Đẩy mạnh tín dụng xanh
HDBank cho biết, trước xu hướng nhiều cá nhân, DN đầu tư, kinh doanh, tiêu dùng các sản phẩm xanh, HDBank đang triển khai gói tín dụng 10.000 tỷ đồng dành cho các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch trên cả nước. Lãi suất cho vay ưu đãi với mức giảm 1%/năm so với lãi suất thông thường, tài sản thế chấp là tài sản hình thành từ vốn vay với tỷ lệ cho vay lên đến 80%, thời hạn vay tối đa 10 năm.
Tất cả các DN sản xuất kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp (bao gồm DN nuôi trồng, DN thu mua, DN chế biến…) có nhu cầu đầu tư mở rộng hoặc đầu tư dự án mới ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp sạch, đều có thể vay vốn ưu đãi để thực hiện dự án.
hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp sạch. Ảnh: HUY ANH
Mới đây, NamABank phối hợp với Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình Tín dụng xanh nhằm tài trợ vốn cho các nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất - kinh doanh thân thiện với môi trường và xã hội.
Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng Giám đốc NamABank, chia sẻ rằng biến đổi khí hậu và môi trường bị ô nhiễm là vấn nạn chung của toàn cầu, NamABank mong muốn chung tay xây dựng một môi trường xanh, xã hội bền vững thông qua triển khai dự án “Tôi chọn sống xanh” nhằm góp phần nâng cao nhận thức của người dân về xu hướng lựa chọn sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; công nghệ, thiết bị thân thiện với môi trường; tiết kiệm năng lượng… Mức lãi suất ưu đãi dành cho chương trình này khoảng 5% - 6%/năm.
Ngoài ra, nhiều ngân hàng khác cũng đã mạnh tay rót vốn cho các dự án năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, như Vietcombank vừa rót vốn tài trợ 785 tỷ đồng cho dự án nhà máy điện mặt trời BP Solar 1 tại Ninh Thuận; Agribank tài trợ 950 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời Long Thành (tỉnh Đắk Lắk); VietinBank cấp tín dụng 1.000 tỷ đồng cho việc thực hiện dự án Nhà máy Điện mặt trời TTC số 1 (tỉnh Tây Ninh); HDBank tài trợ 7.000 tỷ đồng cho dự án điện mặt trời kéo dài đến năm 2020 và 3.000 tỷ đồng phát triển năng lượng điện tái tạo tại các tỉnh An Giang, Bình Định, Ninh Thuận đến hết tháng 6-2019…
Còn nhiều trở ngại
Những năm qua, hệ thống ngân hàng Việt Nam đã có những điều chỉnh để dòng tín dụng phù hợp hơn với mục tiêu tăng trưởng xanh, tuy nhiên hiệu quả vẫn chưa được như kỳ vọng. Thống kê từ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) cho thấy dư nợ tín dụng xanh toàn hệ thống đang ngày một tăng: quý 4-2017 dư nợ tín dụng xanh chỉ đạt 180.121 tỷ đồng, quý 2-2018 tăng lên mức 188.270 tỷ đồng và đến quý 3-2018 thì đã tăng mạnh lên 235.717 tỷ đồng. Nhưng, nếu so sánh với tổng dư nợ tín dụng đối với hoạt động đầu tư, kinh doanh bất động sản tính đến thời điểm cuối năm 2017 ở mức hơn 471.000 tỷ đồng, thì mức dư nợ tín dụng xanh nói trên là vẫn còn khiêm tốn.
Thực tế cũng cho thấy, thời gian qua, tín dụng xanh mới tập trung ở lĩnh vực nông nghiệp - nông thôn và dư nợ đối với loại hình tín dụng này cũng chỉ tập trung ở Agribank, còn các ngân hàng thương mại cổ phần khác chưa mạnh dạn đẩy mạnh cho vay, do lo ngại rủi ro cao.
Lý giải về việc chưa thể đẩy mạnh tín dụng xanh, lãnh đạo một ngân hàng thương mại tại TPHCM cho biết, việc đầu tư vốn vào lĩnh vực xanh đòi hỏi thời gian hoàn vốn dài, chi phí đầu tư lớn, rủi ro thị trường cao nên tiềm ẩn nhiều rủi ro về nợ xấu.
Ngoài ra, vấn đề phức tạp về kỹ thuật thẩm định cũng là trở ngại lớn, dẫn đến tín dụng xanh vẫn còn hạn chế. “Để khuyến khích phát triển tín dụng xanh, NHNN không tính nguồn vốn cho vay dự án xanh, sạch vào tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn, ưu đãi tái cấp vốn, tái chiết khấu. Ngoài ra, NHNN xem xét có thể giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với phần nguồn vốn ngân hàng huy động để cho vay dự án tín dụng xanh”, vị này kiến nghị.
Đánh giá về vấn đề này, đại diện Công ty Tài chính Quốc tế (IFC) cho biết, việc đẩy mạnh tín dụng xanh tại Việt Nam chưa được như kỳ vọng không chỉ vì rào cản nợ xấu, mà phát triển tín dụng xanh còn tùy vào chính sách tín dụng xanh của từng quốc gia. Nhiều năm qua, IFC đã cùng NHNN thúc đẩy tín dụng xanh từ những kinh nghiệm của IFC ở các thị trường khác. Tuy nhiên, trong quá trình hỗ trợ cho thấy, các ngân hàng thương mại tại Việt Nam luôn gặp những thách thức và rào cản vì khung pháp lý hỗ trợ thực hiện tín dụng xanh, ngân hàng xanh tại Việt Nam còn thiếu và chưa đồng bộ.
TS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân BizLight, cũng cho rằng hiện các nước trên thế giới đã đẩy mạnh phát triển tín dụng xanh, nhưng nguồn vốn để phát triển loại hình tín dụng này chủ yếu từ nguồn vốn của chính sách hỗ trợ cho các dự án nông nghiệp có hiệu quả cao. Bên cạnh đó, để phát triển tín dụng xanh một cách có hiệu quả, các ngân hàng thương mại phải đầu tư cho hệ thống quản lý rủi ro môi trường và xã hội, xây dựng chuyên môn, năng lực cho nhân viên… nên phát sinh chi phí không nhỏ cho các ngân hàng.
Do đó, cùng với sự chung tay của các tổ chức tín dụng trong việc ưu tiên vốn và tăng cường năng lực xem xét các dự án tăng trưởng xanh, để “xanh hóa” tín dụng, phải có sự vào cuộc và kết nối xuyên suốt từ các cơ quan ban ngành, chức năng đến ngân hàng và DN.
Theo Ngân hàng Nhà nước, hiện mới có khoảng 24% dự án xanh được các ngân hàng xây dựng quy trình thẩm định tín dụng, trong đó chủ yếu được thực hiện tại một số hội sở chính và chi nhánh của các ngân hàng như Sacombank, VietinBank, Vietcombank, Agribank, SHB, ACB, OCB, Kien Long Bank, PVCombank… Bên cạnh đó, 26% số ngân hàng xây dựng và triển khai quy trình quản lý rủi ro môi trường và xã hội trong hoạt động cấp tín dụng xanh, bao gồm HSBC, Standard Chartered, Sacombank, Techcombank, VietinBank. |