Xây dựng “thủ phủ” nông nghiệp công nghệ cao Hoài Ân

Với lợi thế vùng trung du, miền núi tỉnh Bình Định, huyện Hoài Ân đang tập trung phát triển thế mạnh của mình, trong đó có ngành mũi nhọn nông nghiệp. Hiện, địa phương đang nỗ lực xây dựng lên một “thủ phủ” nông nghiệp theo hướng hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; từng bước đa dạng hóa sản phẩm, tăng cường các chuỗi liên kết nhằm nâng cao giá trị, mở rộng thị trường để tạo nguồn thu bền vững.

Đa dạng sản phẩm

Năm 2022 dù đối diện với nhiều khó khăn như đại dịch, thị trường, lạm phát giá cả và thiên tai, mưa lũ... song ngành nông nghiệp Hoài Ân vẫn giữ vững được những thành quả đạt được. Các sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu tiếp tục phát huy lợi thế, như: bưởi da xanh, dừa xiêm, tiêu hột, heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân, Trà Hoa hòe... đã đem lại nguồn thu nhập cao, góp phần tích cực xóa đói giảm nghèo, vươn lên làm giàu chính đáng cho người dân; thúc đẩy phát triển KT-XH gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới và nông thôn mới nâng cao.

Khu trang trại chăn nuôi hiện đại ở Hoài Ân

Khu trang trại chăn nuôi hiện đại ở Hoài Ân

Chăn nuôi là thế mạnh lớn của Hoài Ân, đang được địa phương chú trọng thúc đẩy phát triển. Đến nay, toàn huyện có 5 trang trại áp dụng công nghệ cao và 1.960 trang trại quy mô vừa và nhỏ. Hoài Ân được mệnh danh là thủ phủ chăn nuôi heo cấp huyện lớn nhất miền Trung với tổng đàn 248.675 con, chuyên xuất bán, cung ứng các thị trường lớn ở miền Trung và Tây Nguyên.

Trong đó, sản phẩm heo Hoài Ân, gà ta thả vườn Hoài Ân được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ KH-CN) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu. Huyện đang xúc tiến xây dựng sớm đưa vào hoạt động trung tâm tập kết và mua bán sản phẩm động vật chăn nuôi tập trung tại xã Ân Phong và xây dựng chuỗi liên kết tiêu thụ heo thịt với thị trường ở thành phố Đà Nẵng, Huế, Quảng Nam, Quảng Ngãi...

Bưởi Hoài Ân nổi tiếng thơm ngon

Bưởi Hoài Ân nổi tiếng thơm ngon

Các kết quả trồng trọt được cải thiện, từng bước hướng đến sản xuất có sự điều phối, hướng dẫn của ngành chuyên môn, viện nghiên cứu để nâng cao năng suất, giảm chi phí đầu tư cũng như công sức lao động. Đặc biệt, ngành trồng trọt huyện đang đẩy mạnh ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất với việc đồng bộ ứng dụng cơ giới hóa, từ khâu làm đất đến thu hoạch và trang bị công nghệ tưới tiêu, nhà màng sản xuất, giống mới...

Ngoài ra, huyện Hoài Ân còn đang xây dựng trở thành vùng trồng cây ăn quả lớn nhất Bình Định, với trên 3.766ha cây ăn quả. Trong đó, nhiều loại cây trồng đang cho giá trị kinh tế cao, chất lượng tốt như: bưởi da xanh (315ha), dừa xiêm (457ha) quýt đường (58,3ha), bơ sáp (72ha), tiêu hột (309,8ha), cây dâu tằm (265ha)... Địa phương cũng đang tiếp tục triển khai thực hiện dự án trồng cây ăn quả tập trung (80ha) ứng dụng các kỹ thuật chăm sóc theo hướng hữu cơ đạt tiêu chuẩn VietGap, được chứng nhận sản phẩm OCOP tại các xã Ân Tường Đông, Ân Hữu, Ân Tường Tây, Ân Hảo Tây, Ân Tín, Ân Mỹ và Ân Hảo Đông... Đến nay, huyện đã xây dựng 25 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP từ 3 đến 4 sao.

