
Chúng tôi trở lại huyện Cát Tiên – một huyện kinh tế mới vùng sâu, vùng xa của tỉnh Lâm Đồng, từng là vùng rốn lũ của khu vực thượng nguồn sông Đồng Nai và Đa Nhim. Không còn cảnh u ám, tiêu điều ngày nào. Giờ đây cuộc sống của người dân đang thật sự khởi sắc.

Trường cấp 3 Quang Trung vừa được đầu tư xây dựng.
Mô hình 2 con 3 cây là mô hình kinh tế trong nông nghiệp đang làm nên sự thay đổi căn bản cuộc sống người dân xã Đức Phổ. Trước đây, Đức Phổ chuyên canh cây tiêu, nhưng sau mấy năm liên tiếp bị lụt, tiêu chết gần hết lại gặp cảnh tiêu rớt giá nên bà con đã chuyển sang trồng cỏ nuôi bò.
Với sự đầu tư của nhà nước thông qua Trung tâm Khuyến nông huyện, chỉ sau 3 năm, đàn bò của xã đã tăng gấp 3 lần với 1.820 con, trong đó 50% là bò lai Sind. Mô hình chăn nuôi quy mô trang trại từ 10 con trở lên cũng bắt đầu hình thành.
Các hộ Nguyễn Vần, Nguyễn Khả Năng (thôn 3), Lê Xuân Thắng (thôn 5) đã có lợi nhuận hàng chục triệu đồng mỗi năm. Đối với diện tích đất ngập nước vụ 3, từ năm 2003 bà con chuyển sang trồng cỏ voi, cỏ sả để nuôi bò thịt. Diện tích trồng cỏ của toàn xã đã đến 30ha.
Anh Mai Bảo Xuyên, Thường trực Đảng ủy xã, cho hay: “Xã có 70ha đồng cỏ, trong đó 40ha cỏ tự nhiên. Theo quy hoạch từ nay đến năm 2010, diện tích cỏ trồng sẽ tiếp tục tăng. Đây là sự thay đổi khá ngoạn mục trong nhận thức của bà con nông dân vốn quen làm ăn theo lối quảng canh nhờ trời. Nghề nuôi cá vẫn được 60 hộ duy trì với 34ha, cũng cho thu nhập khá hơn trồng lúa. Nhờ đó, tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí cũ chỉ còn 22% và số hộ giàu, khá đã tăng lên rõ rệt”.
Ngoài Đức Phổ, Cát Tiên đã có thêm các xã: Tiên Hoàng, Phù Mỹ, Phước Cát 1, Phước Cát 2, Quảng Ngãi và thị trấn Đồng Nai đang chuyển dịch mạnh sang mô hình kinh tế 2 con (nuôi bò, thả cá) và 3 cây (tùy theo xã, có thể là lúa, màu, cỏ hoặc lúa, dâu, cỏ).
Có 2 yếu tố khách quan tác động đến sự đi lên ở vùng rốn lũ: Đầu tiên là nhờ sự đầu tư của nhà nước xây dựng các nhà máy thủy điện Đại Ninh, Đồng Nai 3, Đồng Nai 4 giúp giảm thiểu lũ lụt. Yếu tố thứ 2 là nhờ hệ thống thủy lợi. Nhà nước đã đầu tư 46,3 tỷ đồng để xây dựng hồ chứa nước Đắc Lô tưới cho 960ha cây trồng, huyện cũng có cơ chế hỗ trợ phát triển thủy lợi nhỏ nên đã tăng diện tích chủ động nước tưới với mức tăng bình quân 23,5%/năm trong thời gian 2001 – 2005.
Ở vụ Đông Xuân 2005, toàn huyện đã có 80% diện tích cây trồng được tưới. Yếu tố thứ 3 góp phần làm nên sự thay đổi trong cuộc sống người dân vùng lũ chính là công tác cán bộ. Ông Nguyễn Xuân Tùng, Bí thư Huyện ủy Cát Tiên, cho biết: “Để củng cố Đảng bộ xã Đức Phổ, huyện quyết định tăng cường một kỹ sư nông lâm đang là lãnh đạo Phòng Nông nghiệp về làm phó chủ tịch xã. Nhờ đó, Đảng bộ đã vươn lên thoát yếu kém còn đời sống nhân dân khá hơn, nhiều hộ thoát đói nghèo”. Từ kinh nghiệm của Đức Phổ, huyện đang tiếp tục luân chuyển, tăng cường kỹ sư nông lâm mới ra trường về làm việc tại xã để tập trung phát triển kinh tế, tạo sự chuyển biến về chất trong công tác cán bộ.
VĂN PHONG