Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường - Bài 3 : Cần một chiến lược quốc gia

Lời cảnh báo từ những kết quả nghiên cứu

Theo UNICEF, Việt Nam tuy được đánh giá là trên đà đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Nhưng với tỷ lệ trẻ dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng 25,2% vẫn còn khá cao so với khu vực. Con số đó trông đợi rất nhiều vào những chương trình nâng cao thể lực ở cấp quốc gia. Trong đó, bữa ăn học đường là một yêu cầu bức thiết góp phần cải thiện thể lực của giống nòi cần được đưa vào chính sách quốc gia.

Lời cảnh báo từ những kết quả nghiên cứu

Theo các chuyên gia về dinh dưỡng, một loạt các nghiên cứu khác nhau trên thế giới trong vài thập kỷ qua đã cho thấy: ở các nơi có triển khai bữa ăn ở nhà trường có đầy đủ dinh dưỡng, sẽ khác biệt rất nhiều với các trường tương tự nhưng không có bữa ăn. Sự khác biệt đó thể hiện ở chỗ: nhờ bữa ăn học đường, tình trạng dinh dưỡng của trẻ được cải thiện, tầm vóc phát triển tốt hơn. Do trẻ khỏe mạnh hơn nên số ngày nghỉ học vì bệnh tật cũng giảm, chất lượng học tập được tăng lên: tăng sự tập trung, sự nhận thức, khả năng giải bài tập và thành tích học tập… Các nghiên cứu gần đây cũng cho thấy, tình trạng dinh dưỡng ở trẻ các cấp học phổ thông không hề tốt hơn trẻ nhỏ, trẻ lứa tuổi mầm non như lâu nay chúng ta vẫn nghĩ. Nguyên nhân là do bữa ăn học đường không được coi trọng.

Theo Viện Dinh dưỡng, trong một thời gian dài, chúng ta chỉ tập trung nguồn lực để phòng chống suy dinh dưỡng trẻ dưới 5 tuổi nên dẫn đến việc tỷ  lệ trẻ suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi xuống 31,9% (mặc dù tỷ lệ này vẫn là rất cao), nhưng trẻ suy dinh dưỡng trong độ tuổi từ 6-14 tuổi lại chiếm đến 32,8% (!). Còn riêng tại TPHCM, trẻ các cấp học phổ thông có tỷ lệ suy dinh dưỡng cao gấp 2-3 lần so với trẻ dưới 5 tuổi.

Nhìn ra thế giới

Sau nhiều mất mát về thể lực giống nòi, người Nhật lo lắng vì tầm vóc trẻ 8 tuổi sau 5 năm chiến tranh giảm 3cm và đã phải mất 8 năm để phục hồi sự mất mát này! Nếu trước chiến tranh, người Việt Nam cao hơn người Nhật khoảng 2cm, thì đến nay, chiều cao trung bình của người Nhật lại cao hơn Việt Nam 10cm. Để có được sự cải thiện ngoạn mục này, theo các chuyên gia về dinh dưỡng của Nhật thì bữa ăn triển khai đại trà tại trường học là một yếu tố quan trọng.

Theo các chuyên gia về dinh cưỡng, ở các nước như Nhật, Mỹ, Hàn Quốc…, ngay sau chiến tranh, trong điều kiện sức khỏe cả cộng đồng bị “tàn phá” - nhu cầu cho đối tượng nào cũng cần mà nguồn lực thì có hạn, các nước triển khai ngay bữa ăn học đường, luật hóa việc nuôi dưỡng trẻ các cấp học và coi đó như một sự đầu tư tốt nhất cho nguồn nhân lực, bằng cách nuôi dưỡng những đứa trẻ đang học với mục tiêu: “nuôi dưỡng thể chất - nuôi dưỡng tinh thần”.