Chủ doanh nghiệp nông sản ở Hoài Ân không ngừng đa dạng hóa sản phẩm

Chủ doanh nghiệp nông sản ở Hoài Ân không ngừng đa dạng hóa sản phẩm

Đặc biệt, địa phương có trên 50ha bưởi da xanh đạt chứng nhận VietGAP, chứng nhận hữu cơ. Các sản phẩm bưởi da xanh, trà Gò Loi, dừa xiêm Hoài Ân đã được Cục Sở hữu trí tuệ giấy chứng nhận nhãn hiệu. Các ngành chức năng của huyện cũng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị cấp chứng nhận các sản phẩm nông sản chủ lực khác như: tiêu hột Hoài Ân, mít thái Hoài Ân, gạo hữu cơ Hoài Ân (đang trong thời gian chờ công nhận). Huyện đang tiếp tục phấn đấu đến năm 2025 diện tích trồng cây ăn quả chủ lực được cấp chứng nhận VietGAP đạt trên 250 ha và được cấp mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đầy đủ.

Nhiều con giống chăn nuôi mới đang thử nghiệm

Nhiều con giống chăn nuôi mới đang thử nghiệm

Tiêu Hoài Ân

Tiêu Hoài Ân

Ngoài ra, huyện Hoài Ân đang chỉ đạo Phòng NN-PTNT huyện phối hợp với Hợp tác xã (HTX) Thanh niên Hoài Ân hướng dẫn, hỗ trợ xây dựng dự án liên kết sản xuất và tiêu thụ trên địa bàn huyện để tham mưu UBND huyện trình tỉnh phê duyệt (qui mô dự án liên kết trên 100ha, thời gian thực hiện từ năm 2022-2025). Đây là chuỗi liên kết mà sản phẩm có thị trường tiêu thụ tương đối ổn định và khả năng phát triển, đang áp dụng các quy trình sản xuất VietGap, hướng đến sẽ tạo ra các sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và được cấp mã số vùng trồng.

Hướng đến ứng dụng công nghệ cao

Ông Nguyễn Hữu Khúc, Chủ tịch UBND huyện Hoài Ân, đánh giá, những năm qua, địa phương luôn xác định ngành nông nghiệp là mũi nhọn phát triển. Tuy nhiên, đến nay giá trị ngành nông nghiệp hiện tại chưa thực sự phát triển bền vững, chưa đem lại nguồn thu lớn. Vì vậy, để ngành nông nghiệp phát triển xứng tầm, tạo ra nội lực phát triển mạnh mẽ cho huyện thì còn rất nhiều việc phải làm. Trong đó, cần có sự quan tâm về nguồn lực từ tỉnh và các sở, ban ngành...

Năm 2022 huyện Hoài Ân tổ chức Ngày hội nông sản quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế

Năm 2022 huyện Hoài Ân tổ chức Ngày hội nông sản quảng bá, giới thiệu tiềm năng lợi thế

Ông Nguyễn Hữu Khúc, cho biết: “Tới đây, để ngành nông nghiệp huyện phát triển thì ngoài quy hoạch lại không gian, tổ chức lại sản xuất thì chúng tôi cần đẩy mạnh thu hút đầu tư dự án lớn, liên kết các ngành nghề phát triển, trong đó có du lịch nông nghiệp. Tiếp tục tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất gắn với đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, nhất là củng cố xây dựng hệ thống thủy lợi, đường giao thông, hệ thống điện.

