Giảm gánh nặng cho công nhân - Bài 3: San sẻ khó khăn

Giảm gánh nặng cho công nhân
Giảm gánh nặng cho công nhân - Bài 3: San sẻ khó khăn

Trước thực trạng giá cả tăng ảnh hưởng đến cuộc sống của người lao động, các giải pháp chia sẻ khó khăn, chăm lo đời sống cho người lao động đã được lãnh đạo các ban ngành, đoàn thể TPHCM đề ra.

Công nhân đang đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng.

Công nhân đang đối mặt với chi phí sinh hoạt tăng.

  • Đồng chí NGUYỄN THỊ THU HÀ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy TPHCM: Xây dựng quan hệ ổn định và tiến bộ trong doanh nghiệp

Năm 2011 là năm công tác vận động nhân dân đạt được nhiều nét son nổi bật. Trong đó, hình ảnh các đồng chí bí thư cấp ủy, các đồng chí trong chi bộ khu phố, cán bộ đoàn thể sâu sát vận động từng người dân không tăng giá cho thuê nhà trọ, từng đảng viên cưu mang đùm bọc, tổ chức ăn tết cho từng công nhân, sinh viên không có điều kiện về quê ăn tết là những hình ảnh rất đẹp. Còn có những hình ảnh của các đoàn viên, hội viên được trao tặng từng tấm vé tàu xe, từng món quà; suy nghĩ phương cách để đưa hàng hóa thiết yếu về khu công nghiệp, khu chế xuất, vùng sâu, vùng xa phục vụ cho công nhân, bà con lao động nghèo…

Chính bằng những việc làm đầy tính nhân văn đã góp phần làm ấm lòng rất nhiều công nhân lao động (CNLĐ) nghèo đang sinh sống, làm việc trên địa bàn TPHCM. Năm 2012, Thành ủy TPHCM tiếp tục triển khai chương trình hành động của Thành ủy thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TPHCM lần thứ IX về công tác vận động nhân dân, trong đó ban dân vận các cấp phối hợp với MTTQ, các đoàn thể nắm chắc tình hình nhân dân, nhất là các gia đình chính sách, các hộ nghèo, CNLĐ gặp nhiều khó khăn do ảnh hưởng bởi lạm phát, tăng giá để kiến nghị kịp thời; tiếp tục thực hiện tốt các giải pháp bảo đảm an sinh xã hội theo Chương trình hành động số 06-CTr/TU của Thành ủy, thông qua phong trào “3 tương trợ, 3 tiết kiệm”, vận động các chủ nhà trọ, dịch vụ giữ trẻ cam kết không tăng giá trong năm 2012, thu đúng giá tiền điện, tiền nước; đưa các mặt hàng bình ổn về phục vụ tại các vùng xa, các KCX-KCN. Ngoài ra, vận động các doanh nghiệp (DN) quan tâm vấn đề lương, tiền ăn giữa ca, phụ cấp thêm giờ, hỗ trợ tiền nhà trọ, chi phí đi lại... Ngoài ra, ban chỉ đạo xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN sẽ họp định kỳ hàng quý và họp bất thường khi cần thiết để kịp thời xử lý các vấn đề phát sinh liên quan đến quan hệ lao động trên địa bàn TP.

Đối với từng thành viên, ban chỉ đạo đã giao nhiệm vụ cụ thể để triển khai sớm ngay từ cuối năm 2011: LĐLĐ xây dựng quy chế phối hợp với các sở ban ngành, quận huyện trong phòng ngừa và giải quyết có hiệu quả các tranh chấp lao động; Sở LĐTB-XH phối hợp Ban Quản lý các KCX-KCN và UBND quận huyện tổ chức các đoàn khảo sát tình hình chấp hành pháp luật lao động tại các DN có đông lao động đã từng xảy ra tranh chấp lao động; Sở VH-TT-DL phối hợp LĐLĐ TP, Thành đoàn, Hội LHPN TP, Đảng ủy các KCX-KCN tổ chức các chuyên đề, đêm văn nghệ, hoạt động giao lưu văn hóa cho CNLĐ các khu công nghiệp; Sở Công thương làm đầu mối tổ chức các gian hàng giá rẻ phục vụ đời sống CNLĐ; thành lập các đoàn giám sát việc thực hiện quy chế dân chủ ở các DN… Tất cả đều góp sức cùng chính quyền TP xây dựng mối quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong DN, đồng thời chăm lo tốt hơn cho đội ngũ CNLĐ đang sinh sống, làm việc trên địa bàn TPHCM.

