Tỉnh Quảng Ngãi đã quy hoạch khoảng 26 nhà máy thủy điện vừa và nhỏ. Trong các huyện có dự án, hiếm có địa phương nào như huyện nghèo Sơn Hà lại chiếm tới 18 dự án, trong đó 9 dự án ảnh hưởng trực tiếp: Nước Lác, Sơn Trà 1, Sơn Trà 2, Sơn Trà 3, Tam Rao, Tầm Linh, Nước Trong, Dakrinh, Trà Khúc 1 và 9 dự án ảnh hưởng gián tiếp, gồm: Bờ E, Sông Tang 1, Sông Tang 2, Thạch Nham, Đak Selo, Dakrinh, Huy Măng, Sơn Tây và DakBa.
Trong các dự án thủy điện trên, mới chỉ Nhà máy thủy điện Nước Trong phát điện và hòa lưới điện quốc gia, 2 dự án Tam Rao và Tầm Linh đã bị rút giấy phép, Nước Lác, Sông Tang 1 và 2 đang được UBND tỉnh đề nghị Bộ Công thương loại khỏi quy hoạch và 2 dự án đang tiến hành khảo sát, thiết kế (Sơn Trà 1 và DdakRinh 2).
Dù vậy, xét bình diện chung thì huyện Sơn Hà vẫn là “nhà giàu” nhất về tiềm năng thủy điện của tỉnh này. Vậy nhưng, sự giàu có này đang đem lại những bất an cho người dân và lãnh đạo huyện Sơn Hà sau hàng loạt vụ xả lũ từ các nhà máy thủy điện ở các tỉnh khác gây thiệt hại nặng nề về tài sản và con người cũng như các vụ vỡ, sạt đập thủy điện gần đây.
Báo cáo của huyện Sơn Hà ngày 6-11-2013 trích dẫn cụ thể: đỉnh lũ tháng 12-1986, khi chưa có cầu sông Rin, trung tâm thị trấn Di Lăng bị ngập từ 2 - 3m, tại khu vực sân vận động Di Lăng (nay là nhà văn hóa thiếu nhi) ngập gần 1m, thời gian ngập hơn 24 giờ. Đỉnh lũ khi có cầu sông Rin (cầu tràn), cũng tại các vị trí đó, nước lũ ngập từ 1,2m đến gần 4m, thời gian ngập tăng lên 36 giờ… Như vậy, nếu xây dựng thủy điện, lòng sông bị tắc, nếu mưa dài ngày, mưa lớn, lưu tốc dòng chảy bị hạn chế, khả năng trung tâm thị trấn Di Lăng ngập chìm trong nước lũ sẽ sâu hơn và dài ngày hơn. Ngoài ra, vào mùa khô, các hồ tích nước sẽ gây cạn kiệt nguồn nước vùng hạ lưu, đập Thạch Nham sẽ không đủ năng lực tưới cho hơn 52.000ha đất sản xuất nông nghiệp của các huyện đồng bằng. Vào mùa lũ, các hồ chứa đồng loạt xả nước sẽ gây nên lũ chồng lũ, các vùng trũng ở thị trấn Di Lăng, xã Sơn Hải, Sơn Trung, Sơn Giang, Sơn Cao, Sơn Linh, Sơn Nham (huyện Sơn Hà), xa hơn nữa là các huyện đồng bằng sẽ bị nhấn chìm sâu trong lũ.
Những lo ngại ấy đã được huyện Sơn Hà đưa ra lấy ý kiến nhân dân. 12 đại biểu đại diện nhân dân đều bày tỏ sự quan ngại, lo lắng khi xây dựng thủy điện, đặc biệt thủy điện Trà Khúc 1 là “lợi bất cập hại”, làm tăng nguy cơ lũ lụt, sạt lở núi, ảnh hưởng đến đời sống nhân dân.
Đem chuyện “nhà giàu” này trao đổi với một lãnh đạo huyện Sơn Hà, vị này “mừng” như mếu: “Nếu tỉnh chưa loại bỏ hay đã loại bỏ một số thủy điện theo quy hoạch thì việc tập trung 2/3 thủy điện vừa và nhỏ trên địa bàn huyện Sơn Hà là rất bất cập. Một huyện phải gánh 18 dự án thủy điện trực tiếp và gián tiếp là ngoài khả năng xử lý những hậu quả xấu hoàn toàn có khả năng xảy ra. Hầu hết các dự án thủy điện đều chiếm diện tích lớn đất rừng phòng hộ, thiệt hại này không thể đo đếm và đền bù bằng tiền”.
Vị lãnh đạo này cũng cho rằng trong trường hợp tỉnh vẫn quyết định đầu tư xây dựng các dự án thủy điện, huyện Sơn Hà đành phải chấp hành theo quyết định nhưng sẽ báo cáo quan điểm và diễn biến đến toàn thể nhân dân biết rõ. Như thế, mọi hậu quả và các hệ lụy xảy ra như đã dự báo trong hàng chục năm sau, đối với nhiều thế hệ nhân dân Sơn Hà thì huyện không chịu trách nhiệm và cơ quan quyết định đầu tư sẽ phải trực tiếp xử lý hậu quả.
HÀ MINH