Sản phẩm nông nghiệp Hoài Ân hầu hết được gắn nhãn mác, nguồn gốc

Sản phẩm nông nghiệp Hoài Ân hầu hết được gắn nhãn mác, nguồn gốc

Ông Khúc nói thêm, ngành nông nghiệp Hoài Ân thời gian tới cần thiết phải xây dựng được chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ; tăng cường khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng thị trường trên phạm vi cả nước, nhất là đối với các sản phẩm sản xuất với quy mô lớn. Đặc biệt, huyện đang quyết tâm phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao gắn với đẩy mạnh xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện; đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát...

Để đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện hiệu quả Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, UBND huyện Hoài Ân đề nghị UBND tỉnh, các sở, ban ngành cần tạo điều kiện, sớm ban hành chính sách khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất, trồng trọt ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2022-2025 trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hỗ trợ kinh phí thực hiện một số mô hình phát triển sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trong phát triển trồng cây ăn quả chủ lực của huyện: mô hình tưới tự động, tưới tiên tiến, tiết kiệm trên diện tích trồng cây ăn quả tập trung, quy mô lớn tại một số địa phương như Ân Tường Đông, Ân Hữu, Ân Tín, Ân Hảo Tây...

Hoài Ân rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Hoài Ân rất có tiềm năng phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng hiện đại

Sản phẩm nông nghiệp được sản xuất theo hướng hiện đại

Trong đó, cần sớm thực hiện đề án chuyển đất rừng sản xuất (rừng trồng) kém hiệu quả sang mục đích khác để bố trí trồng cây ăn quả gắn với dự án hỗ trợ phát triển các loại cây trồng có thế mạnh của địa phương. Theo đó, tổng diện tích chuyển đổi trên 47,4ha tại địa bàn các xã Ân Hữu, Ân Tường Đông, Ân Tường Tây, Ân Mỹ, Ân Thạnh và Thị trấn Tăng Bạt Hổ. Tổ chức tập huấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao cho các doanh nghiệp, HTX, người dân địa phương. Đồng thời, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX và người dân huyện được tiếp cận vốn vay từ các tổ chức tín dụng, ngân hàng...

Viện nghiên cứu nông nghiệp thử nghiệm nhiều mô hình ở Hoài Ân

Viện nghiên cứu nông nghiệp thử nghiệm nhiều mô hình ở Hoài Ân

Người dân huyện Hoài Ân khai thác vườn cây ăn quả trên diện tích đất khô cằn

Người dân huyện Hoài Ân khai thác vườn cây ăn quả trên diện tích đất khô cằn

Ngoài ra, tỉnh cần quan tâm hỗ trợ kinh phí để huyện tổ chức Ngày hội nông sản huyện Hoài Ân định kỳ 2 năm/lần. Đây là dịp để huyện đẩy mạnh công tác tuyên truyền, quảng bá giới thiệu sản phẩm nhất là các sản phẩm nông nghiệp chủ lực. Tỉnh cũng cần quan tâm hỗ trợ xây dựng vùng an toàn kiểm soát tốt dịch bệnh; hỗ trợ xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ, nhất là đối với chuỗi liên kết tiêu thụ heo thịt với thị trường Đà Nẵng.

Mời gọi dự án nông nghiệp công nghệ cao

Huyện Hoài Ân đang có 14 HTX nông nghiệp và 6 HTX chuyên ngành nông nghiệp thành lập mới năm 2020 trên các lĩnh vực. Trong đó nổi bật có HTX-NN công nghệ cao L.A thực hiện áp dụng hệ thống nhà màng, tưới nhỏ giọt trong sản xuất các loại rau ăn lá, dưa lưới, dưa lê và HTX-NN Thanh niên Hoài Ân thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông sản cho người dân.

Địa phương đang kêu gọi, khuyến khích các DN, tổ chức kinh tế đầu tư lĩnh vực nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; huyện đang tạo điều kiện các DN đầu tư 5 trang trại chăn nuôi công nghệ cao, xây dựng hạ tầng cơ bản cho trung tâm mua bán sản phẩm động vật chăn nuôi tại Ân Phong.

Tin cùng chuyên mục