Vùng tứ giác du lịch ĐBSCL khơi dậy tiềm năng

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, đồng thời cũng là tứ giác du lịch của châu thổ sông Cửu Long. Mỗi năm khu vực này chiếm đến hơn 70% lượng khách và doanh thu của ngành du lịch đồng bằng. Tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm.
Vùng tứ giác du lịch ĐBSCL khơi dậy tiềm năng

Vùng kinh tế trọng điểm ĐBSCL gồm Cần Thơ, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau, đồng thời cũng là tứ giác du lịch của châu thổ sông Cửu Long. Mỗi năm khu vực này chiếm đến hơn 70% lượng khách và doanh thu của ngành du lịch đồng bằng. Tuy nhiên phía trước vẫn còn rất nhiều việc phải làm.

  • Sức mạnh vùng tứ giác

Vùng kinh tế trọng điểm (KTTĐ) của ĐBSCL không chỉ có thế mạnh nông nghiệp, thủy sản mà còn là nơi có nhiều tiềm năng lợi thế phát triển du lịch. Nằm trọn ở phía Nam sông Hậu, địa hình tự nhiên hiện diện đầy đủ biển, núi đồi, sông rạch.

Thuận lợi lớn của tứ giác du lịch là tiềm lực kinh tế với tốc độ tăng trưởng cao, đóng góp khoảng 42% GDP, gần 45% tổng thu ngân sách cả vùng. Hệ thống đô thị và cơ sở hạ tầng tốt nhất trong vùng, với 4 đô thị lớn Cần Thơ, Long Xuyên, Cà Mau và Rạch Giá. Vùng đã có bước đột phá về kết cấu hạ tầng như nâng cấp, cải tạo QL1A (đoạn Mỹ Thuận - Cà Mau), hoàn thành các cầu vượt sông lớn Cần Thơ, Đầm Cùng… Riêng hàng không đã có 4 cảng (trong đó có 2 cảng hàng không quốc tế) là sân bay Cần Thơ, Phú Quốc, Rạch Giá, Cà Mau. Bên cạnh đặc trưng sông nước hữu tình phương Nam (mùa nước nổi…) vùng này còn đậm đà giá trị bản sắc văn hóa (kiến trúc đình, chùa, phong tục, tập quán, lễ hội…).

Độc đáo chợ nổi Cái Răng.

Độc đáo chợ nổi Cái Răng.

Liên hoan du lịch ĐBSCL lần thứ 1 tại Cần Thơ (2003) và lần thứ 2 (2006 - An Giang); Năm du lịch Quốc gia Mekong - Cần Thơ 2008; Những ngày văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào Khmer Nam bộ lần thứ 6-2008; Tuần văn hóa du lịch Mekong - Nhật Bản 2009… đã thể hiện mong muốn liên kết, hợp tác giữa các tỉnh - thành trong khu vực. Tuy nhiên những giải pháp đó chưa đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ.

Hầu hết các địa phương trong tứ giác du lịch đều đã có những chương trình hoặc nghị quyết riêng để tập trung đầu tư, phát triển du lịch. Đó là động lực, kích thích ngành công nghiệp không khói. Nhằm giới thiệu những điểm và dịch vụ nổi bật nhất trong khu vực, trong 2 năm 2009-2010, Hiệp hội du lịch ĐBSCL đã bình chọn 9 điểm du lịch tiêu biểu ĐBSCL. Đó là Làng du lịch Mỹ Khánh (TP Cần Thơ), Khu du lịch đồi Tức Dụp và Khu du lịch Núi Cấm (An Giang), Khu nghỉ dưỡng Sài Gòn - Phú Quốc và Khu du lịch Hòn Trẹm (Kiên Giang), Công viên Văn hóa Du lịch mũi Cà Mau. Lượng du khách đến các điểm du lịch trên sau khi được công nhận đều tăng hơn trước. Hiệp hội du lịch ĐBSCL hiện đang chọn Cần Thơ để bình chọn danh hiệu khách sạn tiêu biểu nhất ĐBSCL rồi nhân ra toàn đồng bằng.

