Vũng Rô chuyển mình

Vũng Rô chuyển mình

Khu di tích bến Vũng Rô khá hoành tráng, con đường dẫn về Bãi Chùa cách đó gần cây số được xây dựng theo kiểu bậc thang bằng bê tông dựa vào núi rất ấn tượng. Đó là nơi thuyền trưởng Hồ Đắc Thạnh đã giấu con tàu 41 và sau đó là sự kiện phá hủy tàu 143 để giữ bí mật cho đường Hồ Chí Minh trên biển.

  • Ngày ấy…
Vịnh đẹp Vũng Rô, Phú Yên - nơi được quy hoạch phát triển cảng biển quốc tế. Ảnh: Đoàn Hiệp
Vịnh đẹp Vũng Rô, Phú Yên - nơi được quy hoạch phát triển cảng biển quốc tế. Ảnh: Đoàn Hiệp

Cùng với mở đường Hồ Chí Minh trên dãy Trường Sơn, ngay từ năm 1961, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã quyết định mở đường Hồ Chí Minh trên biển để vận tải vũ khí, đạn dược, thuốc men… chi viện trực tiếp cho chiến trường miền Nam. Phú Yên là một trong những địa phương được Trung ương chọn mở bến để đón những chuyến tàu không số từ miền Bắc vào. Sau nhiều lần bàn bạc, cân nhắc lãnh đạo tỉnh và Quân khu đã quyết định chọn Vũng Rô.

Theo đồng chí Nguyễn Duy Luân, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên, sở dĩ Quân khu và lãnh đạo tỉnh chọn Vũng Rô vì đây là vịnh nước sâu, có núi cao che chắn kín, tàu có thế bí mật cập bến và thế bảo vệ, thế đánh trả, thế giữ vững... hơn các bến khác. Qua phân tích chọn lọc kết quả khảo sát nhiều vùng, như Bãi Bàng, Bãi Lau, Bãi Chính, Bãi Ngà, Bãi Chùa…

Ban chỉ huy bến quyết định chọn Bãi Chính để tàu cập bến, điểm đậu của tàu về phía Tây, địa hình kín đáo, địa bàn rộng, tiếp nhận cơ động, vận chuyển hàng tiện lợi… Địch cũng không thể ngờ ta chọn Vũng Rô.

Đại tá Đặng Phi Thưởng, Trưởng ban liên lạc Bến tàu không số Vũng Rô, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Phú Yên; nguyên chiến sĩ bến tàu không số Vũng Rô, nhớ lại: Lúc 23 giờ 30 ngày 28-11-1964, bến Vũng Rô đón tàu không số đầu tiên.

Thực ra đây là tàu mang số hiệu T41 do đồng chí Hồ Đắc Thạnh- người con của Phú Yên (hiện đã 78 tuổi và vẫn còn khỏe mạnh) làm thuyền trưởng; đồng chí Trần Hoàng Chiếu làm Chính trị viên cùng 19 thuyền viên.

Tàu xuất phát từ Hải Phòng, chở theo 63 tấn vũ khí và cập bến an toàn. Ngay trong đêm, toàn bộ số hàng đã được đưa vào “kho” cất giấu an toàn, sau đó, chờ đêm xuống tàu tức tốc rời bến…

Chuyến tàu không số thứ 2 tiếp tục cập bến Vũng Rô lúc 23 giờ ngày 25-12-1964 và chuyến tàu thứ 3 vào rạng sáng 1-2-1965. Rút kinh nghiệm từ chuyến đầu tiên nên các chuyến sau, việc tổ chức đón tiếp, bốc dỡ hàng chặt chẽ, nhanh gọn; đưa tàu vào nơi trú ẩn, ngụy trang an toàn.

Đến chuyến thứ tư tàu cập bến lúc 23 giờ ngày 15-2-1965, vô tình địch phát hiện và huy động lực lượng gồm cả trực thăng, lính thủy đánh bộ với ý định bắt sống cả người và thu giữ tàu của ta. Sau nhiều ngày giao chiến ác liệt trong thế trận không cân sức, thuyền trưởng và ban chỉ huy bến quyết định cho nổ tung chiếc tàu để không rơi vào tay địch.

Chiến công hiển hách của cán bộ chiến sĩ tàu không số và lực lượng mở bến, bảo vệ bến Vũng Rô đã được ghi vào sử sách gắn với huyền thoại đường Hồ Chí Minh trên biển.

  • Bây giờ

Xe ô tô đưa ông Hồ Đắc Thạnh và chúng tôi rời TP Tuy Hòa, trực chỉ Vũng Rô cách đó khoảng 40km. Trên quốc lộ 1A, giữa dốc đèo Cả, xe chuyển hướng vào đường về cảng Vũng Rô, Khu kinh tế Nam Phú Yên và sau đó đến đường Phước Tân – Bãi Ngà. Con đường khá đẹp vì nằm dọc bãi biển và ngang qua khu di tích. Tuyến đường đang xây dựng giai đoạn cuối, xuyên qua các khu dân cư sung túc xã Hòa Xuân Nam, huyện Đông Hòa.

Vũng Rô chuyển mình ảnh 2

Khu di tích Vũng Rô nằm sừng sững giữa núi rừng hùng vĩ. Nước trong vịnh khá bình yên, dù chúng tôi đến Vũng Rô vào dịp bão dồn, lũ dập ở các tỉnh miền Bắc, Bắc miền Trung và đồng bằng sông Cửu Long.