Theo nghiên cứu của UNICEF, thiếu vitamin và khoáng chất mắt thường khó nhìn thấy được nhưng đã để lại hậu quả rõ rệt trên quy mô toàn cầu. Những vi chất này rất cần thiết cho sự phát triển về thể chất và trí tuệ của trẻ. Thiếu những vi chất này, trẻ sẽ dễ bị mắc những bệnh thông thường và ảnh hưởng không tốt tới khả năng học tập. Ở Việt Nam, thiếu vi chất dinh dưỡng là một vấn đề nổi cộm.

Ban đầu, các nước Nhật Bản, Hàn Quốc đều kêu gọi sự hỗ trợ từ bên ngoài (UNICEF, LARA, WFP…) để hỗ trợ nuôi trẻ ở nhà trường. Nhưng chỉ sau 9 năm, chính phủ cả hai nước này đứng ra đảm nhiệm cùng với một phần đóng góp của gia đình.

Và ngay ở các nước đã phát triển cao như Mỹ, Nhật..., nhà nước vẫn tiếp tục “bao cấp”. Năm 2000, Chính phủ Hoa Kỳ tài trợ 5,56 tỷ USD cho bữa trưa và 1,4 tỷ USD cho bữa sáng học đường. Các chương trình bữa ăn học đường được triển khai đa dạng, linh hoạt, phù hợp trong các điều kiện khác nhau, nhu cầu khác nhau… như chương trình “sữa học đường”, “bánh học đường”, “trái cây học đường”, “bữa trưa học đường”, “bữa sáng học đường”...

Còn ở Việt Nam, đã hơn 30 năm bước ra khỏi chiến tranh, bữa ăn học đường vẫn chưa được xã hội quan tâm rộng rãi và chưa trở thành một yếu tố của nền giáo dục nước nhà.

Cần có chiến lược quốc gia về dinh dưỡng học đường

Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO) đã đề nghị các nước đưa giáo dục dinh dưỡng vào chương trình giảng dạy trong các trường tiểu học và thông báo sẽ in sách hướng dẫn việc thực hiện các chương trình nói trên. Người phụ trách Ban Dinh dưỡng và Bảo vệ người tiêu dùng của FAO, Ê-xê-đi-nê Bu-tríp nêu rõ việc giáo dục về chế độ ăn uống đúng trong học sinh là một trong những chiến lược hiệu quả nhất để chống lại căn bệnh suy dinh dưỡng và các bệnh mãn tính liên quan đến chế độ ăn uống, một đề tài bị lãng quên trong nhiều năm qua.

Theo FAO, nhiều người cho rằng số lượng lương thực tiêu thụ là quan trọng, nhưng họ không biết rằng chất lượng của khẩu phần ăn mới đóng vai trò quyết định về sự phát triển về sức khỏe và trí tuệ của trẻ em. Giáo dục về dinh dưỡng trong các trường học có thể giúp giảm các chi phí kinh tế để điều trị các bệnh liên quan đến chế độ ăn uống và do đó chính phủ các nước cần coi giáo dục dinh dưỡng là một công việc ưu tiên.

Không thể phát triển kinh tế và xã hội bền vững nếu không có những thế hệ có thể lực tốt và trí tuệ minh mẫn. Muốn có một thế hệ minh mẫn phải có chế độ và chương trình dinh dưỡng cụ thể, mà bữa ăn học đường đang ngày càng trở nên quan trọng đối với các lứa học trò. Do vậy, không thể coi thường và càng không thể thả nổi bữa ăn học đường. Theo chúng tôi, rất cần đưa bữa ăn học đường vào một phần của chương trình quốc gia về dinh dưỡng.

Tuy nhiên, trong khi chưa có một chương trình hoàn chỉnh về dinh dưỡng, các trường học và cơ quan chức năng cần gấp rút chấn chỉnh bữa ăn học đường cho các khối học sinh, đảm bảo đủ số lượng, chất lượng dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm cho các em.

Nhóm PV

Thông tin liên quan

- Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi!

- Bài 2: Bữa ăn công nghiệp: Chất ít, lượng không nhiều!

Tin cùng chuyên mục