Vững vàng bám biển

Tiết tháo ngư dân
Vững vàng bám biển

Những ngày cuối năm, từng đợt gió mùa Đông Bắc liên tục thổi về lạnh buốt, những con tàu ven biển duyên hải miền Trung vẫn lừng lững vững vàng ra khơi đi tìm luồng cá. Theo những ngư dân dạn dày kinh nghiệm, thời điểm giao mùa, biển có động một chút nhưng các dòng hải lưu thay đổi, luồng cá xuất hiện nhiều, hễ ra khơi là trúng. Nếu kịp thì về ăn tết với gia đình, không thì ăn tết trên biển, chờ cho những khoang thuyền đầy ắp sản vật mới trở về như vậy còn vui… hơn tết.

Tàu đánh cá của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) chuẩn bị nhổ neo đánh bắt chuyến đầu năm. Ảnh: Nguyên Khôi

Tàu đánh cá của ngư dân Núi Thành (Quảng Nam) chuẩn bị nhổ neo đánh bắt chuyến đầu năm. Ảnh: Nguyên Khôi

Tiết tháo ngư dân

Lý Sơn, hòn đảo cách đất liền 30km, nằm giữa muôn trùng sóng nước, nơi 200 năm trước sản sinh ra đội đội hùng binh Hoàng Sa vâng mệnh chúa Nguyễn giong buồm ra khơi khẳng định chủ quyền của nước nhà trên biển Đông. Trải qua bao biến thiên của lịch sử, khốc liệt của thiên nhiên, nối tiếp truyền thống cha ông, những cư dân huyện đảo Lý Sơn vẫn vững vàng bám đảo, bám biển mưu sinh, khẳng định chủ quyền.

Hòn đảo có hơn 2 vạn dân ấy nhưng có đến hơn 3.000 ngư dân đánh bắt ở các vùng biển Hoàng Sa - Trường Sa. Với họ, biển khơi gắn chặt với cuộc đời. Họ bảo, ở biển nhiều hơn ở nhà, trong đầu họ là chi chít những kinh độ, vĩ tuyến và rành rẽ từng dấu mốc chủ quyền của Việt Nam.

17 tuổi, chàng thanh niên Lê Túc ở xã An Hải, lên tàu theo cha ra biển. Ấn tượng hằn in từ những lớp mây đen vần vũ, ánh chớp như xé toạc bầu trời của những cơn dông bất ngờ ập đến hay những trận bão biển rợn người. Trên con tàu QNg 66029, Lê Túc ngang dọc khắp các vùng biển. Bấm đốt ngón tay, ông nhẩm tính: “Tách cha đi làm riêng ngót nghét cũng hơn 20 năm, ngần nửa thời gian ấy làm nghề lặn ở dưới đáy đại dương và hơn nửa đời người gắn với mặt biển. Vùng biển Hoàng Sa hải sâm dày đặc. Vì vậy, phải bám biển dài ngày mới trúng”.

Có khi nào ở biển nhiều quá mà quên vợ? Câu hỏi bất chợt của chúng tôi làm Lê Túc bật cười vang rồi thật thà: “Xa vợ có khi không nhớ bằng xa biển. Vậy nên khi nào biển động chừng tháng trời không đi biển được là chân tay tù túng, người rậm rực khó chịu lắm”. Châm thêm chén nước trà bốc hơi nghi ngút, ông Lê Túc trầm ngâm lại rồi nói: “Vì mưu sinh và cũng là góp phần khẳng định chủ quyền đất nước. Chứ “nhà mình” mà lại vắng chủ thì hiu quạnh lắm”. Câu nói của ông Lê Túc đầy hàm ý nhưng cái nhìn xa xăm, trầm ngâm đang hướng ra mặt biển từng lớp sóng xô khiến chúng tôi như hiểu ra nhiều điều.

Lần tìm đến ông Dương Chính, người đầu tiên “mở” biển Hoàng Sa để lại được nghe ông hồi ức những ngày đầu ra biển. Ông Chính bảo mấy ngày nay trong người cảm thấy khó chịu lắm nhưng chẳng biết biển động ông lo cho các con cháu Lý Sơn đang còn đánh bắt trên biển hay vì lệnh cấm đánh bắt cá mà Trung Quốc áp đặt vừa được thông báo. Năm nay ông Chính đã hơn 80, nhưng lão ngư dân này ra chiều còn minh mẫn và khỏe khoắn có lẽ là do được hít hà cái không khí mặn mòi hơn 30 năm lênh đênh trên biển.

Dù không còn ra khơi nữa, nhưng cứ mỗi khi hoàng hôn buông xuống hay lúc bình minh lên, ông lại đi về phía biển, nhìn ra đại dương mênh mông, nơi chân trời mờ ảo ấy là Hoàng Sa mà ngày còn trai trẻ ông ngang dọc. “Cha ông đã mở cõi, thế hệ tiếp nối phải tiếp bước giữ gìn để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của đất nước. Những đội tàu lớn nhỏ vẫn ngày đêm bám biển Hoàng Sa - Trường Sa đánh bắt thủy hải sản, cũng là khẳng định vùng biển, chủ quyền của Việt Nam” - ông Dương Chính nói mà như gửi gắm đến thế hệ những ngư dân trẻ bây giờ.

Tình cờ, gặp lại thuyền trưởng Phạm Quang Thạnh khi ông cùng 12 ngư dân khác đang sửa chữa, sắm lại phương tiện chuẩn bị cho chuyến ra khơi sắp tới. Vào đầu tháng 1, tàu của ông Thạnh đang đánh bắt ở vùng biển Hoàng Sa thì bất ngờ bị lực lượng kiểm ngư Trung Quốc dùng roi điện, dùi cui khống chế rồi đập phá, thu giữ số máy móc, dụng cụ, nhiên liệu trên tàu, ước tính thiệt hại có thể lên tới 300 triệu đồng.

