Xung quanh việc 41 con hổ nuôi ở Bình Dương

Hợp pháp hóa nguồn gốc, xem xét giao lại cho chủ cũ nuôi

Hợp pháp hóa nguồn gốc, xem xét giao lại cho chủ cũ nuôi
Hợp pháp hóa nguồn gốc, xem xét giao lại cho chủ cũ nuôi ảnh 1

Trước phản hồi của dư luận về đề nghị thu hồi 41 con hổ ở Bình Dương của Bộ NN-PTNT, ngày 19-3, Cục trưởng Cục Kiểm lâm (Bộ NN-PTNT) Hà Công Tuấn đã có cuộc gặp gỡ với đông đảo cơ quan báo chí để thông báo về hướng xử lý những con hổ đang nuôi ở Bình Dương. Ông Hà Công Tuấn (ảnh) cho biết:

Với tư cách đại diện cho cơ quan quản lý và bảo vệ rừng, lâm sản và bảo tồn động vật hoang dã, Cục Kiểm lâm khẳng định, 3 cơ sở ở Bình Dương đều đang nuôi nhốt hổ không có nguồn gốc hợp pháp. Biên bản kiểm tra cơ sở nuôi hổ tại Công ty Bia Thái Bình Dương ngày 18-10-2006 cũng ghi rõ, không có bất kỳ giấy tờ nào chứng minh tính hợp pháp và nguồn gốc của số hổ được nuôi nhốt (ở thời điểm này là 23 con). Việc nuôi hổ là hoàn toàn ngẫu nhiên. Thậm chí, tại đây còn có 2 con vượn, 2 con chồn mực, 5 con chồn mướp, 6 con báo hoa cũng có nguồn gốc bất hợp pháp. Các chủ cơ sở nuôi nhốt hổ còn lại cũng thừa nhận về nguồn gốc bất hợp pháp của chúng.

Ông Hà Công Tuấn cũng cho biết, trong biên bản, đoàn thanh tra đề nghị Công ty Bia Thái Bình Dương tiếp tục nuôi dưỡng, chăm sóc những con hổ này. Chủ trương của Nhà nước là bảo vệ, hỗ trợ người nuôi nhốt hổ nhưng hết sức lưu ý là phải hợp pháp, như bố mẹ hợp pháp, chuồng trại hợp lý và đăng ký với cơ quan Nhà nước. Điều này quy định rõ tại khoản 3, Điều 3 của Nghị định số 32. Việc ông Ngô Duy Tân (Giám đốc Công ty Bia  Pacific) cho rằng, đã báo cơ quan kiểm lâm địa phương cũng không có bằng chứng rõ ràng, nên không có hồ sơ.

Tuy nhiên, Cục Kiểm lâm cũng có trách nhiệm trong việc xử lý chậm trễ, để sự việc kéo dài. Cuối tuần này, Bộ NN-PTNT sẽ họp bàn biện pháp giải quyết số hổ trên. Sau đó, bộ đề xuất xin ý kiến Chính phủ quyết định.

Cục Kiểm lâm đã đề xuất 3 phương án: tịch thu và tiêu hủy toàn bộ; trả lại tự nhiên; tiếp tục giao cho các chủ trại nuôi nhốt. Cục Kiểm lâm nghiên về phương án cuối và cũng đã đề nghị với Bộ NN-PTNT kiến nghị Thủ tướng không xử phạt các cơ sở này.

- Như vậy, các hộ trên sẽ tiếp tục có cơ hội nuôi số hổ trên?

Ông HÀ CÔNG TUẤN: Sau khi có quyết định tịch thu, cục sẽ làm việc với các hộ nuôi, thống nhất trên nguyên tắc tự nguyện lập hồ sơ theo đúng pháp luật, bảo đảm đủ điều kiện gây nuôi. Các cơ sở nuôi phải chấp hành các điều kiện: việc nuôi không ảnh hưởng đến công tác bảo tồn và phải gây nuôi suốt đời, không để sổng chuồng, gây mất an toàn và ảnh hưởng đến nguồn gen tự nhiên...

- Theo ông, các cơ sở trên có đáp ứng được các điều kiện chăn nuôi hổ không?

Hiện cả 3 cơ sở nuôi nhốt hổ ở Bình Dương cơ bản đã tiếp cận được các yêu cầu về điều kiện nuôi. Nếu Công ty Bia Thái Bình Dương mở rộng thêm 20 ha thì hầu như đã đảm bảo tất cả các điều kiện, nhưng chỉ nuôi trong cũi cũng chưa đủ. 

Theo Cục Kiểm lâm, trên thế giới, Hoa Kỳ hiện đang nuôi 4.600 con hổ, Trung Quốc nuôi trên 4.000 con. Tại những nước này, hổ sinh sản rất mạnh. Cứ 2-3 năm, chúng đẻ một lứa. Tuy nhiên, các trại nuôi của họ là bán hoang dã, rất bài bản.  Hiện chưa thống kê hết các cơ sở gây nuôi hổ ở Việt Nam. Cả nước hiện có khoảng 50 con hổ gây nuôi. Về hổ trong tự nhiên, năm 1992 Việt Nam còn 300 con, năm 2002 giảm xuống 130-150 con và theo số liệu chưa chính thức, hiện số hổ ở nước ta chỉ còn trên dưới 100 con.

- Các cơ sở nuôi hổ trên có được sự hỗ trợ nào của Nhà nước?

Các cơ sở nuôi hổ cũng được rất nhiều quyền lợi, nhất là việc được tiêu thụ hổ từ đời F3. Nhà nước cũng sẽ hỗ trợ các cơ sở này thông qua nhiều biện pháp khác chứ không phải chỉ hỗ trợ kinh phí.

- Ai sẽ là người giám sát việc nuôi đàn hổ trên?

Việc giám sát đàn hổ nuôi, theo Nghị định 32, là trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm, chính quyền địa phương. Trước mắt, lực lượng kiểm lâm chỉ giám sát tránh để lai tạo giữa các loài hổ, tránh cận huyết. Các chủ nuôi đương nhiên không được làm việc này. Kiểm lâm cũng cấm tuyệt đối việc thả vào rừng tự nhiên những con không còn thuần chủng, chúng không còn khả năng săn mồi, chưa xác định được nguồn gốc xuất xứ, có thể gây xung đột với con người.

- Nếu các hộ trên không đáp ứng được các điều kiện nuôi thì sẽ xử lý ra sao?

Trường hợp các hộ không tự nguyện nuôi, không đảm bảo pháp luật, đương nhiên Nhà nước phải nuôi ở nơi khác (sẽ có phương án riêng, do Nhà nước đầu tư).

VĂN NGHĨA (ghi)

Thông tin liên quan

- Ông Ngô Duy Tân gửi đơn lên Thủ tướng

- Đưa những con hổ nuôi nhốt tại Bình Dương vào nuôi tập trung

Tin cùng chuyên mục