Từ đầu năm đến nay, lực lượng kiểm lâm tại Vườn quốc gia Mũi Cà Mau đã phá bỏ hơn 300 lò hầm than đước của người dân trong rừng. Công suất mỗi lò hầm than từ 40-60kg/ngày, đồng nghĩa với việc mỗi ngày có hàng trăm cây đước trong Vườn quốc gia Mũi Cà Mau bị đốn hạ.
Theo ông Trần Quốc Tuấn, Giám đốc Vườn quốc gia Mũi Cà Mau, chưa bao giờ rừng đước bị lâm tặc triệt phá nhiều như năm nay. Việc phá rừng đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát của ngành chức năng và địa phương. Những cây đước nhiều năm tuổi bị người dân đốn hạ một cách vô tội vạ để đem về hầm than.
Ông Trần Văn Lẹ, ấp Kênh Đào, xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển, nói: “Chúng tôi ở đây chứng kiến tình trạng phá rừng lấy gỗ hầm than diễn ra từ rất lâu rồi. Khu vực xung quanh đây, nếu nhìn từ bên ngoài thấy cây xanh tốt nhưng bên trong cây lớn bị khai thác gần hết, chỉ còn cây làm củi thôi. Lực lượng kiểm lâm khi phát hiện lò nào phá bỏ lò đó nhưng cũng như “bắt cóc bỏ dĩa” thôi!”.
Ngoài số hộ nghèo khai thác rừng hầm than vì chén cơm manh áo, một số đối tượng khác cũng lợi dụng sự sơ hở của ngành kiểm lâm để hạ sát rừng đước. Những người làm nghề hầm than trái phép có thể hoạt động đơn lẻ hoặc theo nhóm. Cách họ làm là sau khi chọn được địa điểm thì đốn gỗ đước xung quanh đó và đắp lò đốt lửa hầm than tại chỗ. Sau đó bỏ đi tìm nơi khác tiếp tục khai thác và đắp lò mới chứ không ở lại đợi. Chỉ khi nào họ đi xong một lượt, đoán than đã chín mới quay trở lại lò cũ mang than về.
Nếu bị kiểm lâm phát hiện và phá bỏ một vài lò thì họ vẫn còn những lò khác gỡ gạc lại. Lực lượng kiểm lâm chỉ có “chạy theo” những đối tượng trên chứ không thể chủ động phát hiện và ngăn chặn kịp thời.
Trong khi đó, việc tuần tra, kiểm soát và xử lý tình trạng đắp lò hầm than trái phép gần như vượt quá tầm kiểm soát của lực lượng kiểm lâm nơi đây. Ông Lê Quốc Chọn, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm Cái Đôi, than thở: “Bây giờ những đối tượng này chuyển sang hình thức khai thác cũng tinh vi hơn. Trước dùng búa, nhưng nay đã chuyển sang sử dụng cưa máy. Hơn nữa, những đối tượng này nắm bắt thông tin rất nhanh, khi có kiểm lâm sắp đi kiểm tra, họ đã biết trước và lấy than chuyển đi”.
Hiện Vườn quốc gia Mũi Cà Mau có 8 trạm kiểm lâm (với 4 người/trạm) và một đội kiểm tra lưu động. Tuy nhiên, số trạm kiểm lâm như thế quá ít so với diện tích rừng của Vườn quốc gia Mũi Cà Mau. Tính ra, một kiểm lâm viên phải đảm nhận bảo vệ 500ha rừng.
Vườn quốc gia Mũi Cà Mau nằm trong khu dự trữ sinh quyển thế giới, được UNESCO công nhận vào năm 2009, với tổng diện tích 41.000ha, diện tích có rừng 8.000ha và rừng ở đây đang kêu cứu từng ngày vì sự tàn phá của chính bàn tay con người. Nếu không được sự quan tâm đúng mức, đồng bộ của các cấp, ngành, tình trạng phá rừng kéo dài sẽ dẫn đến những hệ lụy về môi trường như nước biển dâng, sạt lở đất và đến một lúc nào đó rừng đước sẽ chỉ còn trơ trọi cây con.
NHÓM PV