Sản xuất và đầu ra lúa gạo đang đối diện với nhiều thách thức cam go: Vùng trồng lúa chủ lực ĐBSCL vắng lũ, thiếu phù sa, hạn - mặn nghiêm trọng. Trong khi đó, đầu ra hạt gạo bị cạnh tranh khốc liệt và thị trường có xu hướng co hẹp. Chuyện dự báo thị trường tiêu thụ kèm theo khuyến cáo diện tích trồng lúa ở mức nào để cân đối giữa cung - cầu là cực kỳ quan trọng.
Vắng lũ, thiếu phù sa!
Sắp bước vào trung tuần tháng 10-2016 (nhằm tháng 9 âm lịch) nước lũ về muộn, nhưng không khả quan hơn một vài năm gần đây. Kế hoạch tăng diện tích lúa thu đông (lúa vụ 3), để bù đắp lại diện tích lúa đông xuân và hè thu bị thiệt hại do hạn mặn gây ra (hơn 200.000ha) của Bộ NN-PTNT coi như thất bại. Khi diện tích lúa thu đông bị dịch bệnh hoành hành. Cụ thể, theo Bộ NN-PTNT, trong năm 2016, vùng ĐBSCL gieo sạ hơn 4,2 triệu ha, năng suất lúa 5,86 tấn/ha, sản lượng khoảng 25 triệu tấn, giảm 700.000 tấn so với năm 2015.
Nông dân huyện Vị Thủy - Hậu Giang thu hoạch lúa
Trong khi đó, khả năng xảy ra hạn mặn nghiêm trọng trong thời gian tới ở ĐBSCL là khó tránh khỏi. Bộ NN-PTNT nhận định: Gần 349.000ha lúa đông xuân 2016-2017 ở ĐBSCL có khả năng bị ảnh bởi hạn mặn, chiếm 21,9% diện tích. Trong đó, các địa phương bị ảnh hưởng nặng nhất là các tỉnh: Bến Tre, Trà Vinh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu... Nông dân sẽ gặp nhiều khó khăn do lệ thuộc nhiều từ nguồn nước thượng nguồn sông Mê Công đổ về. Theo đó, sẽ làm cho năng suất, sản lượng lúa giảm đáng kể nếu không có biện pháp ứng phó kịp thời. “Hạn và mặn có khả năng xuất hiện từ tháng 12-2016, kéo dài đến cuối tháng 5-2017. Các vùng ảnh hưởng nặng là Gò Công (Tiền Giang), Nam Măng Thít (Trà Vinh), Long Phú (Sóc Trăng), Bán đảo Cà Mau…” - ông Tăng Đức Thắng, Phó Giám đốc Viện Khoa học Thủy lợi Việt Nam nhận định.
Trong khi đó, nhiều địa phương bị hạn mặn “quét qua” đã lần lượt giảm diện tích đất trồng lúa. Theo ông Cao Văn Hóa, Phó giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang: “Sau đợt hạn mặn vừa qua, tỉnh đã mạnh dạn chuyển đổi nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cỏ nuôi dê, nuôi bò và khoanh vùng 1.000ha không làm lúa vụ 3 để gieo sạ vụ đông xuân sớm. Ngoài ra, ở một số vùng tỉnh đã định hướng đến 2020 sẽ không sản xuất 3 vụ trong năm”. Theo Sở NN-PTNT các tỉnh, thành ĐBSCL, trong vụ thu đông, toàn vùng đã chuyển đổi 8.439ha đất lúa sang cây màu và cây ăn trái. Đây được xem là một hướng sản xuất phù hợp với bối cảnh hiện nay. “Nông dân trồng lúa đang gặp nhiều khó khăn. Vì vậy, các cơ quan có liên quan cần nghiên cứu, giám sát chặt tình hình khí tượng thủy văn xem nơi nào có nguy cơ mặn cao trong thời gian tới để đưa ra khuyến cáo sản xuất lúa kịp thời, hợp lý, giảm tối đa thiệt hại do hạn mặn gây ra…” - Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh nhấn mạnh.
Cân đối cung - cầu!
