Hội thảo báo Đảng 5 thành phố trực thuộc Trung ương với chủ đề “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng thành phố văn minh, hiện đại” lần thứ 3 do Báo SGGP vừa tổ chức đã nhận được nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu về vai trò của báo Đảng trong công cuộc xây dựng thành phố văn minh, hiện đại. Trong đó, nhiều ý kiến cho rằng giải pháp về thể chế, cơ chế mang yếu tố quyết định. Báo SGGP trích đăng một số ý kiến.
Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin - Truyền thông) Hoàng Hữu Lượng: Báo Đảng đóng vai trò định hướng
Mặc dù hệ thống báo chí có rất nhiều tờ báo nhưng báo Đảng vẫn là nòng cốt, là xương sống của nền báo chí cách mạng Việt Nam. Đây là những tờ báo chuẩn mực về thông tin (mang tính định hướng chung, toàn diện, chính xác, đúng pháp luật), góp phần đem lại ổn định chính trị cho xã hội. Trong thời gian tới, các báo Đảng cần hướng tới thông tin nhanh hơn để có thể chủ động về mặt thông tin.
Về hội thảo báo Đảng 5 TP trực thuộc Trung ương, tôi cho rằng đây là sáng kiến rất tốt. Chủ đề hội thảo lần này - “Báo Đảng và nhiệm vụ góp phần xây dựng TP văn minh, hiện đại” - rất đúng và thiết thực. Bởi vì các chính khách nước ngoài, các nhà kinh tế, du khách đến một quốc gia trước hết là đến các đô thị; đặc biệt 5 TP: Hà Nội, TPHCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ - những đô thị mà du khách nước ngoài đến thăm nhiều nhất - vừa là mũi nhọn trong kinh tế vừa là bộ mặt của quốc gia nên càng cần phải chuẩn mực về văn minh đô thị. Hệ thống báo Đảng và báo chí cả nước phải định hướng, tạo sự đồng thuận trong xây dựng đô thị văn minh, hiện đại; chẳng hạn như đi trước trong việc phản ánh các vấn đề tồn tại về kinh tế đô thị.
Trong quy chế làm việc của Chính phủ hiện nay, Chính phủ yêu cầu thông tin hoạt động của Chính phủ phải đến người dân, các bộ ngành phải cung cấp thông tin cho báo chí. Mọi vấn đề được thông tin trên mặt báo sẽ tạo nên sự ổn định. Từ giá xăng, giá dầu đến giá điện nếu được thông tin, giải thích trước thì khi ban hành, người dân sẽ chấp nhận. Tôi mong báo chí sẽ đóng góp vào nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội, trong đó có văn minh, trật tự của đời sống đô thị để ngày càng tốt hơn.
Tổng Biên tập Báo Hà Nội Mới Tô Quang Phán: Yếu tố con người đặc biệt quan trọng
Một TP được coi là văn minh, hiện đại chỉ khi nó có đầy đủ điều kiện tạo ra môi trường sống thỏa mãn nhu cầu của cư dân ở mức độ cao, từ điều kiện sống và làm việc, học tập, sinh hoạt giải trí, giao thông… Và khi sống trong TP ấy, bằng sự tự ý thức, trong con người ta rất khó xuất hiện lối ứng xử đi ngược lại lề lối được duy trì bởi số đông, dựa trên những định chế xã hội. Để xây dựng một TP văn minh, hiện đại, ngoài tiềm lực vật chất thì yếu tố con người giữ vai trò đặc biệt quan trọng, thể hiện ý thức tự giác tham gia xây dựng cộng đồng văn minh của mỗi cư dân đô thị và đề ra giải pháp quản lý, phát triển đô thị.
TS Nguyễn Hữu Nguyên, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC): Báo Đảng phải phản ánh và phản biện tốt
Về lý luận, báo Đảng ở các TP trực thuộc Trung ương là tiếng nói chính trị của Đảng bộ đó - có chức năng tuyên truyền đường lối, chủ trương chính sách của Đảng nói chung và Đảng bộ TP nói riêng đến tất cả đảng viên của Đảng bộ, đồng thời tuyên truyền sâu rộng trong mọi tầng lớp nhân dân nhằm tạo sự đồng thuận và tích cực hưởng ứng thực hiện. Nói cách khác, báo Đảng phải làm được nhiệm vụ đưa các nghị quyết của Đảng về xây dựng TP XHCN, văn minh, hiện đại vào cuộc sống, thể hiện qua hai chức năng: phản ánh và phản biện.