Ông Thạnh tự hào nói: “Đây là một trong những vịnh đẹp nhất Việt Nam. Do được bao quanh bởi 3 dãy núi cao là: Đèo Cả, Đá Bia và Hòn Bà ở 3 hướng Bắc, Đông, Tây nên lúc nào cũng lặng sóng. Khi xưa mở bến chuyến đầu tiên, tôi đã cho tàu ủi thẳng lên cát và không cần thả neo. Khu di tích Vũng Rô đi vào hoạt động vài tháng nay nhưng nhiều du khách đã biết. Cứ mỗi lần có dịp qua đây, họ lại vào viếng khu di tích”.

Phải nói ngay rằng, lợi thế của tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà đã phát huy cao độ tác dụng. Ông Trần Lĩnh, một lão ngư sống ở vùng này hàng chục năm, cho biết: “Kể từ khi khởi công xây dựng khu di tích Vũng Rô và mở rộng tuyến đường Phước Tân – Bãi Ngà, cuộc sống chúng tôi đổi thay từng ngày. Nay mai tuyến đường này sẽ đổi tên thành quốc lộ 25, nối với cầu Hùng Vương để về Gia Lai. Có tuyến đường, việc đi lại của người dân sẽ rất thuận tiện, nhất là với việc vận chuyển hàng hóa, thủy hải sản của ngư dân”.

Theo ông Lĩnh, ngoài tôm, cá… vịnh Vũng Rô còn nổi tiếng với san hô. Và dọc tuyến đường này là các thắng cảnh như Mũi Điện, bãi tắm Bãi Môn, Bãi Tiên… thu hút đông du khách.

  • Và tương lai

Bến tàu không số Vũng Rô đã được xếp hạng Di tích lịch sử cấp quốc gia và là một trong bốn bến tàu không số ở miền Nam được Trung ương Đảng, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Hải quân quyết định xây bia di tích đường Hồ Chí Minh trên biển.

Không chỉ có ý nghĩa về mặt lịch sử, Vũng Rô bây giờ đã và đang được đánh thức bởi tiềm năng vốn có của nó. Với diện tích mặt nước rộng 1.640ha, độ sâu có thể tiếp nhận tàu trọng tải trên 5.000 tấn, cảng Vũng Rô là một trong những cảng biển tổng hợp có thể phát triển thành cảng biển quốc tế. Đặc biệt, cuối năm 2008, Thủ tướng Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập và đang tiến hành xây dựng Khu kinh tế Nam Phú Yên với trọng tâm là lọc, hóa dầu gắn với Khu kinh tế Vân Phong của tỉnh Khánh Hòa theo hướng đa ngành, đa chức năng. Trong đó, Vũng Rô là cực phát triển quan trọng, trung tâm giao thương quốc tế, trung tâm công nghiệp, cảng biển lớn của Nam Trung bộ và Tây Nguyên; có hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ; đô thị văn minh, kiến trúc hiện đại.

Đặc biệt, Nhà máy lọc dầu Vũng Rô có công suất 4 triệu tấn/năm (giai đoạn 1), tổng vốn đầu tư 1,7 tỷ USD, 100% vốn nước ngoài với công nghệ tiên tiến, thiết bị mới, bảo đảm an toàn về môi trường. Hiện tại dự án đang hoàn tất các thủ tục để có thể triển khai thi công vào quý 1-2012.

Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải đã quyết định nâng cấp ĐT 645 (từ Phú Yên đi Đắc Lắc) thành quốc lộ 29 và điểm khởi đầu từ cảng Vũng Rô. Đây là con đường duy nhất lên Tây Nguyên có địa hình thuận lợi vì ít đèo dốc, khi được đầu tư hoàn chỉnh sẽ rút ngắn cự ly vận chuyển giữa Phú Yên với Đắc Lắc khoảng 60km.

Trục ngang xương sống nối liền 5 tỉnh vùng duyên hải miền Trung và Tây Nguyên và liên thông sang Lào, Campuchia, góp phần hình thành và hoàn chỉnh mạng lưới giao thông đường bộ trong trục tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia.

Cùng với cảng Vũng Rô đang được nâng cấp, một cảng biển khác quy mô lớn hơn cũng sẽ được xây dựng tại Bãi Gốc trên diện tích 220ha. Trục đường phía Đông Phú Yên từ Nam cầu Hùng Vương đến cảng Vũng Rô đã được khởi công xây dựng và sắp hoàn thành, tạo thành một trục giao thông xuyên suốt từ trung tâm TP Tuy Hòa đến cảng Vũng Rô.

Trong tương lai, khi Khu kinh tế Nam Phú Yên và Khu kinh tế Vân Phong bước vào hoạt động, tuyến đường sắt từ Phú Yên lên Tây Nguyên hình thành, quốc lộ 29 phát huy tác dụng, hầm đường bộ đèo Cả được đưa vào sử dụng, sẽ tạo nên hành lang kinh tế Đông - Tây mới của nước ta, bao gồm vùng duyên hải Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa gắn với Tây Nguyên - với vùng Đông Bắc Camphuchia - với Nam Lào và Thái Lan… Vũng Rô sẽ thực sự được đánh thức.

Vũng Rô đang chuyển mình và ngày càng trù phú. Vịnh Vũng Rô lúc nào cũng tấp nập cả trăm tàu thuyền ra vào từ các ngư trường. “Khu bến cảng đang xây dựng mới là để phục vụ cho nhà máy lọc dầu sau này. Vũng Rô đã phát huy hết thế mạnh của mình về kinh tế và du lịch. Tôi rất mừng với sự đổi thay như vậy ở vùng đất anh hùng này”, ông Thạnh thuyết minh cho chúng tôi.

Xuân Hiếu - Đoàn Hiệp

Tin cùng chuyên mục