Giới hạn giờ chơi game

Giới hạn giờ chơi game

Năm mới cũng là thời điểm mà tất cả các game online tại Việt Nam phải thực hiện giới hạn giờ chơi. Chúng tôi đã có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá và Giám đốc Sở BC-VT TPHCM Lê Mạnh Hà về quyết định thiết lập trật tự trong kinh doanh trò chơi trực tuyến - sự kiện được bầu vào 1 trong 10 sự kiện của CNTT-VT năm 2006 và về định hướng phát triển của ngành CNTT-VT tại TPHCM trong năm 2007.

Giám đốc Sở BC-VT TPHCM Lê Mạnh Hà: Chúng tôi sẽ tiếp tục làm và chịu trách nhiệm

Giới hạn giờ chơi game ảnh 1

- Phóng viên: Năm vừa qua, những ai quan tâm đến IT đều biết Sở BC-VT TPHCM đã thực hiện một khối lượng rất lớn: triển khai tăng cường ứng dụng CNTT tại các quận-huyện, sở-ngành. Tăng cường thanh kiểm tra, chấn chỉnh các hoạt động viễn thông, Internet, tăng cường hợp tác với 16 sở BC-VT trong khu vực phía Nam, thậm chí hợp tác với doanh nghiệp qua ký kết với tập đoàn IDG. Có một con số thống kê ngắn gọn nào về những công việc đã làm trong năm qua không? Ông có thấy tự hào khi nhìn lại những con số đó?

- Giám đốc Sở BC-VT LÊ MẠNH HÀ:
Chúng tôi đã triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý nhà nước khá nhiều trong năm qua. Theo tính toán của chúng tôi, cuối năm 2006 có 22/24 quận-huyện thực hiện đầu tư ứng dụng đồng bộ, 15 đơn vị tham gia cung cấp tình trạng hồ sơ hành chính cho dân thông qua hệ thống “một cửa điện tử” 1900 545 444. Ở cấp quận, chúng tôi đã triển khai 17 phần mềm đại trà, ở cấp phường chúng tôi triển khai diện rộng 2 phần mềm quản lý hộ tịch và phần mềm kế toán, đồng thời triển khai thí điểm 4 phần mềm tại các phường của quận Bình Thạnh, quận 1.

Nói đến các công việc mà Sở BC-VT đã làm trong năm 2006 thì không thể nói ngắn gọn được. Tôi cho rằng trong các việc sở đã làm được, triển khai các phần mềm để tăng cường, tạo bước đột phá trong ứng dụng CNTT là điều đáng tự hào nhất. Việc tăng cường các ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước giúp cho người dân bớt khổ vì những thủ tục hành chính giấy tờ xưa nay.

- Năm 2006 Sở BC-VT TPHCM đã có nhiều quyết định táo bạo, dũng cảm. Có một quyết định đang gây rất nhiều tranh luận là việc thực hiện giới hạn giờ chơi game online bắt đầu áp dụng cho tất cả các game online từ hôm nay. Ông có mệt mỏi vì mình lại phải đương đầu với áp lực dư luận?

- Với tôi, pháp luật, trách nhiệm với xã hội phải được đặt lên hàng đầu. Tôi sẽ chịu áp lực rất lớn từ bản thân mình khi phát hiện hành vi vi phạm mà không xử lý. Việc đúng và sai phải được phân định theo pháp luật. Trong sự kiện này, dư luận có khá nhiều chiều, chúng tôi không thể theo dư luận, chúng tôi là quản lý nhà nước, phát hiện vi phạm thì phải xử lý. Tôi sẵn sàng chịu trách nhiệm về quyết định của mình.

- Kế hoạch, mục tiêu của Sở BC-VT TPHCM trong năm 2007 này là gì, thưa ông?

- Chúng tôi tiếp tục triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để đạt con số 100% tại các quận-huyện, sở-ngành. Hoàn thiện thiết kế kiến trúc CNTT TPHCM trên cơ sở hệ thống thông tin được xây dựng năm 2005 – 2006. Triển khai áp dụng chữ ký số đối với các văn bản luân chuyển trên mạng tại các sở- ngành trên địa bàn thành phố.

