
Nhiệm vụ cốt yếu…
Chủ tịch Hồ Chí Minh có quan điểm rất sâu sắc nhưng vô cùng dễ hiểu về vấn đề này. Người cho rằng, nhân cách con người gồm hai thành tố chính là Đức và Tài, trong đó Đức là gốc. Đức bao gồm các đức tính như: cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư… Tài bao gồm tài năng, tư chất, năng lực chuyên môn, nghiệp vụ… do vậy, mỗi cán bộ phải “vừa hồng vừa chuyên”, vừa có đức, vừa có tài.
Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước, con người Việt Nam đã được tôi luyện, rèn đúc để trở thành những con người có nhân cách văn hóa, có bản lĩnh vững vàng, khí phách hiên ngang chiến thắng mọi thế lực ngoại xâm và trong dựng xây, kiến thiết đất nước. Bước vào thời kỳ Đổi mới, cùng với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam vừa được thử thách, tôi luyện, vừa được bổ sung, bồi đắp để ngày càng thích ứng với yêu cầu phát triển đất nước và nhịp sống của thời đại.

Việt Nam kỳ vọng vào thế hệ trẻ. Ảnh: MAI HẢI
Tuy nhiên, trước những thách thức lớn lao của kinh tế thị trường và toàn cầu hóa, bản lĩnh, đạo đức, nhân cách con người Việt Nam đang chịu những tác động nhiều chiều, có những thay đổi, thích nghi và diễn biến phức tạp. Nhiều công trình nghiên cứu của các nhà khoa học đã chỉ ra sự vận động của nhân cách con người Việt Nam trong bối cảnh chuyển đổi đa chiều hay “chuyển đổi kép” của đất nước: về kinh tế là sự chuyển đổi từ cơ chế tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; về xã hội là sự chuyển đổi từ xã hội truyền thống, nông nghiệp sang xã hội hiện đại, công nghiệp; về ý thức là sự chuyển đổi từ ý thức thần dân sang ý thức công dân…
Trong thực tiễn xã hội hiện nay, bên cạnh những tấm gương cao cả, nghĩa hiệp của những con người chính trực, dũng cảm, cao thượng, sống vì đại nghĩa, tận tâm cống hiến cho quê hương, đất nước, thì cũng có không ít những kẻ thấp hèn, ti tiện, tham lam, ích kỷ, chà đạp lên đồng loại, tha hóa về nhân cách. Sự xuống cấp về đạo đức, băng hoại về lối sống nhiều khi đã ở mức báo động đỏ. Về vấn đề này, Nghị quyết số 33-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 9 khóa XI của Đảng đã chỉ ra rất rõ mục tiêu lớn, đồng thời cũng là những tiêu chí cốt lõi mà việc xây dựng con người Việt Nam hiện nay cần hướng tới, đó là những con người phát triển toàn diện, “có nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân, ý thức tuân thủ pháp luật...” với những đặc tính cơ bản: yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo.
Tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại
Để xây dựng bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam trong thời kỳ mới, cần chú trọng một số phương diện như giáo dục bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam phải trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị tốt đẹp của văn hóa truyền thống. Những phẩm chất quý giá của dân tộc Việt Nam như: yêu nước, thương nòi, sống có nghĩa tình, chung thủy, cần cù, chịu khó, khoan dung, nhân hậu… không bao giờ mất đi giá trị. Các đức tính mà Bác Hồ đã nêu như cần, kiệm, liêm, chính cũng không bao giờ lỗi thời. Do vậy, rất cần đề cao và phát huy những thuần phong, mỹ tục của dân tộc, những chuẩn mực văn hóa của cộng đồng, những nét đẹp trong gia phong, nếp nhà của gia đình Việt Nam truyền thống.
Bên cạnh đó, con người Việt Nam cũng cần tích cực tiếp nhận, bổ sung những tố chất mới, hình thành những phẩm chất mới phù hợp với thời đại và đặc biệt là tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại. Cần hạn chế, xóa bỏ những nhược điểm, thói hư tật xấu thừa hưởng từ tính cách dân tộc truyền thống, đến nay đã không còn phù hợp; hình thành các đức tính, kỹ năng, phong cách làm việc năng động, sáng tạo của thời kỳ công nghiệp và hậu công nghiệp. Có như vậy, con người Việt Nam mới có đủ nội lực, bản lĩnh để vượt qua thách thức, bước ra sân chơi quốc tế, trụ vững trước cơn lốc toàn cầu hóa và hội nhập thành công.
