“COP 21 Việt Nam”: Trang bị khả năng tự ứng phó trong thảm họa cho cộng đồng dễ bị tổn thương

Nếu môi trường bị tàn phá: Tăng trưởng 1, thiệt hại 3
“COP 21 Việt Nam”: Trang bị khả năng tự ứng phó trong thảm họa cho cộng đồng dễ bị tổn thương

(SGGPO).- Trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới tổ chức hội nghị về biến đổi khí hậu (BĐKH)2015 (COP 21) đang diễn ra tại Pháp, sáng 2-12, tại TP Huế diễn ra hội nghị toàn quốc "Phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu" do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN-MT), Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam (NAV/NCA Việt Nam) tổ chức.

Nếu môi trường bị tàn phá: Tăng trưởng 1, thiệt hại 3

Được coi là “COP 21 Việt Nam”, hội nghị có sự tham dự của gần 500 đại biểu trong và ngoài nước, trong đó có đại diện của 40 tổ chức tôn giáo thuộc 14 tôn giáo và nhiều tổ chức quốc tế. Đây cũng là lần đầu tiên Việt Nam tổ chức hội nghị này nhằm chia sẻ kinh nghiệm của các mô hình nhân dân phối hợp bảo vệ môi trường, tham gia ứng phó BĐKH ở các địa phương, nhất là đối với các mô hình do đồng bào có đạo thực hiện.

MTTQ Việt Nam, các tổ chức tôn giáo và ngành TN-MT cũng sẽ ký kết chương trình phối hợp ứng phó BĐKH để hình thành phong trào “Toàn dân tích cực tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH”. Tại đây sẽ có cam kết chung của các tôn giáo về bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH. 

Phát biểu khai mạc hội nghị, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, vấn đề ô nhiễm, suy thoái môi trường, hậu quả của BĐKH ảnh hưởng đến an ninh lương thực, nguồn nước, cuộc sống của nhân dân các nước trên thế giới đã trở thành vấn đề của khu vực và toàn cầu, không một quốc gia riêng lẻ nào đủ sức giải quyết, cần sự tham gia của cộng đồng.

Ở Việt Nam, Đảng, Nhà nước đã có chủ trương, chính sách đúng đắn và nhân dân tích cực triển khai các chính sách ứng phó BĐKH, có kết quả bước đầu, song chúng ta đang đối mặt trực tiếp với những  thách thức lớn về tình trạng ô nhiễm, suy thoái môi trường. Đặc biệt là ở khu vực thành thị, nông thôn, khu vực công nghiệp, ven biển, tài nguyên thiên nhiên bị khai thác quá mức.

Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân phát biểu tại hội nghị 

“Theo cảnh báo của một số chuyên gia môi trường, trong 10 năm tới, GDP của Việt Nam có thể tăng gấp đôi nhưng nếu không quan tâm đúng mức đến bảo vệ môi trường, hậu quả môi trường bị tàn phá trong quá trình phát triển thì trung bình GDP tăng 1% nhưng những thiệt hại do môi trường bị tàn phá gây ra có thể lên đến 3% tổng sản phẩm xã hội. Chính vì vậy, chúng ta phải vừa tập trung phát triển kinh tế, vừa bảo vệ môi trường, coi môi trường là mục tiêu cơ bản phát triển bền vững”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh.

Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam cho rằng, COP 21 thế giới đang diễn ra ở Pari nhằm 2 mục tiêu cụ thể: phấn đấu cuối thế kỷ này nhiệt độ trái đất tăng lên không quá 2° so với 200 năm trước; huy động nguồn vốn quốc tế 100 tỷ đô la để tổ chức nghiên cứu và chuyển giao công nghệ tiên tiến góp phần giảm thiểu ảnh hưởng của BĐKH tàn phá môi trường.

“Nếu 200 năm trước, nhân loại hiểu tác hại của việc tăng nhiệt độ trên 2° lớn như thế nào chắc đã không thải khí thải lớn như vậy, không hủy hoại rừng, không hủy hoại tài nguyên như 200 năm qua”, đồng chí Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh và cho rằng, Việt Nam cần khẳng định: bên cạnh tập trung phát triển kinh tế thì cần phải quan tâm hơn bảo vệ môi trường, khắc phục hậu quả do BĐKH gây ra.

Trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 2016-2020, Việt Nam đã coi bảo vệ môi trường là nội dung quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng theo hướng phát triển xanh, hướng tới phục vụ người dân phát triển bền vững.