Tập trung thúc đẩy ứng dụng thương mại điện tử trong các cơ quan nhà nước như dịch vụ công trực tuyến, hải quan điện tử, cấp phép, đăng ký kinh doanh qua mạng. Chúng tôi thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp CNTT, đẩy mạnh ứng dụng CNTT và tăng cường quản lý chất lượng CNTT hơn nữa trong năm tới.

Bộ trưởng Bộ BC-VT Đỗ Trung Tá: Nếu bất cập sẽ sửa

- Phóng viên:
Bộ trưởng có ý kiến gì về việc Sở BC-VT TPHCM xử phạt và cấm một số doanh nghiệp cung cấp dịch vụ game online (GO) hoạt động vì đã không thực hiện đúng Thông tư 60?

Giới hạn giờ chơi game ảnh 2

- Bộ trưởng ĐỖ TRUNG TÁ: Xét từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước ở địa phương thì việc làm của Sở BC-VT TPHCM là rất nghiêm túc. Bản thân các dịch vụ như chat, GO… tất cả các nước trên thế giới đều xem xét nó là một loại hình dịch vụ cần phải quản lý.

Nếu không, nó sẽ tàn phá cả một thế hệ. Bản thân những dịch vụ gia tăng trên Internet đó cũng gây nghiện và nó cũng ảnh hưởng trực tiếp đến trí não, tinh thần, sức khỏe của những người đam mê nó, nhất là ở lứa tuổi thanh thiếu niên. Chính vì vậy, việc quản lý GO là tất yếu và Thông tư 60 ra đời vì mục tiêu đó.

Về mặt kinh doanh, không hề có chuyện kìm kẹp, gây khó dễ cho các doanh nghiệp. Đó cũng là một loại hàng hóa và xuất phát từ nhu cầu giải trí của xã hội. Tuy nhiên ở mình, yêu cầu về sự quản lý và ý thức chấp hành, phối hợp để thực hiện các quy định pháp luật là gần như không được chấp hành một cách nghiêm túc… Đây chính là điểm mà buộc các cơ quan quản lý phải thực hiện một cách kiên quyết. Chúng ta ủng hộ sự phát triển của các doanh nghiệp cũng như ngành công nghiệp GO đang có rất nhiều tiềm năng, nhưng không có nghĩa là thả lỏng để ai muốn làm gì cũng được…

- Nhưng có vẻ như chúng ta đang còn lúng túng trong việc quản lý GO?

- Đúng là những quy định của chúng ta chưa thể bao quát, chi tiết được tất cả. Xu thế hội nhập, tích hợp của các công nghệ với tốc độ rất nhanh đã làm cho các cơ quan quản lý có phần lúng túng. Chính vì vậy mới có chuyện cấm rồi, nhưng sau lại phải chờ hướng dẫn xử lý của Bộ. GO hiện cũng nằm trong tình trạng chung của việc quản lý Internet hiện nay. Chính vì vậy, chúng ta vẫn đang tiếp tục hoàn thiện các công cụ quản lý và tiếp tục nhắc nhở các doanh nghiệp chứ chưa đến mức quá lắm.

Thực ra Thông tư 60 qua sự phản ánh của báo chí và ý kiến của các doanh nghiệp thì đúng là còn một số bất cập. Bộ đang thực sự lắng nghe, để nhìn nhận mọi vấn đề liên quan, nếu thực sự có những vấn đề cần chỉnh sửa, thì bộ sẽ đề nghị những cơ quan chức năng nghiên cứu sửa đổi cho phù hợp với thực tế. Trong thực tế xảy ra điều gì thì chúng ta tiếp tục nghiên cứu để hoàn thiện. Còn tại thời điểm này, đề nghị các doanh nghiệp tuân thủ đầy đủ Thông tư 60. 

MINH TÚ – TRẦN LƯU

Tin cùng chuyên mục