Đối với chức năng thứ nhất, báo Đảng cần phản ánh những hiện tượng, những vấn đề thiết thực nhất hoặc bức xúc nhất trong đời sống của nhân dân; và quan trọng là phải phản ánh khách quan, trung thực. Ví dụ như vấn đề ùn tắc giao thông ở TP, các bài báo nói nhiều đến ý thức chấp hành của người dân còn kém mà không mổ xẻ nguyên nhân nằm ở phía trách nhiệm giáo dục về cách hành xử văn hóa của lực lượng thực thi luật giao thông. Khi báo giấy, báo mạng, báo nói, báo hình không phản ánh thì “báo miệng” lại rất sôi nổi bàn tán về khía cạnh này ở các quán nhậu lai rai và các quán cóc vỉa hè!
Đối với chức năng thứ hai, báo Đảng cần phản biện chính những chủ trương và sự lãnh đạo của Đảng bộ một cách khách quan, trung thực. Phản biện không phải là phản bác hay phản đối mà là đưa ra những cách hiểu đúng hơn, giải pháp hiệu quả hơn. Tuy nhiên, trên thực tế báo Đảng chưa làm tốt chức năng này. Cụ thể như những vấn đề về quá tải dân số, môi trường, giao thông…, báo Đảng chỉ dừng lại ở mức nêu hiện tượng tiêu cực xảy ra hàng ngày nhưng chưa nói đến nguyên nhân thuộc về lãnh đạo, quản lý. Tóm lại, báo Đảng với tư cách là tiếng nói chính trị của một Đảng bộ thì cần phải có tính chiến đấu cao và tầm trí tuệ tương xứng.
Phó Tổng biên tập Báo SGGP Lê Tiền Tuyến: Đổi mới thể chế điều hành tại các đô thị lớn
Tôi đề xuất 3 nhóm giải pháp thực hiện, gồm: Tuyên truyền, vận động; quản lý điều hành và giải pháp về thể chế, cơ chế. Báo Đảng 5 TP trực thuộc Trung ương cần phải vào cuộc mạnh hơn bằng việc chẻ nhuyễn, tuyên truyền sâu chủ đề xây dựng TP văn minh, hiện đại để đưa cuộc vận động đi sâu vào các tầng lớp nhân dân, thể hiện bằng chỉ tiêu, phong trào thi đua cụ thể. Với chức năng của mình, các báo có thể tổ chức nhiều hơn nữa những hình thức vận động quần chúng, thể hiện sinh động. Mục tiêu là biến cuộc vận động giữ gìn văn minh đô thị dần thành hành động mang tính tự giác cao.
Để xây dựng TP văn minh, hiện đại theo yêu cầu mới - đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020, yêu cầu tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư giải quyết cơ bản những tắc nghẽn, quá tải, giải tỏa những bức xúc trong thực tế quản lý, vận hành tại các đô thị lớn hiện nay để hình thành kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tương đối đồng bộ.
Để làm được điều này cần sớm xây dựng quy hoạch chung hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội cả nước. Trong điều kiện ngân sách nhà nước hạn hẹp, phải mở rộng các hình thức thu hút mạnh nhiều thành phần kinh tế trong nước, nước ngoài tham gia đầu tư; mở rộng hình thức hợp tác công tư; đổi mới cơ chế, chính sách để huy động mạnh nguồn lực đất đai vào phát triển hạ tầng.
Cuối cùng, để tăng tốc phát triển nhanh và xây dựng TP văn minh, hiện đại cần đổi mới thể chế điều hành tại các đô thị lớn. Lâu nay việc tổ chức quản lý các đô thị lớn ở nước ta không khác gì với địa bàn nông thôn, trong khi đó về quy mô dân số, kinh tế, yêu cầu hưởng thụ văn hóa, cuộc sống tinh thần của thị dân rất khác. Việc quản lý đô thị ở các đô thị lớn còn luôn phải giải quyết những vấn nạn như: thiếu nhà ở, đường sá xuống cấp, bùng nổ dân số nhập cư, thất nghiệp, tệ nạn xã hội… Trước thực trạng như vậy, công tác quản lý đô thị cần có cơ chế đặc thù riêng, phù hợp, là cần xây dựng chính quyền đô thị.