Năm 2012, sau Cần Thơ và An Giang, Kiên Giang với vai trò cụm trưởng đã phối hợp với các công ty du lịch, doanh nghiệp du lịch lữ hành (TPHCM, Huế, Hà Nội…) tổ chức chuyến khảo sát nhằm xây dựng sản phẩm du lịch mới, đặc trưng, hấp dẫn hơn. Một số địa danh tiềm năng khác sẽ được chính thức đưa vào tour mới như Ba Hòn Đầm, Hòn Tre, quần đảo Hải tặc… Theo đó, các tour có thể bắt đầu nhận khách từ Hà Nội, TPHCM để nối các điểm thuộc tứ giác du lịch rồi vươn tiếp sang Campuchia, Thái Lan bằng đường bộ hoặc hàng không.

  • Gia tăng lực hút

Trên thực tế, các địa phương trong tứ giác du lịch vẫn còn nhiều vấn đề cần giải quyết như hệ thống giao thông nối trung tâm với các điểm còn hạn chế, khoảng cách không xa nhưng phương tiện không thể di chuyển nhanh được vì đường quá nhỏ (Kiên Giang, Cà Mau). Trình độ hướng dẫn viên, thuyết minh viên người dân tộc (An Giang) hay chợ nổi Cái Răng còn hạn chế, làng du lịch Mỹ Khánh, một điểm du lịch theo kiểu nhà vườn nhưng chưa có nhiều dịch vụ phụ trợ…

Tứ giác du lịch có bước đột phá, tăng tốc sẽ giúp du lịch toàn vùng khởi sắc hơn. Lãnh đạo Hiệp hội du lịch ĐBSCL chỉ ra những vấn đề cần nhanh chóng khắc phục: Đầu tư cho du lịch của Nhà nước và tư nhân chưa thỏa đáng (chưa có khu du lịch tầm cỡ…); chính sách ưu đãi chưa thực sự hấp dẫn, thu hút đầu tư; nhân lực chuyên nghiệp chuyên môn còn thiếu; việc quảng bá, giới thiệu tiếp thị điểm đến chưa ấn tượng. Vùng này cũng thiếu trầm trọng các dịch vụ bổ sung, đặc biệt dịch vụ vui chơi giải trí về đêm nên khách không có nơi tiêu tiền. Điều quan trọng, cần chất xám trong sản phẩm du lịch để có đầu tư đúng mức, vừa thể hiện sự tôn trọng du khách, vừa thoát khỏi những khuôn mẫu chung vốn gây nhàm chán bấy lâu nay. Việc lấn cấn về vai trò nhạc trưởng điều phối du lịch toàn vùng cần được giải quyết dứt điểm khi Hiệp hội du lịch ĐBSCL chỉ là hội nghề nghiệp, không có chức năng quản lý Nhà nước.

Rõ ràng sau Mekong - Cần Thơ 2008 vùng châu thổ Cửu Long rất cần tìm cho ra và định hình tổ chức sự kiện mới, xứng tầm. Tứ giác du lịch sẽ đảm nhận vai trò đó? Hướng phát triển du lịch biển mạnh nhất của ĐBSCL là ở Phú Quốc và đảo Thổ Chu, nơi có thiên nhiên hoang sơ và những bãi biển được đánh giá là đẹp bậc nhất thế giới. Bên cạnh đó, các chuyên gia Hà Lan đã từng đánh giá vận tải thủy ĐBSCL được xem là thiên đường trong lĩnh vực này nhưng chúng ta chưa khai thác tiềm năng này một cách đúng nghĩa.

Gần đây, tạp chí du lịch nổi tiếng thế giới Lonely Planet đưa ra danh sách 10 điểm đến ý nghĩa nhất năm 2012 trong đó ĐBSCL đứng hàng thứ 9 và Việt Nam được giới thiệu là điểm đến luôn luôn có giá trị tốt. Tứ giác du lịch đã góp phần quan trọng vào nhận định đó khi mỗi năm nơi này thu hút gần 13 triệu du khách, chiếm hơn 70% lượng du khách và doanh thu của ngành du lịch ĐBSCL.

 

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục