Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường - Bài 2: Bữa ăn công nghiệp: Chất ít, lượng không nhiều!

Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường - Bài 2: Bữa ăn công nghiệp: Chất ít, lượng không nhiều!

Năm học 2007-2008, TPHCM có trên 900 trường học bán trú, trong đó có khoảng 300/458 trường tiểu học. Khác với bậc học mầm non, đối với bậc từ tiểu học trở lên, các trường chủ yếu quan tâm nhiều tới chuyên môn, giảng dạy. Do đó, chỉ có một số trường tổ chức bữa ăn tập thể cho học sinh (HS), còn lại đều phải đặt suất ăn công nghiệp. Chất lượng bữa ăn đó như thế nào?

“Teo” cả chất lẫn lượng

Nguy cơ suy dinh dưỡng từ bữa ăn học đường - Bài 2: Bữa ăn công nghiệp: Chất ít, lượng không nhiều! ảnh 1

Một suất ăn có thịt, rau đảm bảo dinh dưỡng cho các cháu. Ảnh: MAI HẢI

Công ty TNHH M. nằm sâu trong một con hẻm nhỏ quận 4. Do mặt bằng chật hẹp nên công ty tận dụng luôn cả phần sân nấu nước và bên hông nhà rửa sơ thực phẩm. Do vậy, sàn bếp luôn luôn bị ướt.

Từ 3 giờ sáng, 22 công nhân của công ty đã tất bật chuẩn bị cơm công nghiệp cung cấp cho 8 trường tiểu học. Đến 9 giờ sáng, hơn 2.000 suất cơm đã được cho vào khay, đóng thùng. Dầu chiên còn dư được bỏ vào một thau nhôm để tận dụng trở lại.

Dưới sàn nhà ướt át, một nhân viên đang ngồi múc cháo từ một xô nhôm lớn chuyển sang xô nhỏ hơn. Cạnh đó vài bước chân, chị lao công vô tư quét rác, không chú ý gì đến xô cháo đang bốc khói nghi ngút.

Đây là phần cháo công ty nấu dành cho những HS không khỏe hoặc muốn thay cơm bằng cháo. Không hiểu cân đo đong đếm như thế nào mà người nhà của công ty dưới quê lên kêu đói bụng, nhà bếp vô tư múc cháo của học sinh phục vụ. Sau khi chế biến, các phần ăn được chất lên xe đẩy và đẩy trong hẻm khoảng 30m mới ra đến đường cái và chuyển lên xe tải nhỏ chở đến các trường.

Tuy nhiên M. chỉ là một trong cả trăm địa chỉ cung cấp suất ăn công nghiệp cho trường học và các đối tượng khác trên địa bàn TPHCM. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay một suất cơm công nghiệp cho HS có giá thành từ 8.000–10.000 đồng, không kể phần ăn xế (quận 4). Tuy nhiên trên thực tế, do phải chi phí nhiều khoản trung gian.

Thậm chí một số công ty còn “câu khách” bằng cách khuyến mãi thêm phần ăn cho bảo mẫu, cứ 500 HS là sẽ có thêm 13 suất ăn. Đó là chưa kể tiền hoa hồng “tế nhị” mà chủ của một đơn vị đã gợi ý khi chúng tôi ngỏ lời muốn đặt hàng. Vì thế tiền ăn của HS cứ teo tóp dần và chất lượng bữa ăn ngày càng giảm sút. Mặc dù nhiều công ty lấy mối thực phẩm ở chợ đầu mối, giá cả rẻ hơn (chẳng hạn, mỗi ký thịt lấy ở chợ rẻ hơn ở Vissan trên 10.000 đồng) nhưng cũng không thể cải thiện tình hình.

Phụ huynh, giáo viên đều than!

Mẹ của bé Mai Hương (Trường Tiểu học Bạch Đằng, quận 4) khẳng định: Với khẩu phần ăn canh rau muống và xúc xích đó thì không thể có giá 8.000 đồng được vì cơm và đồ ăn ít lại dở. Chị nói: “Con bé nhà tui thường xuyên nói chỉ ăn được mỗi bữa một ít vì ngán. Ở nhà cơm canh nóng hổi, chất lượng mà trẻ còn kén ăn huống chi khi nhà cung cấp chở đến thì mọi thứ đã nguội lạnh”.

Cô Lê Hồng Liên, Hiệu trưởng Trường Bạch Đằng cũng thừa nhận, dù nhà trường đưa ra thực đơn phong phú, nhưng lại không trực tiếp nấu nên mỗi suất ăn có đảm bảo đủ 900 – 1.200 calo như quy định hay không thì ban giám hiệu nhà trường không thể biết.

