PV Báo SGGP bơi hơn 4 giờ đến với đồng bào Rục đang bị đói

Lời khẩn cầu từ thung lũng Rục

“Plời”, tiếng người Rục vùng Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) có nghĩa là “đói”. 600 khẩu ở các bản Ón, Yên Hợp, Mo Ó Ồ Ồ của Thượng Hóa hiện “không còn no cái bụng”. Chuyện đứt bữa kéo dài từ trận lũ bão số 5 đến bão số 6 đã hơn một tháng. Trước tình thế đó, mặc dù nước chưa rút, chúng tôi cũng quyết định gói áo quần, máy móc trong túi nilon để bơi hơn 4 tiếng đồng hồ vào với người dân.
Lời khẩn cầu từ thung lũng Rục

“Plời”, tiếng người Rục vùng Thượng Hóa (huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình) có nghĩa là “đói”. 600 khẩu ở các bản Ón, Yên Hợp, Mo Ó Ồ Ồ của Thượng Hóa hiện “không còn no cái bụng”. Chuyện đứt bữa kéo dài từ trận lũ bão số 5 đến bão số 6 đã hơn một tháng. Trước tình thế đó, mặc dù nước chưa rút, chúng tôi cũng quyết định gói áo quần, máy móc trong túi nilon để bơi hơn 4 tiếng đồng hồ vào với người dân. 

  • Bơi vượt Hung Trâu 
Lời khẩn cầu từ thung lũng Rục ảnh 1

Phóng viên Báo SGGP bên ba khúc gỗ cùng đồng đội bơi vượt Hung Trâu vào với đồng bào Rục

Qua ngày thứ 7, nước vẫn cô lập cả 600 người Rục trong cảnh thiếu, đói. Không kìm được lòng mình, chúng tôi gồm Nguyễn Quang Vinh - phóng viên báo Lao Động, Phan Phương - báo Quảng Bình và tôi quyết định bơi vào vùng đất Rục.

Giữa dòng nước sâu thẳm, chảy mạnh, đoàn người chỉ có 2 chiếc xăm ô tô cùng 3 khúc gỗ là phương tiện bám thân vượt lũ.

Chỉ võ vẽ biết bơi, chúng tôi phải theo chân người dẫn đường Cao Sơn cùng chiến sĩ biên phòng Đinh Hòa dầm mình hơn 4 giờ trong nước lũ rú rừng lạnh giá mới đặt chân được vào thung lũng Rục.

Đoạn đường qua Hung Trâu 2km, nước còn chảy rất mạnh. Rắn rết trên các vách đá dựng đứng thấy người bơi qua cứ treo lủng lẳng rợn cả tóc gáy. Nhiều lúc quá mệt phải níu vào phao hoặc những khúc gỗ lạc nước giữa dòng lũ nghỉ lấy sức, không ai dám bám vào các bụi cây bên vách đá cheo leo vì ở đó rắn rết cùng những đàn kiến càng hàng trăm ngàn con chen nhau.

Bơi hàng giờ liền, ai cũng sức tàn lực kiệt. Người dẫn đường địa phương khỏe mạnh thế, anh bộ đội biên phòng vốn ăn sương mặc gió vậy mà lo cho bản thân cũng vất vả.

Giữa dòng nước lũ, mỗi người ngoài chống chọi với hiểm nguy rình rập xung quanh, còn phải liên kết nhau để bảo đảm an toàn. Tôi chưa bao giờ trải qua cảm giác vọp bẻ chân, nhưng lúc bơi hơn 1km, cả đôi chân lại cứng đơ, đau điếng, đồng nghiệp bơi kề đã đẩy thêm khúc gỗ cho tôi khỏi chìm, sau đó dìu nhau vượt tiếp. Vật lộn mãi rồi cũng đến được bờ bên kia của Hung Trâu. 

  • Thảm cảnh “plời” 
Lời khẩn cầu từ thung lũng Rục ảnh 2

Chị Cao Thị Lài cùng 2 đứa con suy dinh dưỡng bên bếp chẳng đỏ lửa, đang sống bằng mấy củ nhúc, củ mài mới kiếm được.

Phó bản Cao Xuân Tư, người đầu tiên gặp đầu bản Ón đã lao vào chúng tôi ôm chầm lấy rồi nước mắt lưng tròng: “Cán bộ à. Sao bây giờ cán bộ mới lên. Ở đây chẳng ai còn gì ăn. Cả tháng nay hết lũ bão số 5 lại lũ bão số 6. Lũ số 5 rút được hai ngày không có cán bộ vô thăm thì lũ số 6 lên. Bà con đói dồn đói. Chẳng có gì lót dạ được nữa rồi”.