  • Đồng chí NGUYỄN VĂN RẢNH, Trưởng ban Dân vận Thành ủy TPHCM: Tiếp tục chia sẻ khó khăn cùng người lao động

Tính đến ngày 31-12-2011, toàn TP đã vận động được hơn 64.800 chủ nhà trọ không tăng giá cho thuê phòng, giúp hơn 1,23 triệu người trọ; 1.216 DN hỗ trợ đời sống cho gần 278.000 công nhân; hơn 1.880 cơ sở giữ trẻ (chủ yếu là con CNLĐ nghèo) không tăng giá tiền ăn nhưng vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho trẻ; vận động các nguồn lực xã hội chăm lo cho 844 CNLĐ có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 82,5 tỷ đồng; hướng dẫn các chủ nhà trọ đông CNLĐ đăng ký định mức điện, nước… TP sẽ tiếp tục phát huy những gì đã làm được để chia sẻ khó khăn cùng CNLĐ TPHCM. Năm 2012, TPHCM cũng sẽ tập trung thực hiện quy chế dân chủ cơ sở ở công ty cổ phần, công ty TNHH theo tinh thần của Nghị định 87. Ban Dân vận Thành ủy đã chỉ đạo các ban dân vận quận huyện tập trung vào các DN có đông công nhân, chú ý nội dung người sử dụng lao động cần đảm bảo công khai cho người lao động như tình hình thực hiện các chế độ, chính sách liên quan đến quyền và lợi ích của người lao động; các biện pháp cải thiện điều kiện làm việc, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần người lao động, đào tạo và đào tạo lại nghề cho người lao động, mức trích lập quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi xã hội, trích nộp BHXH, BHYT; công khai tài chính các nội dung liên quan đến người lao động; việc người lao động quyết định như ký kết và chấm dứt hợp đồng lao động, thỏa ước lao động tập thể.

  • Đồng chí TRẦN THANH HẢI, Phó Chủ tịch thường trực LĐLĐ TPHCM: Xử phạt DN không áp dụng thang bảng lương

Có một thực tế là hiện nhiều DN xây dựng thang bảng lương mà không áp dụng. Đây là vấn đề tồn tại đã lâu mà không được giải quyết triệt để. Nguyên nhân là pháp luật hiện hành chỉ quy định việc xử phạt DN không xây dựng thang bảng lương. Riêng DN xây dựng thang bảng lương rồi để đó, trong khi đó lại trả lương cho công nhân theo một kiểu khác thì không có điều luật nào quy định xử phạt. Chính vì thế, dù công đoàn hay cơ quan quản lý nhà nước có phát hiện được cũng không có căn cứ để xử lý, chế tài DN. Nếu thang bảng lương được áp dụng, người lao động được tăng lương theo niên hạn thì quan hệ lao động sẽ ổn định, người lao động gắn bó nhiều hơn với DN, giảm thiểu được tình trạng ngừng việc tập thể. Do đó, cần xem lại cách quản lý của nhà nước về thang bảng lương. Cần thiết có văn bản pháp luật điều chỉnh kỹ hơn về vấn đề này nhằm đảm bảo quyền lợi ích hợp pháp cho người lao động.

H.Hiệp – M.Hương

Giảm gánh nặng cho công nhân

- Bài 1: Chật vật với giá tăng

- Bài 2: Nhà lưu trú - giải pháp tiết kiệm

Tin cùng chuyên mục