- Diện mạo nông thôn mới
Cuối năm 2009, Tân Hội (Đức Trọng, Lâm Đồng) là một trong 11 xã của cả nước và cũng là xã đầu tiên của Tây Nguyên được chọn thí điểm xây dựng mô hình nông thôn mới. Qua hai năm triển khai xây dựng nông thôn mới, đến nay, xã đã cơ bản hoàn thành các tiêu chí (18/19) về giao thông, thủy lợi, điện, bưu điện, chợ, trường học, trạm y tế, sản xuất, thu nhập…
Trong hai năm, nhân dân trong xã đã đóng góp hàng chục tỷ đồng, hàng ngàn ngày công lao động, kiên cố hóa gần 40km (80%) đường giao thông trên địa bàn, xây dựng các công trình đèn chiếu sáng, vỉa hè, cây xanh ở khu vực trung tâm. Tỷ lệ hộ dùng điện thường xuyên, an toàn đạt trên 98%. Tất cả 8/8 thôn đều đạt văn hóa cấp tỉnh, cấp huyện, có hội trường, có sân bóng chuyền; trung tâm xã có nhà thi đấu thể thao, sân bóng đá, có thư viện, phòng đọc sách (cũng là trung tâm học tập cộng đồng của xã).
Xã có hàng chục đội bóng đá thanh niên, bóng đá nhi đồng, đội bóng chuyền, các CLB bóng bàn, võ thuật, dưỡng sinh, đội văn nghệ quần chúng và cả khiêu vũ.
Tân Hội đặc biệt ấn tượng về phát triển kinh tế và tổ chức sản xuất. Kinh tế Tân Hội đang chuyển mạnh sang sản xuất hàng hóa, cà phê, kén tằm, cây rau màu được xác định là những sản phẩm chủ yếu và được tập trung đầu tư lớn. Các hộ nông dân đã dần tiếp cận và mạnh dạn ứng dụng công nghệ cao (CNC) trong sản xuất. Bà con biết trồng cà phê bằng phương pháp ghép chồi, chọn giống cà phê chất lượng cao, biết trồng cây ăn trái lâu năm trong vườn cà phê để che bóng, vừa cải tạo đất, hạn chế nước tưới, biết xử lý vỏ cà phê bằng phương pháp lên men để làm phân vi sinh, giảm chi phí, giảm ô nhiễm môi trường…
Toàn xã có 16 mô hình rau hoa CNC, 32 mô hình trồng nấm mèo, 32 mô hình chuối laba, 12 trang trại nuôi heo gà, một số mô hình trồng dâu tằm, ươm cây giống, nuôi ếch, ba ba… cho hiệu quả kinh tế cao. Bình quân giá trị sản xuất từ các mô hình nông nghiệp CNC tới 0,7 tỷ đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 0,4 - 0,5 tỷ/ha/năm. Có những mô hình cho lợi nhuận từ 0,7 - 1 tỷ đồng/ha/năm như mô hình trang trại heo gà, trồng ớt ngọt... Tính chung toàn xã, giá trị sản xuất bình quân đạt 112 triệu đồng/ha/năm, lợi nhuận bình quân 74 triệu đồng/ha/năm; thu nhập bình quân đầu người đạt 26 triệu đồng/năm (tăng 1,55 lần/2009).
Bài học dân chủ ở nông thôn
Ông Nguyễn Mậu Thế, Bí thư Đảng ủy xã Tân Hội cho biết, đến nay, bà con rất tin tưởng, phấn khởi tham gia đóng góp công sức, tiền của, đất đai để đối ứng, mạnh dạn vay vốn sản xuất, nâng cao thu nhập. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Trọng Tuyên tâm đắc nhất là bài học về phát huy dân chủ ở nông thôn. Kinh nghiệm của Tân Hội cho thấy phải thực hiện tốt phương châm: dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra.
Ở đây, người dân được biết, được bàn, được tự chọn nhóm thợ, được kiểm tra, giám sát thực hiện và là người được thụ hưởng. Anh Tuyên cho biết, thời gian đầu, xã cũng gặp khó khăn trong việc huy động sức dân, nhưng khi bà con đã thông rồi thì rất thuận lợi, thuận lợi hơn cả mong đợi ban đầu. Ví dụ, giao thông trục xã nhựa hóa, được nhà nước hỗ trợ 100%, đường trục thôn bê tông xi măng nhà nước 70 / nhân dân 30, đường cấp phối ngõ xóm 50/50, đường cấp phối nội đồng nhà nước 70 / nhân dân 30.
Sau 2 năm, Tân Phú đã xây dựng được tuyến đường 4km cấp 4 (MN) từ trung tâm xã đến cuối thôn và 10 tuyến đường nhỏ khác. Trong 2 năm, bà con trong thôn đã đóng góp đối ứng xây dựng các tuyến đường bê tông và cấp phối 1,3 tỷ đồng, 1.100 công lao động. Đời sống được cải thiện, tình làng nghĩa xóm gắn kết, an ninh trật tự được bảo đảm, mọi người đều bảo nông thôn thế này có kém gì phố thị.
BÍCH HIỀN