Chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội

Nghề công tác xã hội ngày càng được chuẩn hóa và đào tạo một cách bài bản. Bộ Nội vụ cũng vừa ban hành chức danh, mã ngạch viên chức công tác xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng và chất lượng đào tạo ngành công tác xã hội để đáp ứng nhu cầu xã hội đang là một thách thức lớn. Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TPHCM), cho biết:
Chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội

Nghề công tác xã hội ngày càng được chuẩn hóa và đào tạo một cách bài bản. Bộ Nội vụ cũng vừa ban hành chức danh, mã ngạch viên chức công tác xã hội. Tuy nhiên, hiện nay, số lượng và chất lượng đào tạo ngành công tác xã hội để đáp ứng nhu cầu xã hội đang là một thách thức lớn. Trao đổi với PV Báo SGGP, PGS-TS Võ Văn Sen, Hiệu trưởng Trường ĐH KHXH-NV (ĐHQG TPHCM), cho biết:

Năm 2010, Đề án Phát triển nghề công tác xã hội giai đoạn 2010 – 2020 (gọi tắt là Đề án 32) được Thủ tướng phê duyệt nhằm phát triển nghề công tác xã hội và xây dựng đội ngũ cán bộ, viên chức, nhân viên và cộng tác viên công tác xã hội đủ số lượng và đạt yêu cầu, gắn với phát triển hệ thống cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội tại các cấp, góp phần xây dựng hệ thống an sinh xã hội tiên tiến. Tổng kinh phí thực hiện đề án là 2.347 tỷ đồng. Theo đó, đến năm 2020, cả nước cần đào tạo và đào tạo lại 60.000 nhân viên xã hội.

Trước mắt, đến năm 2015, nguồn nhân lực cho ngành công tác xã hội phải đạt 30.000 người. Đây là một nhiệm vụ hết sức to lớn và cũng là một thách thức đối với ngành công tác xã hội ở Việt Nam. Chúng ta đã có những người làm công tác xã hội như các nhân viên ở trung tâm bảo trợ xã hội, cán bộ phụ nữ làm công tác dân số trẻ em ở xã phường... Chỉ có điều, họ chưa được đào tạo bài bản và làm việc chưa chuyên nghiệp. Phần đông là làm trái ngành nghề, kiêm nhiệm, thiếu những kỹ năng cần thiết. Cần chuyên nghiệp hóa nghề công tác xã hội và đây là xu hướng tất yếu trong xã hội hiện đại.

* Phóng viên:
Nhận định của ông về vai trò và tầm quan trọng của nghề công tác xã hội hiện nay?

* PGS-TS VÕ VĂN SEN: Theo thống kê, cả nước có khoảng 7,5 triệu người cao tuổi, 5,3 triệu người tàn tật, 1,4 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn và 1,3 triệu đối tượng cần sự trợ giúp xã hội, hàng vạn xã đặc biệt khó khăn, hàng triệu cá nhân, gia đình, nhóm xã hội nảy sinh các vấn đề phức tạp, nghiện ma túy, bị bệnh hiểm nghèo. Tuy nhiên, hiện vẫn chỉ có đội ngũ cán bộ nhân viên công tác xã hội bán chuyên nghiệp với tỷ lệ khiêm tốn. Do không có chuyên môn nên họ làm việc theo trực giác, thiếu nhận thức, hiểu biết và những kỹ năng cần thiết về công tác xã hội nên hiệu quả giải quyết các vấn đề không cao và thiếu bền vững.

Cùng với đó, nhận thức về nghề công tác xã hội còn rất mới mẻ, sự phát triển và đào tạo cán bộ, nhân viên trong lĩnh vực này chưa được hình thành một cách đồng bộ. Mạng lưới nhân viên và tổ chức cung cấp dịch vụ công tác xã hội còn mỏng và thiếu tính chuyên nghiệp.

Người khuyết tật đang nhận sự giúp đỡ từ nhân viên công tác xã hội.

Người khuyết tật đang nhận sự giúp đỡ từ nhân viên công tác xã hội.

Riêng TPHCM hiện có khoảng 400.000 người cao tuổi, trên 44.000 người tàn tật, 20.000 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, 13.000 hộ gia đình nghèo (với chuẩn nghèo 12 triệu đồng/người/năm), gần 10.000 người nghiện ma túy, hơn 2.000 người bán dâm tập trung tại các cơ sở xã hội và có khoảng 100.000 đối tượng bảo trợ xã hội được hưởng trợ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước.

Nhu cầu chăm sóc xã hội trên địa bàn TP là rất lớn. Tuy nhiên, đội ngũ nhân viên làm công tác xã hội chỉ có trên 5.000 người. Trong khi đó, trên cả nước hiện nay chỉ có khoảng 30 trường đại học đào tạo cử nhân ngành công tác xã hội, mỗi năm chỉ đáp ứng được khoảng 2.000 cử nhân ngành công tác xã hội. Đó là chưa nói đến công tác đào tạo hiện nay cũng còn nhiều bất cập. Nếu so sánh tính chuyên nghiệp của ngành công tác xã hội nước ta với các nước trong khu vực vẫn còn một khoảng cách khá lớn.

* Ông có thể cho biết cụ thể hơn về công tác đào tạo ngành công tác xã hội hiện nay tại Trường ĐH KHXH-NV TPHCM và hướng sắp tới?

* Trường ĐH KHXH-NV TPHCM hiện có gần 1.000 cán bộ, viên chức với hơn 31.000 sinh viên và học viên sau đại học được đào tạo trong 53 chương trình giáo dục thuộc 28 ngành đào tạo bậc đại học, 33 chương trình sau đại học và trên 10 chương trình liên kết đào tạo với nước ngoài nhằm đáp ứng nhu cầu học tập, nghiên cứu đa dạng của người học, cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao. Bộ môn công tác xã hội của trường dù mới thành lập được 5 năm nhưng đã có sự phát triển hết sức nhanh chóng.

Hiện nay, bộ môn công tác xã hội có 21 cán bộ, trong đó 100% giảng viên có trình độ sau đại học, với hơn 600 sinh viên chuyên ngành công tác xã hội đang được đào tạo. Kế hoạch sắp tới sẽ đưa ngành công tác xã hội trở thành một trung tâm đào tạo đại học và sau đại học, nghiên cứu và cung cấp các dịch vụ khoa học công tác xã hội mạnh nhất nước với quy mô đội ngũ giảng viên 50 người, 1.000 sinh viên và học viên sau đại học, có đủ sức cạnh tranh với các trường có chuyên ngành công tác xã hội tiên tiến trong khu vực và trên thế giới. 

HỒ THU thực hiện

Tin cùng chuyên mục