Gần 7 giờ lênh đênh từ cảng Bãi Vòng (huyện đảo Phú Quốc) thẳng hướng Tây, đảo Thổ Châu - hòn đảo tiền tiêu nằm ở cực Tây Nam của Tổ quốc đã trong tầm mắt.
Nhiều thành viên trong đoàn ra Thổ Châu lần đầu tiên bị say sóng nhưng vẫn ra mạn tàu ngắm nhìn biển rộng bao la vì sợ bỏ lỡ những phút giây đẹp. Trời xanh, biển xanh, đảo xanh. Biển đảo đẹp quá, Thổ Châu đẹp quá… nhiều câu nói reo lên. Trên cầu tàu cảng rất đông cán bộ, bộ đội, người dân… gương mặt rạng rỡ. Tiếng nói, tiếng cười vang lên, những cái bắt tay siết chặt chào đón khách từ đất liền ra thăm đảo xa. “Các đồng chí, các anh, chị chắc mệt lắm! Đi biển là thế, phải có sóng, phải có gió”, Bí thư Đảng ủy xã Thổ Châu Nguyễn Trường Vũ tươi cười nói.
Quần đảo Thổ Châu gồm 8 đảo: Thổ Châu, hòn Đứng, hòn Nhạn, hòn Keo Ngựa, hòn Khó, hòn Từ, hòn Cao Cát và hòn Mô. Từ những năm 1950 của thế kỷ trước, Thổ Châu đã có nhiều hộ dân bám đảo, bám biển mưu sinh và giữ gìn bờ cõi. Năm 1993, xã đảo Thổ Châu thuộc huyện đảo Phú Quốc tỉnh Kiên Giang được thành lập. Xã đảo Thổ Châu giờ có 2 ấp, 8 tổ nhân dân tự quản, với hơn 500 nóc nhà, gần 2.000 nhân khẩu. Thổ Châu có nhiều tiềm năng về lâm nghiệp, khoáng sản, đặc biệt là nguồn hải sản phong phú và nhiều cảnh đẹp còn hoang sơ thuận tiện cho khai thác, phát triển du lịch…
Tại trụ sở xã đảo, Bí thư Nguyễn Trường Vũ phấn khởi cho biết, trong những năm qua dù còn nhiều khó khăn nhưng Đảng bộ, chính quyền và người dân trên đảo đã đoàn kết vượt qua. Tất cả các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội đều tăng trưởng khá, năm sau cao năm trước. Các cơ sở tiểu thủ công nghiệp hoạt động ổn định, với 5 cơ sở chế biến mực khô xuất khẩu, sản lượng 750 tấn/năm, giải quyết việc làm cho khoảng 200 lao động (chủ yếu là nữ) với thu nhập bình quân 1,5 triệu đồng/người/tháng. Ngư dân vẫn bám biển giữ ngư trường, giữ nguồn lợi biển, khai thác tạo ra nhiều sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Nhiều nông dân còn “sáng tạo” đưa các loại cá nước ngọt, rau màu từ đất liền ra nuôi trồng làm phong phú nguồn sản phẩm tươi sống, phục vụ ngày một tốt hơn cho chất lượng cuộc sống của người dân.
Trong điều kiện địa lý cách trở, phương tiện vận tải hành khách hạn chế, nhưng việc phát triển thông tin liên lạc đã có bước tiến dài. Hiện 100 dân ở Thổ Châu có 3,3 máy điện thoại cố định. Cả 3 mạng điện thoại di động lớn trong nước là Viettel, Mobifone và Vinaphone đều đã phủ sóng tới đảo. Nhà nào cũng có người sở hữu điện thoại di động.
Cô Hà Thị Oanh, Phó Hiệu trưởng Trường THCS Thổ Châu đưa khách đi tham quan trường lớp trên đảo, tâm sự: “Những năm gần đây, hệ thống trường lớp từ mẫu giáo tới lớp 9 được sự quan tâm đầu tư khá tốt. Hiện cơ bản đáp ứng được nhu cầu dạy và học của con em trên đảo. Năm học này, tỷ lệ huy động trẻ em 3-4 tuổi đi nhà trẻ đạt 85%, trẻ 5 tuổi ra lớp đạt 100%”.
Thầy giáo trẻ Đinh Trung Tín (sinh năm 1987) chia sẻ: “Quê tôi ở huyện Tam Bình, Vĩnh Long. Khi mới ra trường tôi còn chưa biết đến Phú Quốc chứ nói gì Thổ Châu. Khi ra đến đảo gặp nhiều khó khăn, có lúc muốn trở về đất liền để gần gũi gia đình. Nhưng khi đã dấn thân vào nghiệp giáo dục, nhìn ánh mắt ngơ ngác của các em thấy mình có lỗi. Thế rồi quyết tâm ở lại với đảo luôn…”.
22 giáo viên đang giảng dạy trên đảo chỉ có một người là dân địa phương, còn lại đều từ đất liền ra phục vụ, và không có trường hợp nào bỏ trường, bỏ lớp, bỏ đảo ra đi. “Tôi mong sao trên đảo có trường cấp 3, để các em theo học dễ dàng. Vì khi học hết cấp 2, các em phải vào Phú Quốc học tiếp bậc trung học phổ thông. Đa số, gia đình các em khó khăn vừa phải lo tiền thuê phòng trọ, chi phí ăn ở, học phí… nên lo không xuể, buộc lòng phải cho con nghỉ học. Không được học, các em trở về đảo phải làm thuê, làm mướn rồi lập gia đình sớm. Cuộc sống cứ thế…”- thầy Tín trăn trở.
Hôm chúng tôi ra đảo, Trạm Y tế Thổ Châu vừa được đầu tư xây dựng lại khang trang, với những trang thiết bị y tế hiện đại và ngành y tế cũng đã hứa tăng cường thêm y, bác sĩ, những thầy thuốc tâm huyết, yêu nghề, mến đảo sẵn sàng ra Thổ Châu nhận nhiệm vụ.
Trọng Nghĩa