Xây dựng nền kinh tế vững mạnh: Phải rạch ròi công, tư

Xây dựng nền kinh tế vững mạnh: Phải rạch ròi công, tư

Khát vọng Việt Nam đến năm 2035 sẽ trở thành một nước công nghiệp hiện đại, hướng tới thịnh vượng, sáng tạo, công bằng và dân chủ.

Để đạt được mục tiêu đó, Chính phủ Việt Nam đã đưa ra sáng kiến xây dựng báo cáo Việt Nam 2035. Một trong những giải pháp mà đề án “Khát vọng Việt Nam 2035” đề ra chính là làm sao để bộ máy hoạt động hiệu quả, tăng cường trách nhiệm giải trình của các cơ quan nhà nước, kích thích sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Sản xuất tại một doanh nghiệp tư nhân ở TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Trì trệ nền kinh tế

Báo cáo đánh giá, Nhà nước kém hiệu lực là nguyên nhân dẫn tới sự trì trệ năng suất và gây ra môi trường kém thuận lợi cho sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân. Báo cáo này cho rằng, do điều kiện lịch sử nên những thiết chế công đã bị thương mại hóa, cát cứ, manh mún và thiếu sự giám sát của người dân. Trong đó, tình trạng “thương mại hóa” là do Nhà nước tham gia quá nhiều vào hoạt động kinh tế. Cụ thể là tham gia trực tiếp qua các doanh nghiệp (DN) nhà nước, đặc biệt là các tập đoàn kinh tế nhà nước và tham gia gián tiếp thông qua sự gắn kết chặt chẽ với một nhóm đặc quyền trong khu vực tư nhân trong nước. Quan hệ của các nhóm đặc quyền với Nhà nước thường gắn với kết quả hoạt động kinh doanh cao bất thường…

Báo cáo cũng chỉ rõ, tình trạng cấu trúc Nhà nước cát cứ, manh mún là hệ quả của sự thiếu rõ ràng trong phân cấp, phân quyền và chưa có sự phân định trách nhiệm giữa các cơ quan trong bộ máy nhà nước. Điều đó tạo ra sự trì trệ và thiếu hiệu quả trong hoạch định và thực thi chính sách. Chính sự cát cứ, manh mún quyền lực theo chiều ngang và chiều dọc dẫn đến chồng chéo nhiệm vụ và gây mâu thuẫn giữa các quy định và quyết định của các cơ quan nhà nước. Nguyên nhân chính là do Nhà nước quản lý công chức không dựa trên năng lực, điều này làm trầm trọng thêm các tác động bất lợi của tình trạng thương mại hóa và cát cứ, manh mún của Nhà nước đối với chất lượng hành chính công ở Việt Nam. Từ đó, Chính phủ gặp khó khăn trong việc phối hợp chính sách kinh tế, do có sự thỏa hiệp giữa các cơ quan nhà nước với nhau và sự mặc cả giữa Nhà nước với khu vực tư nhân. Sự phối hợp này cũng làm cản trở sự giám sát đối với các quyết định chính sách cũng như sự phản hồi của công chúng về hệ quả của các chính sách kinh tế.

Phải đổi mới mạnh mẽ

Các chuyên gia cho rằng, muốn nền kinh tế phát triển và cạnh tranh lành mạnh thì phải xây dựng các chính sách minh bạch để khu vực kinh tế tư nhân phát triển. Trước hết, muốn hiện đại hóa thể chế Việt Nam đòi hỏi phải đổi mới mạnh mẽ mối quan hệ giữa Nhà nước với thị trường và xã hội. Trong đó, phân định rõ vai trò công, tư của Nhà nước. Xây dựng bộ máy quản lý chuyên nghiệp, có năng lực hoạch định chính sách và chịu trách nhiệm.

Báo cáo cho rằng, thực hiện nỗ lực nâng cao năng lực và trách nhiệm giải trình của Nhà nước cần phải thực hiện đồng bộ 3 nội dung. Thứ nhất, các cơ quan nhà nước được tổ chức hợp lý: Phân định rõ ràng quyền và trách nhiệm của các cơ quan nhà nước nhằm đạt được hiệu quả và trách nhiệm giải trình tốt hơn. Muốn làm được điều đó phải đi kèm giải pháp đảm bảo tài năng trong bố trí nguồn nhân lực.

Thứ hai, áp dụng nguyên tắc thị trường trong hoạch định chính sách kinh tế: Mối quan hệ giữa Nhà nước và thị trường nằm ở chỗ phân định rõ ràng giữa khu vực công và khu vực tư. Cụ thể, các cơ quan chính quyền tham gia vào các quyết định kinh tế sẽ không được tham gia vào bất cứ hoạt động kinh doanh nào nhằm tránh xung đột lợi ích. Nhà nước cần chuyển đổi vai trò từ thiên về sản xuất kinh doanh sang xây dựng khuôn khổ pháp lý và kiến tạo sân chơi bình đẳng trong nền kinh tế. Trong đó, tập trung vào việc thực thi cạnh tranh tự do và công bằng, đảm bảo an toàn và minh bạch quyền tài sản, đặc biệt là đất đai. Nhà nước không chỉ giảm số lượng DN nhà nước, mà phải chấm dứt ưu đãi cho DN nhà nước và các DN tư nhân thân hữu. Đồng thời, cần có một hệ thống pháp lý độc lập cho môi trường kinh doanh bình đẳng.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm giải trình của Nhà nước thì Quốc hội phải trở thành cơ quan chuyên nghiệp và giám sát toàn bộ các hoạt động của Nhà nước. Cần có khung pháp lý buộc cơ quan công quyền phải minh bạch và tạo cơ chế cho người dân tương tác hiệu quả với Nhà nước thông qua việc tăng cường tiếp cận thông tin chính xác, kịp thời, đồng thời nâng cao vai trò của các cơ quan thông tin đại chúng.

CHẾ HÂN

Tin cùng chuyên mục