Một hiệu trưởng ở trường cấp 1 quận 1 nói: “Khi trường mới đặt cơm công nghiệp, một hai tuần đầu, công ty cung ứng bữa cơm chất lượng lắm, nhưng sau đó thì chất lượng giảm dần”. Chị Lan Anh, ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận 1, cho biết: “Ngày nào tôi cũng phải cho cháu thêm tiền để ăn bù ở căn tin. Cơm công nghiệp khô, thịt mỏng, cá ít, khẩu vị và chất lượng khác ở nhà nên cháu ăn cho có mà thôi”.

Sau khi chế biến, các phần ăn được chất lên xe tải nhẹ và chở đến trường. Quá trình di chuyển trong trời trưa nắng gắt cũng có thể gây ngộ độc. Do vậy, thỉnh thoảng HS mở nắp khay cơm - đồ ăn nghe có mùi ôi. Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa cũng đặt cơm công nghiệp nhưng HS chê cơm nên ra ăn ở căn tin trường hay đặt mua ở bên ngoài.

Bà Lê Thị Phương Thảo, Giám đốc Công ty Minh Thảo Vy cho biết, công ty cố gắng thay đổi thực đơn liên tục và đặt VSATTP là tiêu chí hàng đầu. Theo bà Thảo, cơm, canh HS có thể ăn thoải mái nhưng còn món mặn thì ăn hết là… nhịn. Một tháng HS ăn thịt gà được 3 lần. Gà giá cao nên bữa nào ăn gà là bữa đó lỗ, phải bù lại bằng thực đơn cá.

Bà Thảo cũng thừa nhận: Cơm công nghiệp không ngon bằng cơm nấu tại trường vì phải qua các khâu chuyển cơm vô khay, đóng thùng, chuyển qua xe tải tốn cả vài tiếng đồng hồ. Trong khi đó, cơm nấu tại trường bỏ lên mâm cho HS nóng sốt, nhìn ngon mắt hơn. Tuy nhiên…

Cơm nhà trường: ngon nhưng... hồi hộp!

Tại Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, mỗi ngày nhà trường phải nấu một lượng thức ăn khá lớn cho 1.800 HS học bán trú. Sáng sớm, 12 cấp dưỡng viên và ban giám hiệu nhà trường phải có mặt để nhận và kiểm tra thực phẩm. “Nếu thực phẩm không đạt thì trả lại ngay để đảm bảo ATVS” - cô Nguyễn Trương Thanh, Hiệu trưởng nhà trường nói.

Theo cô Thanh, HS đông nên trường mỗi ngày phải tổ chức thành 2 ca (11 giờ và 11 giờ 30). Với mức tiền ăn cho mỗi HS là 9.000 đồng nên HS chỉ được uống thêm sữa vào buổi xế nếu ngày hôm đó buổi trưa HS ăn món nước (bún, phở…), bởi giá sữa một hộp đã có giá 3.000 – 4.000 đồng/hộp là quá cao.

Trong khi đó, theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay phụ huynh phải đóng tiền ăn cho mỗi HS bán trú trung bình 8.000 – 13.000 đồng/ngày. Nhiều phụ huynh cho biết, đầu năm học này tiền ăn cho mỗi HS đã tăng 10% – 20%. Ban giám hiệu các trường lý giải, do giá lương thực, thực phẩm lên cao đã tác động trực tiếp đến bữa ăn của các em. Đầu năm học này một số trường tiểu học quận Tân Bình tăng chi phí 1 ngày ăn của mỗi HS bán trú lên 10.000 đồng; tại các quận ven quận 9, Gò Vấp, Thủ Đức có giá 7.000 - 10.000 đồng.

Suất ăn bán trú thông thường của HS tiểu học, gồm 1 bữa ăn chính vào buổi trưa và 1 bữa xế, cung cấp từ 800 – 1.000 calo trong tổng số 1.600-18.000 calo cần có mỗi ngày. Bữa chính gồm cơm, canh, mặn, tráng miệng, còn bữa xế là các món nhẹ như chè, cháo, sữa đậu nành...

Tuy nhiên, theo các hiệu trưởng trường tiểu học, với mức 9.000 - 10.000 đồng một ngày ăn cho HS, trường phải tính toán chi li mới đảm bảo đủ khẩu phần chứ không đủ để mua sản phẩm của các nhà cung cấp lớn, có thương hiệu.

Một hiệu trưởng ví dụ, bữa ăn xế cho HS, nếu mua hộp sữa chua của Vinamilk giá đã là 3.000 - 3.500 đồng. Còn bữa ăn chính, nếu mua đủ 4 món cho bữa chính thì phải trên 10.000 đồng. Cô Nguyễn Trương Thanh, Hiệu trưởng Trường Phan Đình Phùng bày tỏ: “Thật ra nếu đặt suất ăn công nghiệp thì khỏe cho trường, nhưng phụ huynh không chịu nên chúng tôi mới nấu, chứ nấu không những cực mà lúc nào cũng lo lắng đủ thứ, nào là VSATTP, nào là cháy nổ…”. 

NHÓM PV

Thông tin liên quan:

Bài 1: Chất lượng dinh dưỡng: thả nổi!

Tin cùng chuyên mục