Phía sau cánh cổng nhà máy. Bài 4: Như thế là thủ đoạn bóc lột!

Phía sau cánh cổng nhà máy. Bài 4: Như thế là thủ đoạn bóc lột!

Công nhân (CN) trong các KCX-KCN hiện nay đa phần là lao động phổ thông ở nông thôn. Trước khi vào nhà máy, xí nghiệp, họ chưa được học, chưa làm quen với những quy định, kỷ luật sản xuất và tác phong công nghiệp. Do vậy, để quản lý hàng ngàn CN sản xuất đúng giờ giấc, lao động có chất lượng, các ông chủ buộc phải áp dụng những quy định, kỷ luật chặt chẽ. Tuy nhiên, quy định chặt chẽ để lao động có kỷ luật, chất lượng, hiệu quả khác với việc sử dụng chiêu thức thủ đoạn để với một chi phí tối thiểu có thể bóc lột tối đa sức lao động công nhân…

1 giây = 30 phút, 29 phút = 0 (?!)

Trong nội quy của Công ty điện tử N.C, có quy định: Thời gian vào ca của CN là 5 giờ 55 phút sáng. Mỗi CN có một mã số để “quẹt thẻ” khi bước qua cổng công ty. Thực tế, CN chỉ cần quẹt thẻ trễ từ 1 giây cho đến 29 phút, là bị “làm tròn số”: đi trễ 30 phút. Trễ từ 30 phút 1 giây đến 60 phút là bị tính tròn số trễ 60 phút.

Theo lý giải của công ty, sở dĩ có cách tính này là vì công ty sử dụng block 30 phút. Thế nhưng đó là khi áp dụng để tính thời gian đi làm của CN. Còn tính thời gian tăng ca thì công ty áp dụng công thức ngược lại: khi CN tăng ca từ 1 phút đến 29 phút, công ty làm tròn số theo kiểu hạ xuống còn zero phút - nghĩa là không tăng ca. Phải từ 30 phút trở lên, CN mới được trả tiền.

Mới nghe qua, người đơn giản có thể nghĩ: Ôi dào, vài mươi phút lẻ ăn nhằm gì. Nhưng thực tế áp dụng mới thấy: Công nhân chỉ cần quẹt thẻ trễ 1 giây, coi như đi làm trễ, sẽ bị cắt tiền chuyên cần trong tháng. Mà muốn không bị trễ, thì CN phải đi trước từ rất sớm. Bởi nếu đi đến sít thời gian quá, công ty thì có đến mấy ngàn CN, lỡ kẹt xếp hàng, quẹt thẻ trễ một lần là… công cốc cả tháng nỗ lực.

Còn tăng ca, giả sử chỉ cần 1 CN tăng ca 20 phút, nhà máy có 4.000CN, thời gian “thặng dư” cho ông chủ sẽ là 4.333 ngày công/tháng (nếu tính mỗi ngày công là 8 giờ). Một con số không nhỏ. Nghe phổ biến cách làm tròn số kỳ cục này, tôi thắc mắc nhưng được những CN cũ động viên: “Ông chủ người Nhật tính kỹ lắm. Mình tính hổng lại người ta đâu. Chịu thế thôi mày ơi!”.

Công nhân ăn sáng sơ sài trước khi vào ca. Ảnh: HOÀNG DUNG

Công nhân ăn sáng sơ sài trước khi vào ca. Ảnh: HOÀNG DUNG

Thử việc: vô thời hạn

Ở Công ty may H.K, trong khi chờ đợi phòng nhân sự sắp xếp để thử tay nghề, tôi bắt chuyện với một cô gái trông còn rất trẻ, tên Phương, quê ở miền Tây. Trò chuyện một hồi, Phương mới nói thật là em mới 16 tuổi. Bộ hồ sơ em cầm là của chị gái tên Thùy Vân, hơn em 3 tuổi. Vừa nhìn thấy Phương, chị tổ trưởng phát hiện ra ngay cô bé chưa đủ tuổi đi làm sau khi “điều tra” cô bé vài câu. Thế nhưng, sau đó, chị chỉ nói: “Sao đi làm sớm vậy? Tăng ca nhiều có làm nổi không?...” rồi nhận bé Phương vào làm CN thử việc.

Tại Công ty may Y.V, cũng có vài trường hợp tương tự. Thấy một em gái tên Linh có sức khỏe thuộc loại 3, bị hen suyễn (nội dung được ghi trong giấy khám sức khỏe), anh quản lý nhân sự tỏ vẻ khó chịu: “Sức khỏe thế này sao mà đủ sức làm việc, lỡ đi làm rồi ngất xỉu thì sao?”. Tuy nhiên, anh cũng chỉ hạch hỏi cho có lệ. Cuối cùng Linh cũng được nhận vào làm ở tổ ủi.