Tình hình xuất khẩu gạo trong 9 tháng đầu năm 2016 của Việt Nam là một “gam tối” trong vài năm trở lại đây. Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản truyền đạt ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đẩy mạnh thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa. Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ NN-PTNT chủ trì, phối hợp với Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) rà soát tình hình thu mua, tiêu thụ lúa gạo hàng hóa, đề xuất giải pháp cụ thể, tích cực nhất để thu mua lúa gạo, tập trung ở vùng ĐBSCL. Được biết, có thể trong ngày hôm nay (10-10) các ngành hữu quan sẽ họp bàn để tìm kiếm giải pháp cho đầu ra lúa gạo.
Theo Bộ NN-PTNT, trong tháng 9 năm 2016, lượng gạo xuất khẩu ước đạt 396.000 tấn với giá trị đạt 176 triệu USD. Như vậy, khối lượng xuất khẩu gạo 9 tháng ước đạt 3,76 triệu tấn, với 1,69 tỷ USD, giảm 16,4% về khối lượng và giảm 12,5% về giá trị so với cùng kỳ năm 2015. Một lãnh đạo VFA cho biết: Điều đáng lo ngại là hiện nay lượng nhập khẩu gạo từ thị trường Trung Quốc giảm mạnh (trong khi rất nhiều doanh nghiệp chăm bẩm vào thị trường này). Trong khi đó, các đối thủ cạnh tranh xuất khẩu gạo của Việt Nam như: Ấn Độ, Thái Lan, Pakistan đều đẩy mạnh xuất khẩu tạo ra sự cạnh tranh gay gắt. Tổng lượng gạo xuất khẩu đến đầu tháng 9-2016 của 5 nước (Ấn Độ, Thái Lan, Việt Nam, Pakistan và Mỹ) là 21,38 triệu tấn. Trong đó, xuất khẩu gạo Ấn Độ dù giảm 15,63% nhưng vẫn đang chiếm ngôi đầu với 6,9 triệu tấn. Riêng Thái Lan sau khi chủ trương “xả kho gạo” đã xuất 6,4 triệu tấn tăng 3,28%; Pakistan xuất 2,57 triệu tấn, tăng 2,54% so với cùng kỳ…
ĐBSCL với sản lượng ước đạt trên 25 triệu tấn lúa trong năm 2016. Trên cơ sở này, VFA cân đối nguồn xuất khẩu gạo có thể lên 7,58 triệu tấn. Tuy nhiên, theo tính toán của những người kinh nghiệm, VFA chỉ có thể xuất khẩu khoảng 1,2 triệu tấn trong quí IV, tính chung thì ngưỡng xuất khẩu chính ngạch của Việt Nam chỉ khoảng 5 triệu tấn năm 2016. Như vậy, có thể nói áp lực tìm đầu ra cho hạt gạo rất lớn trong bối cảnh gay gắt. Thực tế, Campuchia có vài chục ngàn tấn xuất vào thị trường châu Âu nhưng không chịu thuế. Riêng ở Việt Nam phải chịu khoảng 150 - 180USD/tấn. Một lãnh đạo VFA, cho biết: Hiện nay chất lượng gạo Việt Nam được cải thiện rất tốt. Gạo Việt Nam được ghi rõ nguồn gốc và được nhiều nước nhập khẩu với nhiều nhãn hiệu khác nhau. Điều lo lắng hiện nay là các doanh nghiệp xuất khẩu gạo khó tìm đầu ra. Trong bối cảnh như vậy, việc VFA xác định lại các phân khúc xuất khẩu gạo (gạo cao cấp, gạo thơm, gạo hạt dài, gạo có phẩm cấp trung bình…) là rất quan trọng, nhằm đáp ứng tốt cho từng phân khúc thị trường khác nhau. Trên cơ sở này sẽ định lượng đưa ra khuyến cáo cân đối hợp lý diện tích trồng lúa - nhất là đối với khu vực vựa lúa ĐBSCL. Nếu không nông dân “một nắng hai sương” vất vả làm ra hạt lúa trong điều kiện hạn mặn ngày càng khốc liệt, nhưng cuối cùng vẫn phải chịu cảnh thua lỗ vì… lúa!?
Cao Phong