Xác định nạn nhân vụ đánh bom Brussels

Những người thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích ở Brussels bắt đầu được người thân và  chính phủ xác định. Nạn nhân thiệt mạng được xác định đầu tiên là một phụ nữ người Peru có chồng người Bỉ.
Xác định nạn nhân vụ đánh bom Brussels

(SGGPO).- Những người thiệt mạng, bị thương hoặc mất tích ở Brussels bắt đầu được người thân và  chính phủ xác định. Nạn nhân thiệt mạng được xác định đầu tiên là một phụ nữ người Peru có chồng người Bỉ.

The Guardian cho biết, đến 12 giờ ngày 23-3 (giờ VN), có 31 người được xác định đã chết, gồm 11 người tại sân bay Zaventem, còn lại tại ga tàu điện ngầm Maelbeek và khoảng 230 người bị thương, gồm cả người Bỉ và nước ngoài.

Nạn nhân thiệt mạng được xác định đầu tiên là Adelma Tapia Ruiz, 36 tuổi, đã sống ở Brussels 6 năm. Anh của Ruiz, Fernando Tapia Coral cho biết, cô cùng chồng, Christopher Delcambe, người Bỉ, ra sân bay tiễn các người thân của chồng. Ngay trước vụ nổ, Delcambe đi theo 2 con gái sinh đôi 4 tuổi của họ ra ngoài khu vực cổng sảnh để chơi. Sau vụ nổ, Delcambe bị thương và đã không thể tìm thấy Ruiz.

Adelma Tapia Ruiz, 36 tuổi, người Peru, nạn nhân thiệt mạng được xác định đầu tiên. Ảnh Facebook.

Trong số hàng trăm người bị thương, có ít nhất 8 công dân Pháp, trong đó có 3 người bị thương nặng, theo một phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Pháp. Tuy nhiên người này cảnh báo rằng con số thương vong còn thay đổi khi tình hình liên tục tiến triển.

Có 3 người Italia bị thương nhưng không nặng, theo Đại sứ quán Italia tại Bỉ. Trong số người bị thương có 2 người Anh, 2 người Colombia và 1 người Ecuador, chính phủ của họ cho biết.

Sebastian Bellin, quốc tịch Brazil-Bỉ, cầu thủ của đội Đại học Oakland ở Michigan, Mỹ, bị thương nặng ở chân khi đang xếp hàng tại một quầy check-in. Cha anh, Jean Bellin nói với CNN, sức mạnh của vụ nổ đã ném cầu thủ cao 1,8m này lên không và rớt xuống sàn với các mảnh bom găm vào chân trái và hông phải. Hình ảnh anh nằm trên sàn sân bay lan rất nhanh trên báo chí Bỉ và bạn bè gia đình ở Bỉ đã liên lạc báo tin cho ông lúc 4 giờ sáng ở California, Mỹ.

Cầu thủ Sebastien Bellin bị thương nằm chảy máu trên sàn sân bay Zaventem suốt 1 giờ sau vụ đánh bom. Ảnh: Facebook

David Dixon, một người Anh làm việc cho British Airways tại Brussels, đã mất tích sau khi không đến làm việc vào sáng 23-3 và anh cũng không liên lạc với gia đình từ sau vụ đánh bom. Người thân và bạn bè cho biết Dixon đã ở trên tàu điện ngầm Brussels trong khoảng thời gian xảy ra vụ đánh bom.

Cặp vợ chồng Andre và Danielle Adam đang ở trong phòng chờ khởi hành của sân bay thì xảy ra vụ đánh bom. Con gái lớn của họ Gigi Adam lúc đầu cho rằng cha mẹ mất tích nhưng sau đó đã tìm thấy mẹ trong một bệnh viện ở Flanders, còn cha vẫn không có tin tức.

Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết đang tìm kiếm một "con số rõ ràng" công dân Mỹ mất tích sau vụ đánh bom và không công bố con số cụ thể. Tuy nhiên, một số hãng tin đã cho biết số thương vong dựa trên thông tin từ các gia đình.

Giới chức Giáo hội Mormon cho biết, có 4 nhà truyền giáo người Mỹ bị thương, trong đó 3 người ở bang Utah là Mason Wells, 19 tuổi; Richard Norby, 66 tuổi, và Joseph Empey, 20 tuổi, bị thương nặng, người còn lại là Fanny Clain, bị thương nhẹ.

Hai nhà truyền giáo Mason Wells và Joseph Empey bị thương trong vụ đánh bom sân bay Zaventem. Ảnh: AP

Có điều trùng hợp là Wells đã có mặt tại Paris vào thời điểm vụ tấn công khủng bố tháng 11-2015 và cũng đứng ở vạch đích giải Marathon Boston khi xảy ra vụ đánh bom khủng bố tháng 4-2013, NY Daily News cho biết.

Trong số người Mỹ bị thương còn có một phi công Không quân Mỹ cùng vợ và 4 con.

Trên các mạng xã hội đang tràn ngập thông tin tìm kiếm người thân và bạn bè mất tích sau vụ đánh bom Brussels.

Hai người sống sót sau vụ đánh bom sân bay, người bên phải được xác định là Nidhi Chaphekar, tiếp viên của hãng hàng không Ấn Độ Jet Airways. Ảnh: Facebook

Bà Carolyn Moore, người Mỹ, ra sân bay trở về nhà sau chuyến thăm con gái và con rể, Stephanie và Justin Shults, theo WKYT. Bà may mắn không bị thương dù bị vụ nổ đẩy bay ra xa, nhưng đã không thể liên lạc được với Stephanie hay Justin, những người không có trong danh sách thương vong.

Hai anh em từ New York là Sascha và Alexander Pinczowski, cũng đang mất tích. Họ đã đến sân bay Brussels vào sáng 22-3 và đã nói chuyện điện thoại với người thân khi tới nơi.

GIA HY

>> Brussels muốn nghe “Tôi an toàn"

>> Đánh bom tự sát hàng loạt ở Bỉ, ít nhất 34 người chết và hơn 230 người bị thương

>> Vụ tấn công Brussels và nguy cơ khủng bố sân bay, nhà ga

>> Các nước châu Âu tăng cường an ninh, hoãn chuyến bay sau nhiều vụ đánh bom ở Bỉ

>> Vụ tấn công Brussels và nguy cơ khủng bố sân bay, nhà ga

>> Bỉ truy nã thủ phạm đánh bom sân bay

>> Ai tấn công Brussels?

>> Các nước châu Âu tăng cường an ninh, hoãn chuyến bay sau nhiều vụ đánh bom ở Bỉ

Tin cùng chuyên mục