Theo Chủ tịch Ủy ban TƯ MTTQ Việt Nam, các tôn giáo trên thế giới và Việt Nam đều lấy con người là trung tâm; các tôn chỉ hoạt động, giáo lý, giáo luật đều thể hiện mở rộng tình thương yêu, sống vị tha, bác ái, bao dung, hòa hợp, đoàn kết, tôn trọng thiên nhiên, bảo vệ môi trường, hài hòa sinh thái, vươn tới chân-thiện-mỹ. Trên căn bản của những giáo lý, giá trị yêu thương, với truyền thống tốt đời đẹp đạo, những năm qua 14 tôn giáo ở Việt Nam với hơn 22 triệu chức sắc, nhà tu hành, tín đồ đã tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, triển khai nhiều hoạt động nhân đạo từ thiện, an sinh xã hội có vai trò quan trọng đóng góp nhiệm vụ bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Chính từ kết quả đó, “COP 21 Việt Nam” lần này nhằm  phát huy vai trò của các tôn giáo cùng Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam đẩy mạnh chương trình bảo vệ môi trường và ứng phó với BĐKH trong những năm tới.

Tại hội nghị, các tôn giáo đều có thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của mình

Có khả năng tự ứng phó, có thể giảm đau thương trong thảm họa

Tổng Thư ký Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam NCA, bà Anna-Marie Helland phát biểu nhấn mạnh, BĐKH đang đặt con người và xã hội trước những nguy cơ lớn và Việt Nam là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới.

“Chúng ta có mặt ở đây để tìm cách tăng cường khả năng của cộng đồng Việt Nam trong ứng phó với thảm họa, ứng phó với các cơn bão và lũ lụt sắp đến, tăng cường năng lực ứng phó với những tác động nghiêm trọng của BĐKH đối với người dân và cộng đồng dễ bị tổn thương”, bà nhấn mạnh.

Nhắc lại chuyện cách đây 2 năm, Việt Nam đã rất may mắn và thoát khỏi siêu bão Hải Yến, nhưng siêu bão này đã giết chết hàng ngàn người dân ở Phillipines và hủy hoại một khu vực vô cùng rộng lớn, bà Anna-Marie Helland cho rằng, khi thảm họa thiên tai xảy ra, các tổ chức cứu trợ thế giới khẩn trương vào cuộc. “Tuy nhiên,  phải mất nhiều thời gian hỗ trợ từ bên ngoài mới đến được người dân trong vùng bị thiên tai. Nhiều mạng sống đã bị không thể cứu vãn được trong vòng 24 giờ hoặc 48 giờ đầu tiên. Vì thế người dân rất cần được trang bị khả năng tự ứng phó và hỗ trợ lẫn nhau. Nếu có khả năng tự ứng phó và để cứu sống nhau trong thảm họa, sẽ giảm bớt đau thương, mất mát. Cộng đồng cần phải được trang bị kiến thức và năng lực để tự ứng phó”, bà Anna-Marie Helland khuyến cáo.

Thực tế, chiến lược của NCA Việt Nam là huy động và xây dựng năng lực trong chính các cộng đồng dân cư, nhóm những người dễ bị tổn thương, nhằm tăng cường khả năng ứng phó của chính họ; cứu lấy mạng sống ngay cả trong những giờ đầu tiên của các tình huống khẩn cấp.

Tại hội nghị, các tôn giáo đều có thông điệp về bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH của mình. Trong đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam nêu rõ, “với tâm nguyện và trách nhiệm tri ân của những người con được mẹ Trái đất yêu thương che chở, chúng tôi kêu gọi mỗi người bằng hành động thiết thực, cam kết bảo vệ môi trường bền vững, đó cũng là sự bảo vệ chính mình. Hãy cùng nhau làm cho môi trường xung quanh chúng ta xanh hơn, sạch hơn, và đẹp hơn”.

Cộng đồng người Công giáo Việt Nam cũng nhấn mạnh, thiếu hòa hợp với thiên nhiên, con người, đặc biệt người nghèo, trở thành nạn nhân của tai ương. Vì vậy chúng ta, những người Việt Nam trên giải đất thân yêu này, hãy cùng nhau, bằng tất cả trái tim, bằng khối óc, bằng ý chí, bằng sức lực, quyết tâm góp sức để cứu vãn tình trạng bi đát của trái đất trước khi quá muộn…

PHAN THẢO

Tin cùng chuyên mục