Thắng kiện doanh nghiệp nợ lương

Vừa qua, trên địa bàn TPHCM, hơn 1.600 người lao động từng làm việc tại 2 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài Sae Hwa Vina (huyện Củ Chi) và Keo Hwa Vina (huyện Hóc Môn) đã nhận được lương của mình sau khi doanh nghiệp (DN) phá sản, chủ bỏ trốn. Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của tổ chức công đoàn khi tiến hành khởi kiện DN trong nhiều năm liền mà số tiền gần 10 tỷ đồng đã được trao đến tay công nhân.

Vừa qua, trên địa bàn TPHCM, hơn 1.600 người lao động từng làm việc tại 2 công ty 100% vốn đầu tư nước ngoài Sae Hwa Vina (huyện Củ Chi) và Keo Hwa Vina (huyện Hóc Môn) đã nhận được lương của mình sau khi doanh nghiệp (DN) phá sản, chủ bỏ trốn. Nhờ sự quyết liệt vào cuộc của tổ chức công đoàn khi tiến hành khởi kiện DN trong nhiều năm liền mà số tiền gần 10 tỷ đồng đã được trao đến tay công nhân.

Lần đầu tiên thắng kiện

Cầm trên tay số tiền gần 20 triệu đồng, anh Lương Văn Lân (từng làm việc 10 năm tại Công ty Sae Hwa Vina) chia sẻ: “Thời gian đầu khi công ty đóng cửa, ban giám đốc bỏ trốn, tôi lo lắng vô cùng khi bị mất việc làm mà tiền lương mấy tháng xem như mất hết. Giờ nhận được số tiền lương mà mồ hôi, công sức mình đã bỏ ra, tôi mừng lắm”. Không riêng anh Lân, gần 700 người lao động từng làm việc tại Công ty Sae Hwa Vina chung niềm phấn khởi khi nhận được tiền lương của mình sau gần 5 năm chờ đợi.

Trước đó, vào tháng 9-2016, sau gần 1 năm đi kiện đòi quyền lợi cho công nhân, Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện Hóc Môn cũng đã thắng vụ kiện DN nợ lương, nợ BHXH người lao động và chủ bỏ trốn. Hơn 900 công nhân từng làm việc tại Công ty Keo Hwa Vina (100% vốn Hàn Quốc) đã vui mừng nhận được lương của mình, với số tiền nợ lương gần 6 tỷ đồng. 

Để thắng được 2 vụ kiện DN ngừng hoạt động, nợ lương công nhân, chủ bỏ trốn như trên, cán bộ công đoàn huyện Củ Chi và Hóc Môn đã phải trải qua một hành trình dài kiên trì đeo bám với những cố gắng, vừa làm vừa nghiên cứu, tìm hiểu, bởi đây là vụ việc chưa từng có tiền lệ tại địa phương, pháp luật cũng không quy định rõ ràng hướng xử lý. “Với quyết tâm công đoàn phải bảo vệ quyền lợi người lao động tới cùng, chúng tôi phối hợp với các cơ quan ban ngành để tìm hướng giải quyết thỏa đáng cho người lao động. Nhiều lúc vụ việc đi vào bế tắc, chúng tôi ngồi lại nghiên cứu, tìm hướng đi. Cái khó chính là vụ việc kéo dài, phức tạp, liên quan tới số đông công nhân và có liên quan đến yếu tố nước ngoài”, ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch LĐLĐ huyện Hóc Môn, cho biết. Khi tòa thụ lý vụ án, LĐLĐ huyện Hóc Môn đã cử 1 phó chủ tịch trực tiếp tham gia tại tòa suốt 3 tháng ròng.

Trả nợ lương cho công nhân Công ty Sae Hwa Vina

Chung tay vào cuộc

Chia sẻ kinh nghiệm giải quyết vụ việc, ông Nguyễn Thanh Sang, Phó Chủ tịch LĐLĐ huyện Củ Chi, bảo: “Khi vụ việc xảy ra, cán bộ công đoàn phải trực tiếp xuống công ty để trấn an người lao động, tránh để họ bị kích động mà đập phá tài sản công ty. Khi thấy công đoàn có quyết tâm giúp họ giải quyết vấn đề thì công nhân sẽ an tâm hơn”. Theo ông Sang, cái khó nhất trong vụ kiện là việc tất cả công nhân phải làm giấy ủy quyền thì tổ chức công đoàn mới có thể đứng ra khởi kiện DN được. Mà khi công ty ngừng hoạt động thì công nhân đã tứ tán đi khắp nơi. “Trong vụ việc của Công ty Sae Hwa Vina thì vai trò của chị Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Công đoàn công ty, rất quan trọng. Chị Cúc là đầu mối liên lạc với công nhân để làm giấy ủy quyền và giúp LĐLĐ huyện lấy các bản hợp đồng lao động của công nhân với công ty. Gần 5 năm, chị Cúc đã cùng chúng tôi đeo bám vụ việc và chị đóng vai trò không nhỏ giúp vụ kiện thắng lợi”, ông Sang bày tỏ.

Khi Công ty Sae Hwa Vina ngừng hoạt động, LĐLĐ TPHCM đã có công văn kiến nghị không giải quyết xuất cảnh cho tổng giám đốc công ty cho đến khi giải quyết xong vụ việc. Gần 10 năm trước, LĐLĐ quận 8 cũng có một vụ việc tương tự là chủ DN bỏ trốn, nợ lương, nợ BHXH của công nhân, nhưng khi áp dụng vào vụ việc tại huyện Củ Chi, Hóc Môn thì không ổn vì bối cảnh, quy định pháp luật ở từng giai đoạn khác nhau.

Ngoài các yếu tố nhạy bén, sâu sát cùng người lao động thì qua 2 vụ kiện thành công trên, các cán bộ công đoàn đúc kết được rằng để thắng kiện đòi hỏi sự chung tay vào cuộc của các sở ban ngành, trong đó nổi bật là cán bộ công đoàn phải có quyết tâm, có kiến thức, kiên trì đeo bám vụ việc; sự hỗ trợ tích cực của tòa án; hơn hết, chủ DN phải có thiện chí giải quyết vụ việc.

 Theo ông Nguyễn Văn Khải, Phó Chủ tịch Thường trực LĐLĐ TPHCM, trên địa bàn TP còn nhiều vụ việc DN ngừng hoạt động, nợ lương, nợ BHXH công nhân. Tổ chức công đoàn đã tích cực đeo bám giải quyết, khởi kiện. Tuy nhiên, do mỗi sự việc mang tính chất khác nhau nên không thể áp dụng kinh nghiệm của nơi này vào nơi khác. Cụ thể, có những DN tài sản đều thuê mướn thì không thể bán đấu giá để trả lương người lao động. Trong thời gian tới, tổ chức công đoàn TP sẽ nghiên cứu, kiến nghị một số quy định để đẩy mạnh công tác khởi kiện DN ra tòa, bảo vệ quyền lợi chính đáng của anh chị em công nhân.

THÁI PHƯƠNG

Tin cùng chuyên mục