Xác định rõ vai trò của giáo viên chủ nhiệm

Cứ mỗi sáng thứ hai, sau tiết sinh hoạt dưới cờ (tiết đầu tuần), các giáo viên chủ nhiệm (GVCN) lại nhận được từ văn phòng nhà trường những tờ “sớ Táo quân” dày cộp gồm: 1- Danh sách các học sinh (HS) vắng có phép, không phép, đi trễ, hoặc vi phạm nội quy như mang dép lê, áo không có phù hiệu, tóc tai xịt keo hay nhuộm màu… để GVCN làm việc với các em. 2- Danh sách HS chưa đóng tiền cơ sở vật chất đầu năm, học phí mỗi tháng. 3- Hội Phụ huynh học sinh (PHHS) đưa danh sách học sinh chưa đóng tiền hội phí. 4- Phòng y tế đưa danh sách HS chưa đóng tiền bảo hiểm y tế, bảo hiểm tai nạn đầu năm. 5- Đoàn Thanh niên đưa danh sách kiểm tra đoàn viên và thu đoàn phí. 6- Hội chữ thập đỏ đưa danh sách yêu cầu thu tiền cứu trợ bão lụt miền Trung…

Chưa kể một số giáo viên bộ môn nhờ GVCN thu hộ tiền in tài liệu học tập cho các em, phòng học vụ nhờ mời PHHS đến để nhắc nhở con em họ là những HS yếu kém đi học phụ đạo cho đều; Phòng học vụ gởi sổ điểm danh nhờ kiểm tra hồ sơ nhập học cho học sinh (lớp 12 thì kiểm tra học sinh nào chưa nộp bằng tốt nghiệp cấp II, bản sao khai sinh…), kiểm tra sổ đầu bài lớp, xem xét và đánh giá các tiết học, ý kiến giáo viên bộ môn phê phán điều gì mà xử lý kịp thời.

Tóm lại là “trăm dâu đổ đầu tằm”! Chỉ với 45 phút đầu tuần, GVCN vừa phải họp với hiệu trưởng nhận thông tin vừa phải giải quyết hàng loạt sự vụ như nêu trên, nên GVCN chúng tôi thường phải dùng giờ lên lớp bộ môn của mình mà xử lý tiếp, vì thế lớp chủ nhiệm luôn luôn bị cháy giáo án! Không phải chúng tôi ngại việc, nhưng xét cho cùng, các công việc trên đều là sự vụ của giám thị, văn phòng học vụ, của các ban ngành khác.

Và điều “đau khổ” nhất đối với GVCN là việc thu tiền học sinh tại lớp! Đưa tay ra cầm tiền do học sinh đưa (thu hộ tiền học thêm của HS) chúng tôi cảm thấy bị mất đi một phần giá trị của người giáo viên, bởi dưới mắt các em HS và cả với PHHS, đây là việc “tiền trao cháo múc”! .

Theo chúng tôi, GVCN có rất nhiều việc phải làm, nhưng không phải là những việc trên. Sao nhà trường không đặt cho GVCN vai trò “khai đạo” cho các em như trước kia “giáo viên hướng dẫn” chúng ta đã làm. Tôi nhớ rất rõ trước đây (trước năm 1975), chúng tôi rất mong giờ giáo viên hướng dẫn sinh hoạt lớp.

Bởi vì trong giờ này, ngoài những vấn đề “thời sự” liên quan đến nhà trường và học sinh, thầy cô còn cung cấp cho chúng tôi những bài học đạo đức rất lý thú – những điều mà chúng tôi nhớ suốt đời. Khi trong lớp có học sinh nào gặp hoàn cảnh khó khăn là thầy cô gợi ý cho chúng tôi thể hiện tinh thần tương thân tương ái, giúp một bạn vượt khó, với tinh thần “lá lành đùm lá rách”.

Cũng có khi thầy cô phải làm quan tòa giúp chúng tôi hòa giải các xích mích nội bộ để chúng tôi hiểu ra thế nào là “gà cùng một mẹ chớ hoài đá nhau”. Chuyện kỷ luật trong lớp, việc thi đua nội bộ lớp, việc đánh giá học sinh cũng được giáo viên hướng dẫn thực hiện một cách nhẹ nhàng và chân tình.

Để GVCN có đủ thời gian thực hiện được vai trò người thầy chủ nhiệm, chúng tôi thiết nghĩ Ban giám hiệu các trường cần xem xét và tổ chức phân công, phân nhiệm GVCN một cách hợp lý hơn. Đừng để chúng tôi vừa giẫm chân các phòng ban khác trong nhà trường vừa phải làm thay HS những việc lý ra các em phải trực tiếp làm (sẽ làm mất tính tự quản của các em) mà lại giảm nhẹ trách nhiệm “trồng người”: giáo dục ý thức đạo đức và kỹ năng sống cho các em.

TRẦN THỊ ĐOÀN (Giáo viên Q.Bình Thạnh)

Tin cùng chuyên mục