Bản Ón có 55 hộ, 237 nhân khẩu đang đói lả, chẳng nhà nào có nổi hạt gạo. Bà con phải vào rừng đào củ nhúc, củ mài, cây đoác về làm lương thực ăn qua ngày. Mấy ngày đầu còn có thứ để đào. Giờ thì không còn sẵn. Một gia đình gồm hai vợ chồng cộng thêm hai đứa con lực lưỡng luồn rừng ngót cả ngày mới có củ mài, củ nhúc cho bữa ăn gần ổn cái bụng để tồn tại.

Nhà Cao Xuân Hiếu có 7 người, vừa mới đau thương hàn dậy. Căn nhà đông người này hiện chẳng có gì ngoài gia tài to nhất là 3 quả bắp cho 7 người.

Cao Xuân Hiếu thều thào: “Nhà chẳng còn gì. Thiếu quá, cán bộ có chi cho miềng với”. Bên nhà Cao Thị Lài có hai cháu nhỏ, cả tháng nay chẳng có gì lót cái bụng lũ trẻ ngoài mấy mớ nòng nọc vớt từ suối.

Tuy nhiên, nòng nọc hiện cũng đã cạn, Lài đã xì xụp suốt cả ngày mà chẳng đủ cho con bớt đói. Trước đây không có gạo, người Rục lại có sắn, ngô để làm pồi, một thứ lương thực chính.

Nay tất cả không còn, người ta lũ lượt vào rừng kiếm tìm cái ăn. Cái đói làm rệu rã cả mấy trăm con người, con trẻ nheo nhóc khóc thiết vì cái bụng quằn quại.

Bộ đội biên phòng nằm vùng Trần Ngọc Lĩnh thấy không còn cách nào khác đã xuất 2 bao gạo cuối cùng của đơn vị để nấu cháo cho lũ trẻ húp đỡ. Hiện tại, ở đây có thức gì ăn được, người lớn phải cầm chừng, mọi khẩu phần đều nhường cho con trẻ, tránh những cái chết nheo nhóc do đói.

Chúng tôi nhận là những cán bộ đầu tiên đến đây sau 2 trận lũ lớn. Người Rục bị cô lập cả tháng nay nhưng không có cán bộ nào vào trừ đoàn nhà báo. Không chỉ bản Ón đói gạo, đói dầu, đói điện, đói sự quan tâm... mà các bản Yên Hợp, Mo Ó Ồ Ồ cũng chung tình cảnh. 

  • Trung thu muộn dưới núi Cà Rung 

Trong hành trình bơi vào Rục, biết các cháu nhỏ không có được Trung thu tròn trịa, cả đoàn cố mang theo ít kẹo bánh cho lũ trẻ thiệt thòi.

Vì nước lũ nguy hiểm, kẹo bánh mang theo không được nhiều. Tuy nhiên khi chúng tôi phát quà Trung thu muộn cho các cháu thì ai cũng vui đến chảy nước mắt. Cô giáo Đinh Thị Thu Hà, vợ bộ đội Lĩnh đã bật khóc thấy lũ trẻ lấp lánh ánh mắt mừng Trung thu muộn.

Nhìn những đứa trẻ mặt lấm lem bùn đất hồn nhiên nhận kẹo, hồn nhiên thưởng thức làm cho đoàn người không một ai dồn nén được cảm xúc. Cháu Cao Minh Trí nói: “Mấy năm trước năm mô cũng có Trung thu. Năm ni đêm trăng tròn bọn cháu không có quà. Chừ nhận được kẹo bánh buổi ngày sau Trung thu cũng vui lắm bác à”.

Không chỉ lũ trẻ thiếu Trung thu mà người dân nơi đây còn thiếu sự quan tâm chăm sóc từ địa phương. Cả tháng trời bị ngăn trở bởi lũ lụt dữ dội, người Rục đã phát bệnh lỵ, thương hàn. Số thuốc dự trữ từ trạm y tế đã cạn kiệt.

Nước sạch cũng là vấn đề nhức nhối khi ở bản Ón chẳng có dòng nước nào hợp vệ sinh. Với tình hình như vậy, không lý gì địa phương lại đứng ngoài nhìn vào. Cần một cuộc cứu trợ lớn, khẩn cấp cho đồng bào nơi đây.

DƯƠNG MINH PHONG

Báo SGGP cứu trợ khẩn cấp 30 triệu đồng
mua gạo cho đồng bào Rục 

Ngay sau khi nhận được tin đồng bào Rục ở xã Thượng Hóa, huyện Minh Hóa, Quảng Bình thiếu đói hơn một tháng do lũ lụt, Báo SGGP đã chuyển gấp 30 triệu đồng ra Quảng Bình nhằm mua gạo cứu trợ đồng bào Rục. Chiều hôm qua 8-10, Hội Chữ thập đỏ Quảng Bình đã nhận phối hợp với Báo SGGP chuyển gạo từ miền xuôi lên cho đồng bào Rục trong thời gian sớm nhất để đồng bào có cơm ăn, chấm dứt cái đói kéo dài hơn một tháng qua.

Tin cùng chuyên mục