Xây dựng bậc thang cho giá điện cần hợp lý


Về việc tăng giá bán điện quá cao, hóa đơn của khách hàng thi nhau “nhảy vọt”, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính).
 PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính)
PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính)

Về việc tăng giá bán điện quá cao, hóa đơn của khách hàng thi nhau “nhảy vọt”, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) đưa ra lý lẽ rằng, tăng giá bán điện (bình quân tăng 8,36%) chỉ là một phần, nguyên nhân chính là do nắng nóng nên nhu cầu sản lượng tăng. Để có cái nhìn đa chiều xung quanh vấn đề này, Báo SGGP đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Ngô Trí Long, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học thị trường giá cả (Bộ Tài chính).

PHÓNG VIÊN: Thưa ông, vì sao hóa đơn tiền điện của người dân lại tăng cao như hiện nay?

PGS-TS NGÔ TRÍ LONG: Sở dĩ hóa đơn tiền điện tăng cao khiến khách hàng bức xúc là do cách tính toán các mức giá quá cao trong từng bậc thang của ngành điện. Chính phủ quy định, mức giá bán lẻ bình quân chỉ có 1.864,44 đồng/kWh (giá mới từ 20-3). Trong khi đó, theo biểu giá điện sinh hoạt hiện nay, nếu một gia đình sử dụng khoảng 300 - 400kWh/tháng thì 50kWh đầu chỉ chịu mức giá của bậc 1 và 50 số tiếp theo chịu mức giá của bậc 2, còn 100kWh tiếp nữa sẽ chịu mức giá của bậc 3… 

Đáng lẽ, đối với những khách hàng dùng điện ở các bậc cao, ví dụ bậc 3, bậc 4 thì EVN chỉ nên thu ở mức giá cao hơn mức giá bán lẻ bình quân (1.864,44 đồng) một chút thôi. Nhưng EVN lại đang thu ở mức quá cao so với mức giá bình quân đó. Cụ thể, căn cứ vào biểu giá điện của 6 bậc thang hiện nay thì mức giá của bậc 1 và 2 đang thấp hơn giá bán lẻ bình quân (trong đó bậc 1 thấp hơn khoảng 10%, bậc 2 là 7%); nhưng bậc 3 lại cao hơn 8%, còn bậc 4 thì cao hơn tới… 38%, bậc 5 cao hơn 50%, bậc 6 cao hơn 58%. Trong khi các bậc 3, 4, 5 là có nhiều hộ gia đình sử dụng nhất. Như vậy, những hộ gia đình dùng nhiều điện thì đang phải chịu mức giá bán điện rất cao, dẫn tới hóa đơn tiền điện tăng cao.

Theo ông, liệu có thể xóa bỏ cách tính giá điện bậc thang được không?

Để kiểm soát việc sử dụng điện tràn lan, thực hiện chính sách tiết kiệm điện vì đây là ngành đặc thù, sản lượng làm ra không đủ đáp ứng nhu cầu, chưa thể tích trữ nên Nhà nước mới xây dựng 6 bậc thang lũy tiến, để vừa đảm bảo có giá điện hợp lý cho người nghèo, vừa không khuyến khích dùng nhiều điện. Vì thế, xây dựng bậc thang cho giá điện là đúng và cần thiết. Còn nếu xóa bỏ bậc thang như nhiều người đề xuất, tức là chỉ dùng chung 1 bậc giá thì chỉ có lợi cho anh nhà giàu, họ sẽ dùng điện “tẹt ga” (thậm chí không có đủ điện), trong khi người nghèo lại phải mua giá điện cao. Xây dựng 6 hoặc 7 bậc cũng được, nhưng cần xem lại “biên độ” các bậc và giá bán điện của từng bậc sao cho hợp lý.

Có thể thay đổi biên độ các bậc ra sao là hợp lý, thưa ông?

Theo tôi, trong tổng sản lượng điện tiêu thụ nên xác định mức nào là mức đang được các hộ khách hàng tiêu thụ nhiều nhất thì cần tính giá bán điện ở mức “vừa phải”, còn cao quá như hiện nay thì chỉ ngành điện được lợi, còn người dân chịu thiệt. Nguyên tắc hiện nay, Chính phủ quy định mức giá bán lẻ điện bình quân là 1.864,44 đồng/kWh thì ngành điện phải chia mức giá bán làm sao để tổng doanh thu chia cho sản lượng điện bán ra trong một thời điểm (ví dụ 1 tháng) chỉ bằng 1.864,44 đồng/kWh như Chính phủ đã quy định, chứ như hiện nay là ngành điện đang bán cao hơn, và có nghĩa là vi phạm quy định của Chính phủ. Theo tôi, nên điều chỉnh dưới 100kWh là 1 bậc, từ 101 - 150 hoặc 200kWh là bậc 2 và cả hai bậc này vẫn nên bán với giá dưới mức giá bán lẻ bình quân. Còn từ bậc 3, 4, 5… thì cao hơn mức giá bình quân, nhưng vẫn phải tính toán ở mức chênh sao cho hợp lý hơn.

Ở các nước trong khu vực, giá điện được tính như thế nào?

Ở các nước phát triển như Nhật Bản và Hàn Quốc chỉ chia 3 bậc thang, vì đời sống, mức sống của người dân ở nước họ không chênh nhau nhiều. Còn các nước kém phát triển hơn thì chia nhiều bậc với chung mục tiêu là phải đảm bảo an sinh xã hội, hạn chế sử dụng điện lãng phí. Chẳng hạn như, Philippines chia 8 bậc, Thái Lan cũng chia 6 bậc như Việt Nam, Indonesia và Malaysia là 7 bậc… Càng phân hóa giàu nghèo, nhiều giai tầng, chênh lệch như chúng ta thì càng nên chia nhiều bậc càng tốt.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra việc tăng giá điện. Hiện Bộ Công thương cũng đã lập đoàn kiểm tra thực tế. Ông đề xuất điều gì?

Đoàn kiểm tra tăng giá điện đã được thành lập nhưng cần thêm các thành phần hiểu sâu về giá điện, cách tính giá điện mới có thể phản biện nếu ngành điện nêu ra các lý lẽ.
Xin cảm ơn ông! 

Tin cùng chuyên mục