Nhìn sang các nước, chúng ta có thể học hỏi được rất nhiều bài học bổ ích. Nước Nhật tuy rất nỗ lực bảo vệ bản sắc dân tộc, nhưng luôn chủ trương “thoát Á nhập Âu”, hội nhập văn minh công nghiệp duy lý phương Tây. Các quốc gia Hàn Quốc, Singapore... đều biết kết hợp những cái hay, cái thích hợp của Khổng giáo vào đời sống hiện đại. Đối với họ, thoát Á không phải là rời bỏ truyền thống Á Đông, mà là thoát khỏi những hạn chế, trói buộc, cản trở của lối tư duy cũ, các giá trị cũ của Á Đông.
Xây dựng bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam trên cơ sở xây dựng một môi trường văn hóa lành mạnh, một đời sống văn hóa phong phú. Một khi đời sống văn hóa tinh thần đầy đủ, phù hợp, môi trường văn hóa trong lành, tốt đẹp, thì con người sống trong môi sinh đó khó có thể tha hóa về nhân cách, xuống cấp về đạo đức. Để nâng cao đời sống văn hóa, rất cần chú trọng phát triển cả văn hóa đỉnh cao và văn hóa đại chúng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa ngày càng đa dạng của người dân. Chú trọng phát huy sứ mệnh cao cả của văn học, nghệ thuật là hướng con người tới các giá trị Chân - Thiện - Mỹ; đặc biệt đề cao vai trò của văn hóa gia đình trong việc hình thành và vun đắp nhân cách, đạo đức con người.
Việc này cũng phải gắn với công cuộc mở mang dân trí, đổi mới nền giáo dục nước nhà. Lịch sử phát triển của nhân loại cũng như ở từng các quốc gia cho thấy vai trò quan trọng của giáo hóa, giáo dục đối với việc hình thành nhân cách, tôi luyện bản lĩnh con người. Trong giai đoạn hiện nay, chúng ta cần đẩy mạnh giáo dục đạo đức, lối sống, lẽ sống cho thế hệ trẻ, nâng cao dân trí trong toàn xã hội gắn với phương châm học tập suốt đời của thời đại.
Việc xây dựng bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam cần phải dựa trên cơ sở khuyến khích sự tự hoàn thiện của mỗi cá nhân. Sự tự ý thức, tự nỗ lực tu dưỡng bản thân có vai trò rất lớn trong quá trình hoàn thiện nhân cách của mỗi người. Tu dưỡng cá nhân được thực hiện trong mọi lĩnh vực của đời sống: giao tiếp, ứng xử, học tập, làm việc, kinh doanh; trong tình cảm cha, mẹ, vợ, chồng, con cái; quan hệ thầy trò, bạn bè, đồng nghiệp, đồng chí, đồng bào…, trong đó cá nhân vừa được tự do thể hiện quyền làm người của mình, vừa phải tích cực tác động đến sự phát triển đi lên của xã hội.
Tựu chung lại, trong việc xây dựng bản lĩnh, nhân cách con người Việt Nam giai đoạn hiện nay rất cần kế thừa tất cả những gì là tinh hoa từ cội nguồn văn hóa dân tộc, đồng thời bổ sung những giá trị mới của thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Rèn luyện bản lĩnh, hoàn thiện nhân cách con người Việt Nam cần được tiến hành và củng cố trong các mối quan hệ đa chiều: truyền thống và hiện đại, cá nhân và cộng đồng, dân tộc và quốc tế, địa phương và nhân loại... Có như vậy, con người Việt Nam mới có thể đáp ứng được yêu cầu phát triển bền vững đất nước khi chúng ta bước vào một kỷ nguyên mới.
|
TS Nguyễn Ngọc Thiện
Ủy viên BCH Trung ương Đảng,
Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch