Vượt sông ra biển

“Xuồng Cần Thơ”, loại xuồng năm lá mà dân miền Tây quen thuộc xuất xứ từ chính làng nghề này. Nhưng nay, họ năng động hơn, bước ra biển lớn.
Vượt sông ra biển

“Xuồng Cần Thơ”, loại xuồng năm lá mà dân miền Tây quen thuộc xuất xứ từ chính làng nghề này. Nhưng nay, họ năng động hơn, bước ra biển lớn.

Làng nghề xưa

“Ngay những người cao tuổi nhất cũng không nhớ nghề đóng ghe xuồng có từ bao giờ, làng nghề có hơn trăm tuổi lận”, ông Bảy Thoa hơn 70 tuổi ở thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang) nói vậy. Từ đầu thế kỷ XX, khi mỗi bước chân cư dân đồng bằng “chạm mép nhà đã đạp nước” thì nghề đóng ghe xuồng bắt đầu phát triển. Người ta dùng ghe xuồng đi mua bán, thu hoạch nông sản, đánh bắt tôm cá trên sông cho đến đi thăm người quen, giỗ chạp, ma chay, cưới xin… Làng nghề Ngã Bảy trải dài hơn cây số, suốt từ đầu doi Tân Thới Hòa tới doi Chành, doi Cát với mấy trăm hộ ăn nên làm ra. Vùng ĐBSCL có nhiều làng nghề đóng ghe xuồng  nhưng sách xưa khẳng định nổi tiếng nhất vẫn là ở Ngã Bảy nhờ “ăn theo” sự sung túc, nhộn nhịp của chợ nổi bảy ngã danh tiếng.

Ông Nguyễn Văn Lộc trong trại đóng tàu

Vào những năm 1940, làng nghề Ngã Bảy chỉ đóng ghe xuồng phục vụ dân chài lưới, đi câu, vận chuyển lúa gạo, thủy sản, trái cây... Trước năm 1954, phương tiện máy móc còn ít, thợ tại đây đóng ghe chèo rồi đò đạp, đò dọc đưa rước khách đi lại. Ghe đóng ở đây chủ yếu là ghe nhỏ (tam bản, xuồng lá…) nhưng “có danh có phận” khắp đồng bằng nhờ kiểu dáng thanh mảnh, mũi nhọn, nhảy sóng tốt, luồn lách tận những rạch, xẻo nhỏ. “Xuồng Cần Thơ”, loại xuồng năm lá quen thuộc xuất xứ từ chính làng nghề này. Đã có hàng trăm, hàng ngàn xuồng câu, ghe xuồng ra đời từ đây lênh đênh trên sông nước Cửu Long.

Đến sau giải phóng 1975, nơi đây vẫn có trên 100 trại đóng ghe xuồng. Và trở thành nghề cha truyền con nối, có gia đình truyền tới 3 - 4 thế hệ. Khoảng chục năm trước, đầu mùa lũ, khách Cà Mau, Bạc Liêu, Kiên Giang… vẫn đến đặt hàng, thợ đóng ì xèo suốt đêm.

Vượt sông ra biển

Theo thời gian, những chiếc ghe xuồng bằng gỗ được thay bằng chất liệu mới (composit…) nhưng nay lộ làng phát triển, nguồn thủy sản ít đi, nguyên liệu gỗ khó khăn hơn khiến làng nghề không “sung” như trước, giảm sút rõ rệt. Nhưng khát vọng vượt khó của người dân Ngã Bảy lại mãnh liệt lắm. Và cả sự nhạy cảm, năng động trước biến động thị trường. Nhiều hộ chuyển sang đóng ghe tàu lớn phục vụ du lịch và tàu đi biển.

“Xuống Hiệp Thành gặp Ba Lộc sẽ rõ. Ông ta đóng tàu biển nhiều năm rồi”, Trưởng ban Tuyên giáo thị xã Ngã Bảy Nguyễn Văn Phil nói vậy. Ba Lộc (Nguyễn Văn Lộc), chủ trại ghe “Đức Thành” dáng người mập mạp, nói năng từ tốn. Trại ghe nằm sát con rạch lớn, những cây gỗ dài hơn chục mét, tròn lẳn, đen kịt ngổn ngang ngay cầu tàu. Ông Ba Lộc vừa giao 10 chiếc tàu du lịch cho Cần Thơ, lại nhận đơn đặt hàng 30 chiếc chở khách đi lặn biển của du lịch TPHCM. Loại cho Cần Thơ dài trên 33m có 18 phòng chở khách dọc sông Mê Công. 

Chỉ chiếc tàu cao nghều nghệu 4 - 5m, Ba Lộc nói “Đây là tàu đi biển. Chiếc này dài trên 25m ngang 7,5m, trị giá hơn 2 tỷ đồng sẽ hoàn thành trong 3 tháng với hơn 10 người thợ. Ba tôi trước đóng tam bản nhưng thời bây giờ sông phải hòa biển lớn mới lên được. Kỹ thuật đóng tàu vượt biển đòi hỏi tay nghề cao hơn, nội cái mũi tàu cũng khác, loại chạy gần bờ “hớt cá cơm” chỉ cần mũi thấp. Công suất tàu biển phải từ 400CV trở lên, “chiếc đang đóng 700CV chạy máy 10 đó anh”.  Mấy năm chuyển sang đóng tàu biển, Ba Lộc đã hạ thủy cả trăm cái cho dân đi biển Cà Mau, Kiên Giang, Bạc Liêu, Bến Tre… “Ngư dân Cà Mau đang đề nghị đóng khoảng 10 tàu lớn đi biển phục vụ  theo Nghị định 67”, Ba Lộc phấn khởi kể.

Làng nghề Ngã Bảy không chỉ có trại Đức Thành chuyển sang đóng tàu biển. Tại Kiên Giang còn có 3 căn cứ đóng tàu vỏ sắt đi biển ở Tắc Cậu, Rạch Sỏi và An Hòa...  

“Bớt chút đỉnh được không anh. Mỗi lần tôi lấy cả ngàn khối mà?”- Ba Lộc “a lô” với anh bạn ngoài miền Trung - “Nội cái tàu 25m này đã cần đến 150m³ gỗ sến, 1m³ xấp xỉ 10 triệu đồng đó anh”. Ở làng nghề này, tiếng búa gõ vô mạn tàu tuy ít đi nhưng ghe xuồng trên chợ nổi Ngã Bảy vẫn giăng giăng. Trên biển Tây Nam ngày ngày vẫn có những đoàn tàu vượt biển ra khơi xa; vừa phát triển kinh tế, vừa góp phần khẳng định chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Dân đồng bằng là vậy, thách thức càng lớn thì nỗ lực càng nhiều. Dễ gì mất được cái nghề khi sông nước vẫn mênh mang, cuồn cuộn trôi ra biển lớn.

VŨ THỐNG NHẤT

Tin cùng chuyên mục