Xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh

Vấn nạn bạo lực và tệ nạn ở học đường đã và đang cướp đi quyền được học tập, vui chơi, được yêu thương, tôn trọng và sẻ chia của một bộ phận học sinh trong các cơ sở giáo dục; có nguy cơ bào mòn niềm tin cuộc sống, làm lung lay nhân cách của các em. Có thể nói, một trong những nguyên nhân của vấn nạn trên xuất phát từ những hạn chế, thiếu sót trong việc xây dựng môi trường giáo dục, do đó chưa đủ sức lan tỏa và chưa thật sự tác động đến trái tim của mỗi người học. Đây cũng chính là nỗi niềm trăn trở day dứt khôn nguôi của các nhà giáo dục tâm huyết cùng các bậc phụ huynh.

Môi trường giáo dục chứa đựng tất cả điều kiện vật chất và tinh thần ảnh hưởng đến mọi hoạt động giáo dục, học tập, rèn luyện, vui chơi và phát triển nhân cách của các em học sinh. Môi trường giáo dục lành mạnh là môi trường mà người học được bảo vệ, tôn trọng, đối xử công bằng, dân chủ và nhân ái, được tạo điều kiện phát triển phẩm chất và năng lực, không bị tổn hại về thể chất và tinh thần, không có tệ nạn xã hội, không bạo lực; trong đó mọi đối tượng từ người học, cán bộ quản lý, đến giáo viên, nhân viên đều có lối sống lành mạnh, ứng xử văn hóa, đoàn kết, hỗ trợ nhau. Các yếu tố vật chất bao gồm cơ sở vật chất trường học, không gian lớp học, cách trang trí, sắp xếp phòng học, cảnh quan nhà trường, sân chơi, bãi tập, bàn ghế, đồ dùng học tập, trang thiết bị, phương tiện vật chất - kỹ thuật trong nhà trường… Môi trường tinh thần thể hiện thông qua các mối quan hệ trong lớp học, nhà trường, mối quan hệ tương tác hai chiều giữa cán bộ quản lý với các thành viên trong trường, giữa giáo viên với học sinh, học sinh với học sinh, giáo viên với giáo viên. 

Ngoài ra, yếu tố tinh thần còn thể hiện qua phương pháp dạy học, giáo dục học sinh của giáo viên, các chuẩn mực nền nếp truyền thống trong nhà trường, giá trị, niềm tin, dư luận tập thể… Trong một nhà trường, các yếu tố môi trường vật chất và môi trường tinh thần luôn có sự tương tác lẫn nhau, qua đó tạo ra những giá trị nền tảng phục vụ quá trình giáo dục học sinh. Tuy nhiên, thực tế thời gian qua cho thấy vẫn còn một số hạn chế, bất cập cả về môi trường vật chất và môi trường tinh thần trong nhà trường. Đơn cử như tình trạng số lượng học sinh quá đông, quy mô số lớp quá nhiều trong khi đó cơ sở vật chất thiếu thốn, lạc hậu khiến nhiều người thầy trong các cơ sở giáo dục phải nỗ lực hàng ngày chạy đua với nội dung kiến thức mà xao nhãng nhiệm vụ dạy người. Hầu hết ở các trường học, giáo viên và học sinh đầu tư phần lớn thời gian, công sức và các nguồn lực cho hoạt động dạy chữ, mà chưa quan tâm đầu tư xứng đáng cho các hoạt động giáo dục, hoạt động trải nghiệm, do đó học sinh bị hẫng hụt lớn về kinh nghiệm, kỹ năng mềm, kỹ năng sống cần thiết. Một số cơ sở giáo dục không có sân chơi, bãi tập nên học sinh chỉ quanh quẩn trong bốn bức tường lớp học mà không được tham gia các hoạt động vui chơi lành mạnh phù hợp sự phát triển tâm sinh lý lứa tuổi. Bên cạnh đó, kinh phí dành cho các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp hiện nay còn ít ỏi, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn… Bên cạnh đó, những tồn tại của các yếu tố tinh thần cũng ảnh hưởng mạnh mẽ đến hiệu quả giáo dục học sinh. Cụ thể, sự tác động tiêu cực của mặt trái kinh tế thị trường, những mối quan hệ thực dụng đang len lỏi vào môi trường giáo dục làm biến tướng quan hệ thầy - trò. Có hiện tượng một bộ phận xã hội, gia đình, học sinh và giáo viên coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần, lấy giá trị vật chất làm thước đo giá trị tinh thần. Môi trường dạy học chạy theo thành tích đề cao điểm số hơn là hệ thống định hướng giá trị cần hình thành trong nhân cách học sinh, do đó phần nào tạo áp lực nặng nề về phương pháp, hình thức tổ chức dạy học. Sự thiếu quan tâm của gia đình và xã hội, phó mặc cho nhà trường trong công tác giáo dục học sinh cũng trở thành rào cản rất lớn dẫn đến hiệu quả giáo dục không đạt như kỳ vọng.
 
Thực trạng trên cho thấy, vấn đề xây dựng, phát triển môi trường vật chất và tinh thần trong nhà trường có ý nghĩa cấp thiết góp phần kiến tạo môi trường giáo dục lành mạnh, tạo điều kiện thuận lợi, lôi cuốn học sinh tham gia các hoạt động học tập, vui chơi, định hình nhân cách. Đây cũng là việc làm đòi hỏi vai trò chủ động của nhà trường, nhà giáo dục cùng với sự hưởng ứng nhiệt tình của gia đình, các tổ chức đoàn thể và cộng đồng xã hội. Trong đó, trường học cần tích cực tuyên truyền, giải thích để cộng đồng, xã hội nhận thức đầy đủ về ý nghĩa của việc xây dựng “ba chân chống”, gồm: môi trường giáo dục nhà trường, môi trường giáo dục gia đình và môi trường xã hội; tạo điều kiện cho học sinh phát triển hài hòa thể chất, trí tuệ, tâm hồn và phẩm chất đạo đức. Song hành với việc từng bước trang bị cơ sở vật chất, nhà trường phải phối hợp tổ chức đa dạng các hoạt động trải nghiệm, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục giới tính, pháp luật, hoạt động thiện nguyện vì cộng đồng, vui chơi, giải trí, thể thao lành mạnh, phù hợp độ tuổi và tâm sinh lý học sinh. Đồng thời, cơ sở giáo dục cũng thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức cho học sinh, cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên, gia đình người học và cộng đồng tích cực hưởng ứng và ủng hộ xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, an toàn, thân thiện.

Trong điều kiện và khả năng có hạn, mỗi nhà trường, nhà giáo dục cần nhận thức sâu sắc về vai trò của mình, từ đó chủ động tìm kiếm giải pháp phù hợp thực tế và từng bước tạo dựng niềm tin cho xã hội về môi trường giáo dục vì sự phát triển của các thế hệ học sinh.

Tin cùng chuyên mục