Cũng theo Sputnik, các công ty Mỹ nhận thức được nền kinh tế Nga có thể đối phó được với những cú sốc. Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho hay, lạm phát ở Nga vào năm 2018 có thể dưới 4%, trong khi ngân sách nhà nước dự kiến sẽ đạt mức thặng dư khoảng 1% GDP vào năm 2018 và Quỹ Phúc lợi quốc gia sẽ tăng 50 tỷ USD. Theo Financial Times, đây là lần đầu tiên trong vòng 3 năm qua, kinh tế Nga tăng trưởng trở lại. Nền kinh tế Nga giảm 0,2% vào năm 2016 và 2,8% vào năm 2015. Tuy nhiên, kinh tế Nga cuối cùng đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục sau khi một số cải cách kinh tế được đề ra.
Mặc dù mức tăng trưởng kinh tế Nga năm 2017 đã không đạt được kỳ vọng từ ngân hàng trung ương nước này, dự báo tăng trưởng trong khoảng từ 1,7% đến 2,2% tuy nhiên đây vẫn là điều đáng khích lệ. Số liệu cho thấy, ngành sản xuất nông nghiệp và khai thác mỏ của Nga đã tăng trong năm 2017, nhờ các biện pháp trừng phạt đối ứng do Nga đáp trả phương Tây như cấm nhập khẩu lương thực từ Liên minh châu Âu. Sự tăng giá dầu lên khoảng 70 USD/ thùng cũng giúp cho việc phục hồi của Nga khỏi suy thoái.
Sự tăng trưởng trở lại là một chỉ dấu thuận lợi khi Tổng thống Nga Vladimir Putin chuẩn bị ra tranh cử nhiệm kỳ thứ tư vào tháng 3. Hiện Chính phủ Nga vẫn còn nhiều biện pháp kinh tế chưa dùng đến. Một trong số đó là cắt giảm lãi suất để kích thích kinh tế. Lạm phát thấp cho phép Ngân hàng trung ương Nga cắt giảm lãi suất trong tương lai gần. Theo 12 trong số 14 nhà phân tích và chuyên gia kinh tế, Ngân hàng trung ương Nga nên giảm mức lãi suất cơ bản từ mức 7,75% trong tháng 2 và dần dần về mức 7% đến cuối năm 2018.
Về phía Mỹ, một báo cáo mới của Bộ Tài chính Mỹ trước Quốc hội cảnh báo rằng việc mở rộng các biện pháp chế tài đối với Nga sẽ có “những ảnh hưởng nghiêm trọng” đối với nền kinh tế toàn cầu. Báo cáo nói rằng các biện pháp chế tài liên quan đến trái phiếu do Chính phủ Nga phát hành, có thể làm tổn thương cả Liên bang Nga và các nhà đầu tư, doanh nghiệp Mỹ. Các biện pháp trừng phạt như vậy có thể ngăn chặn tăng trưởng kinh tế của Nga và làm gia tăng các biện pháp trả đũa của Nga nhắm vào các lợi ích của Mỹ. Trước đó, hôm 29-1, Tổng thống Mỹ Donald Trump trình lên Quốc hội một danh sách 210 người Nga, bao gồm các quan chức chính phủ và các tỷ phú có tài sản hơn 1 tỷ USD, có thể được nhắm mục tiêu với các biện pháp trừng phạt bổ sung.
Đức, nước đầu tàu châu Âu cũng đang lo ngại về các biện pháp trừng phạt Nga. Theo hãng thông tấn Nga Tass, Ủy ban Đức về quan hệ kinh tế Đông Âu cho biết trừng phạt Nga có nhiều rủi ro nghiêm trọng nên các doanh nghiệp Đức mạnh mẽ phản đối bất kỳ hạn có thêm biện pháp cấm vận nào. Ủy ban này cho rằng cần phải tính đến mặt tích cực của việc bãi bỏ các biện pháp trừng phạt để đổi lấy tiến bộ đáng kể trong tiến trình hòa bình ở phía Đông Ukraine.