Dù vậy, ông Thạnh nói: “Chúng tôi càng quyết tâm ra Hoàng Sa. Dù phía họ có tàu lớn, vũ khí uy hiếp, nhưng với sự đoàn kết của anh em ngư dân trên tàu cũng như các tàu cá khác, chúng tôi sẽ vững vàng bảo vệ nhau đánh bắt hải sản trên vùng biển của mình. Mình là ngư dân Việt Nam thì được quyền đánh bắt trên vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc mình...”.

Ngư dân Lý Sơn gom lưới chuẩn bị chuyến đi biển mới. Ảnh: HÀ MINH

Ngư dân Lý Sơn gom lưới chuẩn bị chuyến đi biển mới. Ảnh: HÀ MINH

“Xông” biển đầu năm

Cuối năm, thời gian như qua nhanh hơn, các tàu cá ở huyện đảo Lý Sơn sau khi cập bến mang đầy tôm cá lại hối hả thẳng tiến ra Hoàng Sa, Trường Sa để cập bờ kịp ăn tết. Phần lớn tàu cá của ngư dân Lý Sơn đều tham gia khai thác hải sản tại ngư trường Hoàng Sa.

Ông Trần Ngọc Nguyên, Chủ tịch UBND huyện đảo này chia sẻ: “Cùng song hành với ngư dân, chính quyền huyện Lý Sơn luôn kề vai sát cánh hỗ trợ ngư dân tiếp tục bám biển, bám ngư trường. Địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền vận động ngư dân về chủ quyền an ninh biên giới biển đảo, về ý nghĩa của việc bảo vệ chủ quyền trên biển”.

Bà Phạm Thị Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Lý Sơn, nói thêm: “Thời gian qua, phía nước ngoài đã không ít lần gây khó khăn, đập phá tài sản, ngư lưới cụ... gây thiệt hại kinh tế cho ngư dân. Vì thế huyện Lý Sơn chỉ đạo các nghiệp đoàn nghề cá mỗi lần xuất tàu ra khơi cần tăng số lượng từ 3 đến 5 chiếc để hỗ trợ lẫn nhau”.

Rời Lý Sơn, chúng tôi về xã Bình Châu, địa phương này cũng có đội tàu số lượng lớn đánh bắt xa bờ luôn hiện diện ở những vùng biển xa. Gặp ngư dân, chúng tôi luôn bắt gặp ở họ quyết tâm vươn khơi bám biển. Thuyền trưởng Hoàng Tuấn Thanh cho hay vừa cập bờ 4 ngày, đang chuẩn bị cho chuyến ra Hoàng Sa. “Đánh bắt trên vùng biển truyền thống là Hoàng Sa của Việt Nam, chúng tôi là ngư dân, mong sao đánh được nhiều cá trên ngư trường của mình nên chẳng lo sợ gì” - anh Thanh cho biết.

Cạnh huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) là huyện Núi Thành (Quảng Nam). Tại đây, các ngư dân cũng đang tất bật chuẩn bị cho những chuyến “xông” biển đầu năm. Khác với những chuyến đi trước, anh em bảo chuyến đi lần này là “chuyến đi đặc biệt”. Bởi lẽ, đây là chuyến ra khơi đầu năm mới 2014 và cũng là chuyến đi đón giao thừa năm mới Giáp Ngọ 2014 trên biển Đông. Vì thế, ngoài những nhu yếu phẩm cần thiết còn có hương vị tết như bánh tét, bánh chưng… để ăn tết trên tàu. Họ phấn khởi nhổ neo mang theo nhiều ước vọng của năm mới.

Ngư dân Trần Văn Tý (xã Tam Hải), người có thâm niên hơn chục năm đi biển, tâm sự: “Một năm ra biển nhiều chuyến, nhưng chuyến đi cận tết cũng tâm trạng. Ngày tết mà xa vợ con lênh đênh trên biển chạnh lòng lắm. Nhưng đã thành lệ rồi, chuyến đi “xông” biển cũng phải… gạt lệ đi thôi, xem như biển là nhà vậy”.

Theo anh Huỳnh Văn Bính, thuyền trưởng tàu cá QNa 91069, công suất 700 CV, thuộc Nghiệp đoàn Nghề cá xã Tam Hải, hiện nay hầu hết các tàu cá có công suất lớn trong nghiệp đoàn được trang bị đầy đủ các phương tiện hiện đại như máy bộ đàm, máy tầm ngư, máy định vị… nên hiệu suất đánh bắt ngày càng tăng cao. Bên cạnh đó, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam và các bộ, ngành Trung ương thường xuyên hỗ trợ kinh phí xa bờ nên ngư dân yên tâm bám biển đánh bắt ở ngư trường truyền thống là Hoàng Sa và Trường Sa.

  • Ông Phạm Quốc Chinh, Ủy viên Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Nghề cá xã An Hải (Lý Sơn, Quảng Ngãi)

"Đã bao đời, biển thì phải có bão, có hiểm nguy. Dù vậy, con cháu đội hùng binh Hoàng Sa vẫn không rời đảo, rời biển. Bởi từ sâu trong tiềm thức, đây là mảnh đất cha ông, là chủ quyền của đất nước nên dù có gặp thiên tai, bị các tàu nước ngoài bắt giữ, đập phá tài sản thì ngư dân vẫn một lòng bám biển. Biển là hơi thở, là nguồn sống, là quê hương và là chủ quyền của nước ta, phải bám biển, giữ biển"

HÀ MINH - NGUYÊN KHÔI

Tin cùng chuyên mục