưa từng có. Người Tân Hóa mất sạch gia sản khi hơn 500 hộ dân ở đây bị cuốn trôi 3.000 con gia súc. Nhưng hôm nay, làng mạc như ấm hơn khi nhà nào cũng nhóm lửa sưởi ấm hơi làng. Đinh Văn Lộc nói: “Có lửa là có sự sống, có lửa làng không bị đói mô”. Vào nhà nào ở Tân Hóa cũng thấy ấm lòng khi gạo dự trữ đầy rương, sập và cả góc bếp. Gạo ở đâu? Từ muôn vàn tấm lòng hảo tâm của bà con cả nước cưu mang Tân Hóa. Chưa bao giờ cả nước hướng về Tân Hóa sau trận lũ lịch sử trong tháng 10 vừa qua.

Bí thư Đảng ủy xã Cao Thanh Bình nói: “Được sự giúp đỡ của đồng bào cả nước, dân Tân Hóa có gạo ăn trong vòng 4 tháng. Không hộ nào bị đói, đó là tình nghĩa mà Tân Hóa mang ơn”. Người Tân Hóa bắt tay vào sản xuất vụ đông, đã gieo trồng được hơn 100ha ngô và rau chống đói. Sau Tết Nguyên đán, nếu những hạt gạo cứu trợ cuối cùng hết thì đồng ngô cũng vào vụ thu hoạch để bán mua gạo, vòng quay đó sẽ giúp người Tân Hóa bớt lo.

Hồi sinh đôi bờ sông Gianh

Sông Gianh ngày lũ, nước cuộn đục ngầu, trực thăng phải bay như con thoi vào rốn lũ cứu đói hàng ngàn thùng mì tôm. Cả ngàn người bơ phờ sau hai trận lũ dồn. Cứ tưởng cuộc sống sẽ khó sắp đặt lại khi con nước bạc đầu cuốn trôi tất cả. Nhưng sau gần 3 tháng thoát khỏi lũ lụt, đôi bờ sông Gianh, nơi làng mạc bám bờ đã dần hồi phục.

Xã Liên Trạch, huyện Bố Trạch, nơi có 7 người chết do lũ, có gia đình phải gánh hai đại tang. Nhưng vượt qua mất mát, người dân Liên Trạch vẫn bám làng sinh sống, họ tự cứu đói mình bằng cách trồng khoai. Chị Nguyễn Thị Chi nói bên bờ rau: “Lũ cướp nhiều của cải nhưng cũng để lại màu mỡ cho dân làng tui trồng rau chống đói. Cũng nhờ cả nước cứu trợ kịp thời mì tôm, gạo, chăn màn mà dân tui không đói, có cái áo ấm mặc ra đồng. Chắc chắn năm ni vụ đông xuân được mùa để đền lại của cải đã bị nước cuốn mất”.

Dọc bờ sông Gianh đã xuất hiện những bờ bãi xanh tươi của ngô, dâu, khoai sắn. Lão nông Nguyễn Đàng ở xã Châu Hóa (Tuyên Hóa) nói: “Cả tỉnh chết đến 74 người, đau thương chưa từng có, nhưng lũ rút mà bỏ ruộng mật bờ xôi thì xót lòng hơn nữa. Phải làm việc, cày sâu cuốc bẩm để xới tơi phù sa của lũ mới có mùa vụ tốt tươi”.

Lên thượng nguồn sông Gianh, xã Thanh Hóa (Tuyên Hóa), nơi có 5 thợ rừng bên núi Động Cồ bị lũ cuốn, để lại những người vợ góa, những đứa trẻ mất cha. Tưởng nỗi đau họ không vượt nổi. Nhưng gặp lại chị Nguyễn Thị Lượng, mất chồng, chị phần nào vơi đi nỗi đau khi được giúp đỡ cả vật chất lẫn tinh thần. Bên con suối Khe Pheo đổ ầm ầm nước, chị Lượng nói: “Chồng mất, một mình nuôi 3 đứa con, may mà có nhiều nhà hảo tâm đến cứu trợ vật chất, động viên tinh thần, trong đó có Báo SGGP giúp 2 triệu đồng, em dùng số tiền đó mua 4 con heo giống về nuôi, còn một ít mua gạo mắm để ăn”.

Số tiền bạn đọc Báo SGGP hỗ trợ chị Lượng đã có kết quả bước đầu, 4 con heo giống đang lớn phổng. Chị Lượng nói: “Chờ trước tết khoảng chục ngày, em kêu lái buôn đến bán ngay để mẹ con có tiền ăn tết, rồi trích ra mua mấy con heo giống nữa quay vòng vốn mà sống, em phải thay chồng nuôi con nên tính rồi”.

Minh Phong

Tin cùng chuyên mục