Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Đó là giải pháp mà Sở Công thương TPHCM đang làm, nhằm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp (DN) thành phố nói riêng và DN Việt Nam nói chung. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa với những DN sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, sản phẩm phụ trợ, chế biến lương thực thực phẩm - những sản phẩm luôn phải chịu thiệt do DN phải vay mượn thương hiệu từ các tập đoàn hay quốc gia nước ngoài.
Xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp

Đó là giải pháp mà Sở Công thương TPHCM đang làm, nhằm tăng giá trị gia tăng cho các sản phẩm chủ lực của doanh nghiệp (DN) thành phố nói riêng và DN Việt Nam nói chung. Điều này cũng đặc biệt có ý nghĩa với những DN sản xuất trong lĩnh vực cơ khí, sản phẩm phụ trợ, chế biến lương thực thực phẩm - những sản phẩm luôn phải chịu thiệt do DN phải vay mượn thương hiệu từ các tập đoàn hay quốc gia nước ngoài.

Thiệt thòi vì thiếu bảo chứng thương hiệu

Liên quan đến vấn đề này, nhiều DN cho biết sở dĩ DN nội đang mất dần thị phần tại thị trường nội địa trước DN ngoại là do không đủ khả năng đầu tư phát triển thương hiệu. Đại diện Công ty Nước mắm Thanh Hà cho biết, sản phẩm của công ty chuyên xuất khẩu sang Nhật Bản nhưng lại không thể bán tại thị trường Việt Nam. Nguyên nhân là do không thể cạnh tranh quảng bá thương hiệu với tập đoàn có vốn đầu tư nước ngoài. Trong khi đó, nếu so về chất lượng, chưa chắc DN mạnh vốn đầu tư nước ngoài có sản phẩm tốt như sản phẩm của công ty nói riêng và các công ty trong nước cùng sản xuất mặt hàng này nói chung. Thậm chí, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài chỉ là nước chấm (nước mắm nguyên chất pha loãng) nhưng vốn có ưu thế về tài chính, họ đẩy mạnh hoạt động truyền thông, quảng cáo, đánh lận thông tin sản phẩm nước chấm như là nước mắm nguyên chất, khiến người tiêu dùng nhầm lẫn và lựa chọn sản phẩm dựa trên thói quen xem quảng cáo.

Đó là trong lĩnh vực sản phẩm tiêu dùng nhanh, còn với những sản phẩm cơ khí thì DN chịu thiệt thòi hơn khi chấp nhận sản xuất sản phẩm nhưng phải mượn danh xuất xứ từ quốc gia khác. Đại diện một công ty chuyên sản xuất sản phẩm cơ khí tại Khu chế xuất Tân Thuận cho biết, nếu xét về vốn đầu tư, trình độ công nghệ sản xuất, công ty không thua kém công ty ngoại. Cụ thể, công ty đã đầu tư những máy móc thiết bị hàng đầu trên thế giới như Nhật Bản, Mỹ và các nước nhóm G7. Tuy nhiên, do thiếu thương hiệu quốc gia nên nhiều đơn hàng của công ty phải chấp nhận sản xuất dưới thương hiệu một quốc gia khác. Thực tế này có phần phi lý nhưng lại đang tồn tại rất phổ biến trong hoạt động kinh doanh của các DN, nhất là những DN hoạt động trong lĩnh vực cơ khí chế tạo và điện, điện tử.

Chế biến thực phẩm xuất khẩu tại một doanh nghiệp trong nước có thương hiệu. Ảnh: CAO THĂNG

Đầu tư thương hiệu cho sản phẩm chủ lực

Để khắc phục thực trạng này, Sở Công thương TPHCM vừa đưa ra chương trình hỗ trợ phá triển thương hiệu cho các DN thành phố. Theo ông Nguyễn Phương Đông, Phó Giám đốc Sở Công thương, khảo sát thực tế do sở thực hiện cho thấy hầu hết các DN vừa và nhỏ không có khả năng tài chính để xây dựng và phát triển thương hiệu. Trong khi đó, yếu tố này lại có ý nghĩa rất lớn trong việc tạo nên giá trị gia tăng cho sản phẩm của DN trên thị trường. Quan trọng hơn, giá trị thương hiệu còn góp phần tạo nên thị trường và đối tác bền vững cho DN. Trước thực tế đó, sở đã trình UBND TPHCM và đã được chấp thuận phê duyệt về việc tổ chức chương trình bình chọn và chứng nhận thương hiệu sản phẩm tiêu biểu của TP. Hiện sở đã phối hợp với các sở ban ngành liên quan minh bạch quy trình cũng như những sản phẩm sẽ được lựa chọn để thực hiện chứng nhận cho năm 2016.

Theo đó, tập trung ưu tiên vào các nhóm sản phẩm có khả năng đóng góp vào sự phát triển công nghiệp cũng như sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế của TP. Cụ thể, với ngành công nghiệp cơ khí, ưu tiên lựa chọn các sản phẩm là nguyên liệu, linh kiện, máy móc, thiết bị trực tiếp hoặc được lắp đặt trong các dây chuyền tự động phục vụ cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp. Ngành công nghiệp cao su - nhựa sẽ là sản phẩm nhựa, cao su kỹ thuật cung ứng cho các ngành công nghiệp khác (như cơ khí, lương thực - thực phẩm…) đòi hỏi công nghệ kỹ thuật và độ chính xác cao. Sản phẩm của ngành công nghiệp điện tử cũng sẽ là ưu tiên hàng đầu trong đợt bình chọn và chứng nhận này, bao gồm những sản phẩm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu (DIN, JIS, ASTM...), nguyên liệu, linh kiện phục vụ cho hoạt động sản xuất sản phẩm xuất khẩu; sản phẩm an toàn tiết kiệm năng lượng và đặc biệt là những sản phẩm tham gia vào chuỗi liên kết giá trị sản phẩm. Riêng với ngành công nghiệp nhẹ sẽ tập trung vào sản phẩm của ngành lương thực, thực phẩm và dệt may, da giày. Tuy nhiên, phần tiêu chí xét chọn cho những sản phẩm trong hai lĩnh vực này sẽ có tính đến yếu tố: mức độ nhận biết của người tiêu dùng và tỷ lệ sử dụng nguồn nguyên phụ liệu được sản xuất trong nước.

Ông Hồ Minh Sơn, Giám đốc Công ty TNHH Amura Precision, cho rằng thương hiệu là một trong 6 giải pháp cần thiết mà bất kỳ DN nào muốn tồn tại và phát triển đều phải thực hiện. Việc phát triển thương hiệu sẽ giúp cải thiện hình ảnh của DN trong mắt đối tác khách hàng. Đặc biệt, khi thương hiệu được chứng nhận và bảo chứng một cách chính thống từ hệ thống cơ quan chức năng thì càng giúp DN gia tăng được mức độ uy tín trên thị trường. Ông Nguyễn Phương Đông cũng nhấn mạnh thêm, việc bình chọn do TP thực hiện không dừng lại ở trao chứng nhận. Những sản phẩm sau khi được bình chọn còn được các cơ quan chức năng hỗ trợ xây dựng các cơ chế, chính sách để phát triển ra thị trường. Từng bước xây dựng, hình thành danh mục các sản phẩm công nghiệp và công nghiệp hỗ trợ tiêu biểu của thành phố, làm cơ sở cho các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ.

ÁI VÂN

Tin cùng chuyên mục