Đến trường hợp của tôi. Công ty điện tử N.C chuyên gia công chi tiết điện tử cực nhỏ như mô tơ rung điện thoại di động. CN thường xuyên phải kiểm hàng trên kính hiển vi. Do đó, điều kiện đầu tiên để được dự tuyển là phải có thị lực 10/10. Ngày đầu tiên nhận việc, không biết quy định đó, tôi tự nhiên móc cặp kính cận 1,75 độ ra đeo. Vừa thấy tôi đeo kính, cán bộ công ty lập tức hạch hỏi:

– Ai phỏng vấn em? Có biết quy định của công ty là không nhận người cận thị không? Tôi đứng chết trân, chưa biết thanh minh thế nào thì cô nhân viên quay sang thì thầm vài câu gì đó với anh nhân viên phòng nhân sự. Cuối cùng, tôi vẫn được tuyển dụng với lời nhắc nhở: “Vô ráng làm thế nào cho công ty không đuổi thì làm!”. Khi 2 nhân viên vừa quay lên, 3 - 4 CN mới ngồi cạnh kéo tay tôi nói nhỏ: “Chị cất kính đi. Tụi em cũng bị cận nè. Lúc phỏng vấn bị phát hiện, em tưởng bị loại rồi, ai dè vẫn đậu!”.

Cứ tưởng mình như thế là may mắn, ai dè, qua thông tin từ những CN có thâm niên tại công ty, mới biết CN thuộc dạng “vớt” (sức khỏe yếu, chưa đủ tuổi, bị dị tật, mắt kém…) vẫn được nhận làm việc là một chiêu sử dụng lao động không tốn phí trách nhiệm.

Thông thường, mỗi đợt tuyển CN mới, sau 1 tháng thử việc, công ty chỉ ký hợp đồng với khoảng từ 30% - 50%. Những người không đủ chuẩn vẫn tiếp tục làm việc trong vai trò… CN thử việc với mức lương thấp, không được đóng bảo hiểm, không được hưởng phụ cấp và các chế độ trong khi lượng công việc đảm nhận không khác gì CN chính thức. Nếu bỏ việc, những CN này cũng không được trả trợ cấp thôi việc. Xem ra, chỉ với “chiêu thức” đơn giản này, chủ doanh nghiệp cũng thu được một món lợi không nhỏ.

Những “bí mật” được khám phá

Lúc mới vào nhận việc tại các công ty, chúng tôi không hiểu tại sao nhiều công đoạn trong xưởng CN hoàn toàn có thể ngồi làm việc nhưng công ty lại bắt họ phải đứng suốt ngày. Đem thắc mắc này hỏi một số chuyên gia lao động, mới biết: Làm việc trong tư thế đứng, CN sẽ tập trung hơn. Chính vì đứng lâu, mệt mỏi, CN không có cách nào khác là buộc phải làm thật nhanh, thật nhiều. Nếu để họ ngồi, họ sẽ dễ buồn ngủ, dễ lãn công. Xét dưới góc độ y học, việc đứng lâu nhiều giờ trong ngày sẽ khiến NLĐ hao tổn sức khỏe, dễ bị bệnh tê thấp, thoái hóa khớp. Nhưng xét về năng suất lao động, làm việc trong tư thế đứng sẽ hiệu quả hơn nhiều.

Về bữa ăn giữa ca và bữa ăn tăng cho CN tăng ca, theo ý kiến của các luật sư, trong Bộ luật Lao động và các văn bản dưới luật có liên quan đều không có quy định cụ thể. Bữa ăn chất lượng như thế nào chỉ phụ thuộc vào sự thỏa thuận giữa 2 bên: chủ - thợ. Chính vì lỗ hổng này, các DN tha hồ tự quyết mà vẫn không vi phạm pháp luật:

Có DN quy định CN tăng ca trên 2 giờ là được cho ăn; có DN thì buộc CN tăng ca trên 3 giờ mới có bữa ăn. Có DN chỉ trợ cấp tiền ăn 1.000 đồng/giờ tăng ca. Điều này dẫn đến một thực tế là từ trước tới nay, chưa có vụ việc tranh chấp, kiện tụng nào liên quan tới chất lượng bữa ăn được đem ra tòa, mặc dù bữa ăn chất lượng kém là một trong những nguyên nhân “châm ngòi” cho hầu hết các cuộc đình công.

Tìm hiểu nguyên nhân vì sao một số công ty lại duy trì tình trạng những nhà vệ sinh không có bồn cầu, nhà vệ sinh rất… mất vệ sinh như vậy, mới biết, do thời gian làm việc toàn phải đứng nên đã có một số CN tìm cách trốn ra nhà vệ sinh để… nghỉ ngơi, thậm chí có người mệt quá còn… ngủ luôn trong đó! Đó là cách đối phó của các ông chủ DN.

Một nhân viên nhân sự lâu năm khẳng định: “Họ không sửa đâu. Chỗ đi vệ sinh càng bất tiện, CN sẽ không đi nhiều, đỡ mất thời gian”.

Tại Điều 116, chương X, Bộ luật Lao động (đã được sửa đổi bổ sung năm 2002) trong phần những quy định riêng đối với lao động nữ, chỉ ghi chung chung: “Nơi có sử dụng lao động nữ phải có chỗ thay quần áo, buồng tắm và buồng vệ sinh nữ”. Luật không ghi rõ là nhà vệ sinh phải có… bồn cầu nên DN chỉ xây nhà vệ sinh cho tiểu tiện, cấm đại tiện là… không sai luật! 

M.HƯƠNG - T.HỢP - H.DUNG

Thông tin liên quan

- Bài 1: Nỗi niềm “lính mới”

- Bài 2: Chuyện thường ngày ở xưởng

-  Bài 3: Những chuyện... không nói ra thì không ai biết

Tin cùng chuyên mục